Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết hội chủ động chọn 3 vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là y tế, giáo dục và môi trường. Đại diện các bộ này cũng được mời và tham gia giao lưu. “Đây là cuộc giao lưu trên tinh thần mở, xây dựng nhằm để báo chí hiểu được trách nhiệm khó khăn của các nhà quản lý; và các nhà quản lý cũng hiểu được đặc thù công việc nghề nghiệp của báo chí; độc giả cũng hiểu được lao động của báo chí, để thu lượm được kinh nghiệm bổ ích cho mình”, ông Lợi nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng có những vụ việc báo chí vào cuộc nhiều nhưng cơ quan chức năng không vào cuộc. Ông cũng đặt vấn đề khi báo chí nêu ra các vụ việc xâm hại đến quyền lợi của công dân thì Hội Nhà báo có trách nhiệm vào cuộc chất vấn không? “Trong các sự việc như vậy hội có thúc đẩy sự lên tiếng giải quyết vấn đề của các cơ quan địa phương hay không?”, ông Dững nói.
Lãnh đạo các bộ, ngành được mời tham dự cũng chia sẻ mong muốn hợp tác với báo chí. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết qua vụ việc Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, ngoài việc chỉ đạo xử lý, Bộ đã nhận thấy dân chủ trong các cơ sở đào tạo thế nào. Vì thế, sắp tới Bộ sẽ phối hợp với ngành tuyên giáo tổ chức hội nghị công tác dân chủ trong các cơ sở giáo dục. Vị đại diện này cũng đề nghị báo chí vẽ chân dung sự kiện nào thì phản ánh đúng chứ đừng làm cho sự kiện méo mó đi...
Bình luận (0)