Cưới hỏi thời nay

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?

08/11/2024 12:16 GMT+7

Cuối năm thường là dịp có nhiều đám cưới, không ít người bất ngờ khi nhận được thiệp từ những người bạn, họ hàng mà từ lâu không liên lạc. Thậm chí có còn tò mò về lý do vì sao bản thân lại được mời đến tham dự những đám cưới đó.

Ngày nay, việc gửi thiệp cưới có nhiều cách dễ dàng thay vì gặp mặt đưa thiệp trực tiếp. Nhiều cặp đôi lựa chọn gửi thiệp điện tử qua tin nhắn, điện thoại hay mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đám cưới là ngày vui của cô dâu, chú rể nên hãy mời những người mang lại niềm vui và ý nghĩa trong tiệc cưới của cả hai. Vì vậy, cặp đôi cần cân nhắc việc mời những người không quen biết nhiều để tránh những hiểu lầm và khiến mối quan hệ đó càng trở nên xa cách.

Sững sờ khi nhận thiệp cưới

Anh Nguyễn Huy Dũng (33 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) sững sờ khi nhận được thiệp mời đám cưới của em gái một người bạn. Anh và người bạn đó cũng chỉ là bạn chung lớp, không phải chí cốt nên việc em gái bạn mời cưới khiến anh băn khoăn có nên đi hay không. Cuối cùng, vì nghĩ họ đã mời nếu không đi người có lỗi là bản thân nên anh vẫn gửi tiền dù không vừa lòng.

"Việc bạn bè xã giao mời tôi không bất ngờ bằng việc em gái của bạn mời dự đám cưới. Tôi cũng không hiểu họ mời để giữ mối quan hệ hay chỉ đơn giản là lấy tiền mừng, coi đám cưới chỉ là dịp nhận tiền mừng", anh Dũng bày tỏ.

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?- Ảnh 1.

Nhiều người chọn gửi thiệp cưới qua hình thức online

ẢNH MINH HOẠ: DƯƠNG LAN

Anh Vũ Huy Hoàng (25 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết bản thân hiện đang làm trong ngành truyền thông. Cách đây không lâu, anh nhận được thiệp mời đám cưới từ một người cũng làm trong ngành nhưng khác công ty. Sẽ không có gì đáng nói nếu anh và họ thường xuyên tương tác, trò chuyện nhưng anh đánh giá đây chỉ là mối quan hệ xã giao.

"Tôi và anh ấy gặp nhau hai lần ở hai sự kiện khác nhau. Trong hai lần gặp nhau đó, chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao rồi việc ai người đó làm. Gần đây, anh ấy tổ chức đám cưới có nhắn tin mời. Tôi khá bất ngờ khi nhận được thiệp vì chúng tôi không phải đồng nghiệp thân thiết, còn chưa bao giờ đi chơi hoặc đi uống cà phê với nhau để có những câu chuyện chung. Tuy nhiên, vì cả nể và giữ phép lịch sự nên dù không dự đám cưới nhưng tôi vẫn chuyển khoản gửi 500.000 đồng mừng cưới. Từ đó đến nay, tôi với anh ấy cũng chưa có dịp nói chuyện thêm với nhau", anh Hoàng nói.

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?- Ảnh 2.

Nhiều người nhận được thiệp mời đám cưới đặc biệt vào dịp cuối năm

ẢNH MINH HOẠ: DƯƠNG LAN

Theo anh Hoàng, những người được mời đến dự đám cưới của cô dâu, chú rể là những người trong gia đình, bạn bè thân thiết hoặc những người bạn mà khi gửi thiệp chắc chắn họ sẽ tới để không khó xử cả đôi bên.

"Với tôi, đám cưới là cột mốc quan trọng của hai vợ chồng nên những người chứng kiến là những người thân thiết và thực sự đến để chúc phúc chứ không phải để "lấy lời" từ những đồng tiền mừng hay "phông bạt" về mối quan hệ rộng của mình", anh Hoàng bày tỏ.

