Nhiều bệnh do nhiễm giun
Bị nhiễm giun truyền qua đất là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém như đi tiêu bừa bãi còn phổ biến, nhất là vùng nông thôn, miền núi; tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; thói quen sử dụng phân tươi để bón ruộng; vệ sinh cá nhân còn kém, ít có thói quen rửa tay hàng ngày; không sử dụng giầy, dép và các dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, nhiễm giun cấp và mãn tính có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhiễm giun đũa cấp có thể gây tắc, bán tắc ruột, giun chui ống mật. Nhiễm giun mãn tính làm cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Những trẻ bị nhiễm giun với mức độ nặng sẽ hay bị ốm hoặc mệt mỏi và không đảm bảo sức khỏe để học tập.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, giun sống trong ruột, tiết ra chất độc, chiếm lấy thức ăn, hút chất dinh dưỡng, vitamin, protein, chất sắt… gây choáng váng, mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng. Đối với loại giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột và có thể dẫn đến giun chui ống mật. Giun móc có thể gây thiếu máu, suy tim, mề đay. Còn giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin, thiếu máu. Trẻ bị nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ.
Chiến dịch tẩy giun cho học sinh
Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, để phòng chống bệnh giun truyền qua đất cần đẩy mạnh truyền thông, nhằm giúp mọi người hiểu cách phòng bệnh, từ đó thực hành tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Một trong những biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ nhiễm giun là tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Ông Trần Công Đại, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới lưu ý: “Sau 5-6 năm tẩy giun định kỳ cho các nhóm nguy cơ cao (trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ), nếu tỷ lệ nhiễm giun chỉ còn <1% thì không cần thực hiện chiến dịch tẩy giun; nếu tỷ lệ nhiễm còn từ 1% đến dưới 10% thì chỉ cần tẩy 2 năm/ lần; từ 10% đến dưới 20% thì tẩy giun 1 năm/lần. Nếu tỷ lệ nhiễm từ 20% - 30% cần tẩy giun 2 lần/ năm và nếu tỷ lệ này trên 50% thì cần tẩy giun 3 lần/năm. “Việc thực hiện chiến lược tẩy giun theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới giúp định hướng cho việc ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo việc phòng, chống nhiễm giun ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất”, chuyên gia này chia sẻ.
Hiện nay, trong nỗ lực phòng chống bệnh giun truyền qua đất dựa vào trường học, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, Vụ công tác Học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Đông Tây Hội Ngộ triển khai dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân tại một số tỉnh của Việt Nam”.
Trong các ngày 28-29.11.2016 chiến dịch tẩy giun hàng loạt đã được triển khai. Cho 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An đã được uống thuốc tẩy giun. Đây là các tỉnh có tỷ lệ nhiễm trẻ nhiễm giun cao trong số các tỉnh miền Bắc. Trong đó, có địa phương, tỷ lệ trẻ nhiễm giun là 6,4%. Mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và cộng đồng về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất và cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bình luận (0)