Giảm chỉ tiêu và học phí
Trường TC Tin học kinh tế Sài Gòn năm ngoái xin 950 chỉ tiêu nhưng đến tháng 9.2011 chỉ tuyển được khoảng 20%, vì vậy năm nay chỉ đăng ký 750 chỉ tiêu nhưng vẫn lo không tuyển đủ. Bà Hà Thị Thanh Thanh - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Chúng tôi tiếp tục giảm 20% học phí cho học sinh trong lần đóng đầu tiên mặc dù nhiều trường ngoài công lập khác đang tăng học phí. Tất nhiên việc này sẽ làm cho ngân sách bị thâm hụt, vì thế chúng tôi sẽ phải tiết kiệm trong nhiều khoản chi phí khác”.
Trường TC Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cũng giảm chỉ tiêu từ 1.850 (năm ngoái) xuống còn 1.635. Ông Võ Thanh Liêm - Phó hiệu trưởng, cho rằng tình hình tuyển sinh của các trường TC sẽ vẫn tiếp tục chật vật, nhất là các trường tư thục. Trường TC Kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á cũng giảm từ 2.800 chỉ tiêu xuống 2.200.
Trong khi đó, ông Phạm Doãn Nguyên - Phó phòng Đào tạo Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn, ngậm ngùi: “Trường đã tìm mọi cách để quảng bá, đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt như giảm học phí, tặng vé xe với mong muốn cải thiện được tình hình tuyển sinh, nhưng hiệu quả không đạt bao nhiêu. Mọi năm, sau đợt 1 trường chỉ tuyển được khoảng 20% trong số hơn 1.000 chỉ tiêu”. Chính vì vậy, năm nay trường cắt chỉ còn 600 chỉ tiêu.
Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn cam kết khuyến mãi 5% học phí cho học sinh nào đóng trọn học kỳ và đúng thời gian quy định. Với Trường TC Tây Bắc, học sinh chỉ cần đóng trước 500.000 đồng là có thể nhập học…
|
Lơ là với trung cấp
Hằng năm, bậc học TCCN được giao khoảng 400.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm có trường TC nào tuyển đủ, trong khi thí sinh lại đổ xô vào trường ĐH để học bậc này. Rõ ràng, về mặt tâm lý, hễ còn trường ĐH tuyển bậc học này thì học sinh sẽ còn làm lơ với trường trung cấp.
Ông Phạm Như Nghệ - Vụ phó Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, phân tích: “Hằng năm, chỉ có khoảng gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, khoảng 100.000 trong số đó chọn con đường du học nước ngoài. Trong khi tổng chỉ tiêu vào ĐH-CĐ chính quy đã là gần 600.000. Như vậy, thí sinh sẽ chọn các bậc học cao hơn để học, chứ không mấy ai muốn vào TC. Đó là một nghịch lý mà nhà nước cần phải tính toán lại, liệu ĐH có có cần tuyển nhiều thế không trong khi sinh viên ra trường nhiều người vẫn thất nghiệp? Và công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông cũng phải thiết thực và hiệu quả hơn nữa”.
Ông Đỗ Hữu Khoa - Chủ tịch khối liên kết các trường TCCN tại TP.HCM, cũng nhận định: “Nhiều năm nay, các học sinh vẫn không xác định được khả năng thực sự của bản thân, điều kiện của gia đình và nhu cầu của xã hội, nên cứ mải mê theo đuổi trường ĐH-CĐ mà khả năng của mình không phù hợp, chưa thấy được lợi ích của bậc học này. Cái này là do công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS từ bậc THCS-THPT còn yếu”.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Ngọc Oánh - Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á, cho rằng: “Dù các trường TC có khang trang, chất lượng thì cũng không thể cạnh tranh được với “đàn anh” là các trường ĐH. Mọi cách mà các trường đưa ra để cứu mình hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết được tận gốc thực trạng khó khăn này”.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)