Nhiều sản phẩm ở Con Cưng mập mờ xuất xứ

22/07/2018 17:32 GMT+7

Trưa nay 22.7, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra hàng hóa tại 4 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống sản phẩm dành cho mẹ và bé Con Cưng trên địa bàn TP.HCM.

Bước đầu, cơ quan quản lý phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, nguồn gốc các sản phẩm thuộc hệ thống.
Cụ thể loạt hàng quần áo dành cho bé tại cửa hàng số 78 Tôn Thất Tùng (phường Bến Thành, quận 1) có in nhãn hiệu CF (Con Cưng Fashion - PV) cùng xuất xứ "Made in Thailand" bị phát hiện không có gắn tem, mác nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định. Thông tin sản phẩm cùng giá tiền được treo rời vào móc, dễ dàng tháo gỡ mà không liên quan gì đến sản phẩm.
Trong khi đó, các sản phẩm có gắn nhãn, mác "Made in Vietnam" lại thể hiện rõ xuất xứ, thành phần, nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng... và được may liền với sản phẩm.
Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công thương chỉ rõ : Về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc.
"Hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt. Trong khi đó, mác lại được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm" - ông Hùng nói.
Không chỉ quần áo, các mặt hàng mỹ phẩm bày bán tại cửa hàng cũng bị phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Nổi bật là sản phẩm kem massage bụng TitiOne. Trên sản phẩm có dán tờ tem nhỏ in rõ "Sản xuất bởi: Công ty TNHH MỸ PHẨM TITIONE" nhưng khi bóc lớp giấy này ra, công ty sản xuất được in trực tiếp trên sản phẩm lại là Công ty TNHH G&C.
Quần áo nhập từ Thái Lan không có đính nhãn, mác cụ thể H.Mai
Các sản phẩm được kiểm tra tại cửa hàng Con Cưng địa chỉ 833 Hồng Bàng (phường 9, quận 6) và địa chỉ 424 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3) đều xảy ra tình trạng tương tự. Khi được yêu cầu giải thích, các nhân viên bán hàng đều không lý giải được hiện tượng này, đồng thời cũng không trả lời được cụ thể kem này được sản xuất từ công ty nào, nhập từ đâu.
"Sản phẩm của công ty A mà dán nhãn sản xuất bởi công ty B là dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Ngô Văn Tùng, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm như kính mắt, thực phẩm tại chuỗi hệ thống cũng bị cơ quan kiểm tra đánh giá dán nhãn không cụ thể, mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ, luôn giấu tên nhà sản xuất, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Sản phẩm bị dán đè nhãn thay nơi sản xuất H.Mai
"Kiểm tra bước đầu cho thấy phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về nguồn gốc, xuất xứ cần làm rõ, đối chiếu theo tờ khai, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu. Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cần kiểm tra thật kỹ lưỡng, lập biên bản tịch thu tạm giữ tất cả các sản phẩm có dấu hiệu sai phạm để tiến hành xác minh" - ông Hùng chỉ đạo.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tất cả cửa hàng được kiểm tra đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ, phiếu xuất kho nội bộ với lý do ngày nghỉ, không có nhân sự cung cấp.
Trước đó, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ tại phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) đã phản ánh về việc mua sản phẩm ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) và phát hiện bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái (mã sản phẩm CF G127011) có dấu hiệu bị cắt nhãn. Ngay sau đó, các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.