Trong suy nghĩ của không ít người trẻ và ngay cả trong cách giáo dục con cái của nhiều bậc phụ huynh hiện tồn tại quan niệm: có nhiều tiền đồng nghĩa với thành công.
Rất đông bạn trẻ tham gia những hội nghị khách hàng của các công ty đa cấp với mong muốn kiếm được nhiều tiền để được nhìn nhận thành công - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tuy nhiên, nếu chỉ xem tiền bạc, sự giàu sang đem lại thành công cho con người thì hết sức lệch lạc, phiến diện và nguy hiểm.
Mộng làm giàu
Điều này phần nào lý giải vì sao những công ty bán hàng đa cấp, những khóa học, cuốn sách dạy làm giàu... luôn có sức hút của nó.
Một công thức quen thuộc của nhiều công ty bán hàng đa cấp bất chính đưa ra để “dụ dỗ” người tham gia là trong những buổi hội thảo, họ đưa ra vài người kiếm được nhiều tiền từ bán hàng đa cấp, và khẳng định đây là những người thành công nhất trong xã hội. Ai tham gia vào mạng lưới này cũng đều có thể thành công như vậy.
Bên cạnh đó, những khóa học làm giàu thu hút nhiều bạn trẻ, tạo cho họ suy nghĩ sự thành công chỉ đến từ người giàu, có nhiều tiền.
Trên Facebook không khó tìm thấy những hội, nhóm: “Làm giàu thành công”, “Hội những người thích làm giàu để thành công”, “Cùng làm giàu và thành công”, “Khao khát làm giàu - Khao khát thành công”... Chỉ với từ khóa “làm giàu thành công”, Facebook đã đã có gần 50 kết quả tương tự như vậy. Câu thường gặp nhất ở những trang này là: “Khi khao khát làm giàu của bạn đủ lớn, bạn sẽ thành công”.
Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên thực hiện 16 năm qua, những năm gần đây hầu như buổi nào, ở đâu cũng có vài câu hỏi kiểu “Học ngành nào ra trường kiếm được nhiều tiền?”. Trong khi đó, lẽ ra điều học sinh cần quan tâm lúc này là nên chọn ngành học nào phù hợp với sở trường và điều kiện của mình.
Mọi thứ đều quy ra tiền
Theo tiến sĩ - chuyên gia tâm lý Vũ Phi Yên, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi đi học, điều nào làm học sinh sung sướng nhất thì các em coi là thành công, chẳng hạn như điểm cao, được thầy cô khen, bạn bè ngưỡng mộ... Nhưng ngày nay đứa trẻ cũng thấy người nào giàu có thì càng được nhiều người ngưỡng mộ. Bố mẹ cũng cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Từ đó đứa trẻ sẽ dần dần xem thành công là có nhiều tiền. “Trong xã hội hiện đại, nhiều nhu cầu được quy ra bằng tiền. Thích tiền chẳng có gì sai. Nhưng suy nghĩ chỉ dùng tiền để có thành công thì rất sai lầm”, tiến sĩ Yên nói.
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng đây đúng là thực trạng đáng báo động về nhận thức của giới trẻ hiện nay đối với quan điểm và lý tưởng sống. “Nguyên nhân chính của tình trạng này theo tôi là do hiện tượng sùng bái tiền tệ của nền kinh tế thị trường, khi mà nhiều giá trị chuẩn mực trong cuộc sống ngày nay đều được đo bằng tiền. Thêm vào đó, hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đều có những thông tin về đại gia này, người mẫu nọ dùng các loại xe sang, hàng hiệu... mới thể hiện đẳng cấp. Chính những hình ảnh này làm cho các bạn trẻ xem đó là hình mẫu (thậm chí là thần tượng) để mình phấn đấu trong tương lai”, ông Tình chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc TNK Capital, thừa nhận rằng khoảng 20 - 25 năm gần đây hiện tượng này đã phát triển. “Nhiều năm gần đây chúng ta luôn đề cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi các chỉ tiêu khác như tính nhân văn của xã hội, phát triển bền vững... đều hạ thấp. Điều này làm cho xã hội bị méo đi theo đúng hướng như vậy”, ông Dự nói.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết mong muốn chọn ngành học nào để sau này làm giàu của học sinh một phần ảnh hưởng từ xã hội. Người ta hay đánh giá thành công theo thu nhập.
Đồng tiền chỉ là phương tiện
Không ít bạn trẻ nghĩ nhầm về tiền như là mục tiêu của cuộc sống trong khi đồng tiền chỉ là phương tiện. Mục tiêu và hành trình của cuộc sống là hạnh phúc chứ không phải là tiền bạc.
Thực tế cuộc sống từ những sự thiếu thốn nhất định cũng như những định hướng hời hợt và cả sự thiếu hụt những giá trị nhân văn trong giáo dục chưa làm đến nơi đến chốn dẫn đến việc tôn thờ tiền bạc quá mức...
Mộng làm giàu của nhiều bạn trẻ, suy cho cùng đó là hệ quả của cách giáo dục thiếu cân bằng từ gia đình, sự định hướng non tay của thầy cô giáo và cả sự thiếu tỉnh táo của một số bạn trẻ... Điều này cần được điều chỉnh nếu như không muốn đẩy chính bản thân các bạn trẻ vào guồng quay của cuộc sống kiếm tiền đến mức quên cả bản thân, quên đi những hứng thú, đam mê và lý tưởng đích thực.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam |
Ý kiến
Bỏ quên giá trị nhân văn
Giáo dục hiện chỉ lo dạy câu chữ, không tập trung vào các giá trị xã hội nhân văn. Môn giáo dục công dân lại rất khuôn sáo, học sinh chỉ học theo kiểu đối phó là chính. Thầy cô cũng dạy môn này qua loa chiếu lệ.
Tiến sĩ TRẦN VINH DỰ (Tổng giám đốc TNK Capital)
Định hướng lại về nhận thức
Chúng ta phải có cách định hướng lại cho người trẻ về nhận thức. Ở đâu cũng tràn ngập thông tin người này có thu nhập cao, xe hơi xịn... làm các em có suy nghĩ rằng mình phải như thế mới là thành công. Nhưng mặt trái của tiền bạc là gì thì ít ai nói đến. Đương nhiên thời này lý tưởng hóa quá như trước đây thì không được. Nhưng quá thiên về vật chất quá cũng không đúng.
Thạc sĩ CỔ TẤN ANH VŨ (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Quan trọng là mục đích
Điều quan trọng là tiền kiếm được cho mục đích gì mới quan trọng. Chúng ta mới bước vào kinh tế thị trường, có nhiều người giàu lên nhưng lại có rất ít doanh nhân cộng đồng. Chính những doanh nhân cộng đồng mới là những tấm gương lớn về sự thành công để các bạn trẻ phấn đấu noi theo.
PGS-TS ĐỖ PHÚ TRẦN TÌNH (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Thanh Niên mong nhận được ý kiến bạn đọc, xin gửi về địa chỉ
phanhoibandoc@thanhnien.com.vn |
Bình luận (0)