Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Cơ hội phát triển với nhóm ngành công nghệ" từ 15 giờ 45 - 16 giờ 45 ngày 19.3.
Chương trình được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube của Báo Thanh Niên.
https://www.youtube.com/watch?v=HuG0RVThnIM
Trong phần 2 chương trình, đại diện các trường ĐH sẽ chia sẻ về xu hướng đào tạo những ngành công nghệ, bao gồm công nghệ thông tin với nhiều ngành học "hot" bậc nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật robot, big data, an toàn thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô...
Các khách mời tham gia tư vấn trong chương trình gồm:
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay hiện nay thí sinh đang có xu hướng lựa chọn lĩnh vực công nghệ khá nhiều vì chiến lược quốc gia liên quan đến quá trình chuyển đổi số nên cần nguồn nhân lực chất lượng cao và biết ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bên cạnh đó, CNTT cũng được tích hợp vào chương trình đào tạo của những ngành khác như truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ tài chính. Hiện có 2 dạng người học: một là người chọn đúng CNTT và tạo ra sản phẩm CNTT; hai là người ứng dụng CNTT vào công việc để tăng giá trị hành nghề.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết năm nay trường tuyển sinh 36 ngành với 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, 25% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, 5% kết quả thi đánh giá năng lực, 70% xét học bạ THPT. Dù có thể đăng ký xét tuyển sớm nhưng thí sinh phải lưu ý đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT theo đúng thời gian quy định.
Bạn đọc Tuấn Khải (Tiền Giang) hỏi: “Ngành digital marketing, công nghệ truyền thông có ứng dụng CNTT nhiều hay không? Em là người hướng ngoại nên chọn ngành nào?”. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên giải đáp: “Một số ngành nếu chỉ nghe tên thì không gắn liền với CNTT như quan hệ công chúng nhưng ứng dụng nhiều kiến thức, công cụ CNTT để phục vụ công việc. Còn những ngành như digital marketing, công nghệ truyền thông ứng dụng rất nhiều kiến thức CNTT, Cụ thể, người làm digital marketing phải có rất nhiều kiến thức CNTT (như tối ưu hóa tìm kiềm), lên kế hoạch, thực hiện chiến dịch marketing trực tuyến để giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng”.
“Nếu bạn là người hướng ngoại thì có nhiều công việc ngành nghề để lựa chọn. Tuy nhiên, hướng ngoại là chưa đủ với những lĩnh vực công nghệ vì sinh viên cần phải đam mê, kiên trì, có tư duy logic, phải nhạy bén. Không chỉ riêng CNTT, nhiều lĩnh vực khác đều có thể cần yếu tố hướng ngoại, nhưng đây chỉ là yếu tố cần, chưa phải đủ”, thạc sĩ Doãn Nguyên nói thêm.
- Thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Thạc sĩ Dương Thành Phết nhận định, thí sinh có xu hướng ưu tiên chọn các ngành thuộc khối CNTT trong nhiều năm vừa qua. Đây là điều tất yếu vì sự phát triển của khoa học công nghệ, sự chuyển đổi số và gần đây nhất là trí tuệ nhân tạo (AI). HUTECH đào tạo chất lượng cao đa ngành, có một số ngành đào tạo liên quan đến CNTT và các ngành công nghệ như: CNTT, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, công nghệ kỹ thuật ô tô.
Thạc sĩ Dương Thành Phết cho biết trường đào tạo 63 ngành, với 5 phương thức xét tuyển. Nhà trường ưu tiên suất học bổng doanh nghiệp cho các bạn nộp hồ sơ sớm nhất.
Bạn đọc Quang Phước (TP.HCM) thắc mắc: “Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có những ngành học mới nào trong khối công nghệ? Có phải ngành học mới thì cơ hội trúng tuyển nhiều hơn? Em băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành học mới so với những ngành cũ ra sao?”.Thạc sĩ Dương Thành Phết giải đáp: "Năm 2024, nhà trường mở thêm 7 ngành học mới. Trong đó, có 5 ngành liên quan đến công nghệ gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật nhiệt, công nghệ thẩm mỹ. Nhiều học sinh trăn trở liệu rằng thí sinh nộp đơn xét tuyển ngành học mới có cơ hội trúng tuyển cao hay không. Tôi cho rằng cao vì nhiều bạn chưa biết đến ngành mới nên tỷ lệ chọi thấp hơn và cơ hội nghề nghiệp cũng mở cửa”.
- Tiến sĩ Trương Hải Bằng, khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
Tiến sĩ Trương Hải Bằng cho biết: “Nhóm ngành nghề mới thuộc xu hướng công nghệ gồm: điện toán điện tử, siêu tự động hóa, kết nối tương lai 5G hay 6G, kiến trúc đám mây phân tán, công nghệ sạch, khai thác quy trình, các ứng dụng của AI, lập trình cho tương lai… Sinh viên học những ngành công nghệ mới có rất nhiều lợi thế như: tăng cường khả năng sáng tạo, phát triển kỹ năng cá nhân, thu nhập hấp dẫn và khởi nghiệp”. Để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ mới, tiến sĩ Bằng lưu ý sinh viên cần cập nhật kiến thức liên tục, thực hành và áp dụng thường xuyên để hiểu sâu hơn về công nghệ, phát triển kỹ năng mềm, tìm kiếm cơ hội học hỏi từ các hội thảo, workshop và khóa học.