Vừa tổ chức đám cưới không lâu, chị Nguyễn Ngọc Anh (28 tuổi, ở Q.1) cho hay, chị vẫn mời những người bạn cấp 3 lâu ngày không liên lạc hoặc đồng nghiệp xã giao trong công ty. Quan điểm của chị là với những người bạn cấp 3 dù không trò chuyện nhưng vẫn tương tác qua mạng xã hội, biết cuộc sống hiện tại của nhau. Chưa kể chị vẫn tình cờ gặp lại các bạn ở đám cưới một người bạn chung lớp nên  đã gửi thiệp và cho rằng đây cũng là dịp "họp lớp". 

"Với đồng nghiệp xã giao dù tôi biết không thân thiết nhưng đây cũng là cách để mở rộng mối quan hệ. Trong công việc sẽ có những lúc cần phải giao lưu, hỏi han hay cần sự hỗ trợ nên đám cưới là dịp để gia tăng sự mức độ quen biết", chị Ngọc Anh bày tỏ.

Thăm dò ý kiến

Bạn sẽ làm gì nếu nhận được thiệp cưới từ những người không thân thiết, xã giao?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Nên đi hay không?

Tự đặt dấu hỏi vì không biết cô dâu có gửi nhầm thiệp không là suy nghĩ của chị Phạm Thị Trang (25 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) khi nhận được thiệp mời từ một người bạn cấp 3. Người bạn này chỉ học với chị năm lớp 10 sau đó chuyển lớp. Từ đó đến nay khoảng 8 năm họ không còn nói chuyện với nhau nhưng một ngày đẹp trời chị Trang nhận được thiệp mời online từ tin nhắn trên Facebook. Đoạn chat trên Facebook ngoài những tin nói chuyện từ hồi lớp 10 thì tin nhắn mời cưới là nội dung tiếp theo họ đề cập. Trước đó tuyệt nhiên không có lời chia sẻ, hỏi thăm về tình hình cuộc sống suốt bao năm qua.

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?- Ảnh 3.

Đám cưới là ngày trọng đại của cô dâu, chú rể

ẢNH MINH HOẠ: DƯƠNG LAN

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?- Ảnh 4.

Những ngày cuối năm, nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới

ẢNH: DƯƠNG LAN

"Tôi đã không còn gặp người bạn đó khoảng 8 năm nay, lúc đầu tôi tưởng bạn gửi nhầm thiệp hoặc ghi nhầm tên. Sau khi biết tấm thiệp chính xác là gửi cho tôi, tôi gửi lời chúc mừng hạnh phúc xã giao qua tin nhắn và đến ngày cưới gửi thêm tiền mừng vì số tài khoản của người bạn đó đăng công khai lên mạng xã hội. Tôi băn khoăn không biết sau này lập gia đình có nên mời lại người bạn đó hay không?", chị Trang trải lòng.

Nhiều người ngạc nhiên vì bỗng nhận thiệp cưới: Nên đi hay không?- Ảnh 5.

Việc đi đám cưới với những người không thân thiết là băn khoăn của nhiều người

ẢNH MINH HOẠ: DƯƠNG LAN

Việc nhận được thiệp cưới từ những người không quen, không quá thân thiết thậm chí là những người không còn liên lạc thường xuyên trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các hội nhóm mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ quan điểm thẳng thắn sẽ không tham dự, không gửi tiền mừng vì cho rằng đó chỉ là những mối quan hệ xã giao, không nhất thiết phải bận tâm. Tuy nhiên, có những người cho rằng, đám cưới của họ mà nhớ đến bản thân để mời cũng là điều vui vẻ, dù không tham dự được nhưng vẫn gửi quà chúc mừng.

Với trường hợp nhận thiệp mời đám cưới từ những người xã giao, nếu người gửi là đồng nghiệp hoặc bạn học cũ hay suy nghĩ về mức độ thân thiết giữa hai người. Nếu cảm thấy mối quan hệ này có thể mang lại ý nghĩa lâu dài hoặc có thể kết nối lại tình cảm, bạn có thể cân nhắc tham dự. Tham gia một đám cưới thường đi kèm nhiều chi phí, từ phong bì mừng đến chi phí chuyển và thời gian. Nếu điều kiện tài chính hoặc thời gian không được phép, bạn hoàn toàn có thể từ chối một cách khéo léo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.