Nhiều xưởng mộc kêu cứu

28/06/2022 06:07 GMT+7

Dù mới chuyển đến khu làng nghề hơn 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp lại nhận thông báo phải dời sang khu quy hoạch mới.

Đầu năm 2021, thực hiện chính sách thu hút đầu tư và để kiểm soát nguồn gốc gỗ, UBND H.Kon Plông (Kon Tum) vận động 10 doanh nghiệp (DN), cơ sở và xưởng mộc trên địa bàn chuyển đến khu làng nghề tại xã Măng Cành, H.Kon Plông. Hầu hết đồng ý di dời và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Có những DN đầu tư hàng trăm triệu thậm chí cả tỉ đồng. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa được chính quyền địa phương làm thủ tục giao đất, cho thuê đất cũng như xác định thời gian thuê đất.

Đã vậy, các DN này gần đây lại nhận được thông báo trong thời gian tới sẽ quy hoạch khu làng nghề mới và chuyển đến đó trong khi họ đã đầu tư, xây dựng khá nhiều tại khu làng nghề hiện tại và chưa thu hồi được vốn.

Các cơ sở mộc ở khu làng nghề đang rất bất an vì không biết khi nào huyện đòi lại đất

ĐỨC NHẬT

Ông Đỗ Viết Dũng, đại diện Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Hà Dũng Măng Đen, cho hay sau khi huyện vận động, ông đã chuyển xưởng gỗ đến khu làng nghề. Sau đó, gia đình ông đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây dựng khu sản xuất, khu trưng bày và mua sắm máy móc, thiết bị; trong đó tiền vay từ ngân hàng là hơn 700 triệu đồng. “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào xưởng mộc ở khu làng nghề nên khi nghe tin khu vực làng nghề sắp bị thu hồi, chúng tôi không còn tâm trạng sản xuất. Đầu tư một khoản lớn nhưng chưa thu lại được đồng nào mà phải chuyển đi, chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng chứ chưa nói đến nguồn vốn để đầu tư tiếp”, ông Dũng lo lắng.

Tương tự, ông Đinh Ngọc Thiều, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đinh Ngọc Thiều, cho biết đã đầu tư vào xưởng mộc ở làng nghề hơn 700 triệu đồng, trong đó có 500 triệu đồng vay ngân hàng. “Nhưng huyện không làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, không xác định thời gian thuê đất khiến chúng tôi rất lo lắng. Nếu 1 - 2 năm nữa, địa phương thu hồi lại đất thì chúng tôi mất trắng. Kể cả thời gian cho thuê là 10 năm thì chúng tôi vẫn chưa thu hồi lại được vốn đã đầu tư chứ chưa nói đến lợi nhuận”, ông Thiều nói.

10 doanh nghiệp, cơ sở đang làm việc ở làng nghề đã làm đơn kiến nghị các cấp xem xét làm thủ tục giao đất


Trước tình hình trên, 10 DN, cơ sở tại khu làng nghề đã làm đơn kiến nghị các cơ quan ban ngành tạo điều kiện làm thủ tục giao đất, cho thuê đất và xác định thời hạn thuê đất để các DN này yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Đức Tín, Phó chủ tịch UBND H.Kon Plông, phủ nhận thông tin sẽ di chuyển làng nghề đi ngay và cho biết: “Trước đây huyện đã thỏa thuận với các DN sẽ cho thuê đất trong 10 năm rồi sau đó sẽ xem xét tiếp. Có thể 10 năm, 20 năm nữa nếu có sự thay đổi về quy hoạch thì buộc phải di dời thôi. Không có chuyện sẽ chuyển họ đi liền đâu. Trước mắt sẽ cho họ làm trong 10 năm. Nếu quy hoạch ổn định thì vẫn để đó gia hạn tiếp”. Về vấn đề tại sao huyện chưa làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định thời gian thuê đất, thì ông Tín đề nghị phóng viên trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Kon Plông. Phóng viên đã nhiều lần đến cơ quan này hoặc gọi điện liên hệ nhưng ông Trương Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án, từ chối cung cấp thông tin vì lý do không có thẩm quyền phát ngôn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.