Bạn đọc hỏi: “Học ngành công nghệ thông tin hay khoa học máy tính có cần giỏi tiếng Anh hay không? Em thấy người làm việc trong lĩnh vực này thường ngồi một chỗ, vậy có phù hợp với người thích đi đây đi đó như em không?”. Tiến sĩ Trương Hải Bằng trả lời: “Học ngành CNTT và khoa học máy tính thì không cần giỏi tiếng Anh từ đầu, trường đào tạo chuẩn quốc tế nên sẽ có một số môn học, giờ học bổ sung miễn phí cho sinh viên để tăng cường khả năng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh là ngôn ngữ trong cộng đồng công nghệ toàn cầu nên sinh viên phải biết. Chưa kể, nhiều công ty, tập đoàn công nghệ lớn dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để làm việc. Ngoài ra, các công ty công nghệ hiện nay ủng hộ môi trường làm việc linh hoạt, cho phép làm từ xa hoặc theo lịch trình linh động. Dù vậy, đối với một số vị trí nhất định, công ty yêu cầu phải có sự hiện diện của nhân viên tại văn phòng".
Một độc giả hỏi: “Em muốn biết liệu rằng Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn triển khai chương trình hướng nghiệp sớm cho sinh viên và sẽ mở ngành công nghệ giáo dục hay không? Cơ hội việc làm cho sinh viên học ngành công nghệ giáo dục ra sao?”. Tiến sĩ Trương Hải Bằng thông tin: “Năm nay, trường mở các ngành mới mũi nhọn là thiết kế vi mạch, CNTT trong y tế và công nghệ giáo dục. Hiện chỉ có 2 trường đào tạo ngành công nghệ giáo dục là ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn”.Theo tiến sĩ Bằng, sinh viên ngành công nghệ giáo dục sẽ được trang bị kiến thức về CNTT, truyền thông, khoa học giáo dục, công nghệ giáo dục theo chuẩn quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm chuyên viên phân tích nghiệp vụ về sản phẩm dịch vụ giáo dục, chuyên viên quản trị hệ thống đào tạo trực tuyến, chuyên gia thiết kế phần mềm học tập đa phương tiện. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có chương trình hướng nghiệp sớm từ năm học 2022-2023. Theo đó, một số môn chuyên ngành sẽ đưa vào giảng dạy từ năm thứ 2. Như vậy, sinh viên kết thúc năm 2 có thể đi làm việc và tham gia dự án thực tế.
- Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Hiện nay có nhiều ngành học có sự kết hợp giữa kinh tế với công nghệ, y tế với công nghệ, nghệ thuật với công nghệ… Như vậy, học những ngành này ra, thí sinh có cơ hội nghề nghiệp ra sao? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc cho hay, trong xu thế phát triển giáo dục và chuyển đổi số trên toàn cầu, các chương trình đào tạo hiện nay theo định hướng liên chuyên ngành, không còn đơn ngành như trước. Vì thế, việc kết hợp công nghệ vào các ngành khác như kinh tế, y tế, nghệ thuật, nông nghiệp... là rất phổ biến. Cơ hội làm việc hấp dẫn, đa dạng hơn và sinh viên tốt nghiệp có thể làm chuyên viên phân tích dữ liệu hoặc kinh doanh marketing số, quản trị nguồn nhân lực hay tài chính của doanh nghiệp. Nếu học chuyên ngành ứng dụng công nghệ vào y tế, sinh viên ra trường có thể viết phần mềm cho y tế, lập trình app (ứng dụng điện thoại di động) y tế… Trường Nguyễn Tất Thành có đào tạo nhiều ngành như vậy, gồm: kinh tế số, du lịch số, công nghệ y sinh học, công nghệ tài chính, quản lý bệnh viện.
Một thí sinh thắc mắc: “Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô so với ngành CNTT, thì nhu cầu nhân lực ngành nào nhiều hơn? Em học khối A, điểm học bạ khoảng 21, 22 điểm thì có cơ hội trúng tuyển hay không? Em có nên đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức?”. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc nhận định, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ ô tô rất lớn nhưng lại không phổ biến. Hầu như doanh nghiệp tập trung vào 2 lĩnh vực chính: sản xuất và công nghệ ô tô. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại những tập đoàn ô tô lớn như Huyndai, Toyota, VinFast… Còn CNTT phổ biến ở tất cả lĩnh vực và hầu như doanh nghiệp nào cũng cần đội ngũ xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu, quản trị hệ thống, hóa đơn... Hằng năm, thị trường cần nhiều nhân sự nhưng vẫn thiếu hụt. Nếu điểm học bạ là 21, 22 điểm thì bạn có khả năng đậu cao.
Bạn đọc quan tâm tới công nghệ thông tin và các ngành công nghệ có thể đặt câu hỏi thông qua các kênh của Báo Thanh Niên để được giải đáp.
Bạn đọc cũng có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY.
Bình luận (0)