Ngày 20.10, Sở TN-MT có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về giải ngân vốn đầu tư công các dự án (DA) được ghi vốn bồi thường trong năm 2022 trên địa bàn.
Năm 2022, toàn TP.HCM có 200 DA ghi vốn bồi thường với tổng vốn 10.467 tỉ đồng. Đến nay, số vốn giải ngân mới đạt gần 3.000 tỉ đồng, tương đương hơn 28%. Một số quận huyện đạt tỷ lệ cao như: Q.4 (98%), Q.8 (70%), Q.Gò vấp (93%), H.Cần Giờ (71%). Nổi bật, Q.Bình Tân có số vốn giao lớn (2.682 tỉ đồng) và đã giải ngân 1.851 tỉ đồng (đạt 69%) và là địa phương có số vốn giải ngân tuyệt đối cao nhất TP.
Tuy nhiên, một số địa phương khác giải ngân ì ạch, kéo tỷ lệ giải ngân chung xuống mức khá thấp, như: Q.3, Q.11 và Bình Chánh chưa giải ngân khoản nào, Q.7 mới đạt 0,24%, Bình Chánh hơn 11%, Hóc Môn hơn 4%... Trong số này, TP.Thủ Đức là địa phương được giao vốn nhiều nhất với 3.460 tỉ đồng cho 36 DA nhưng mới giải ngân hơn 20 tỉ đồng, tương ứng 0,58%.
Sở TN-MT TP.HCM đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường của TP.Thủ Đức là rất thấp. UBND TP.Thủ Đức cũng chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo công tác này khi các cuộc họp chỉ có lãnh đạo ban bồi thường giải phóng mặt bằng và ban quản lý DA tham dự. Ngoài yếu tố khách quan liên quan sáp nhập đơn vị hành chính, còn có nguyên nhân chủ quan như công tác chuẩn bị chưa thật sự tốt.
Nhiều DA được ghi vốn bồi thường từ đầu năm 2022, nhưng đến nay vẫn đang ở khâu chuẩn bị như: ban hành thông báo thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm, lập chứng thư thẩm định trình Sở TN-MT. Sự chậm trễ này khiến nhiều DA chưa được UBND TP.HCM phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất để thực hiện, phải chuyển vốn sang năm 2023 như: DA xây dựng mới cầu Ông Bồn, cầu Làng, nâng cấp đường số 60… Ngoài ra, chủ đầu tư các DA chưa phối hợp tốt với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Sở TN-MT đề nghị các địa phương cần sớm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; riêng TP.Thủ Đức cần nhanh chóng xác lập hồ sơ bồi thường cho toàn bộ người dân bị ảnh hưởng bởi các DA.
Bình luận