iPhone OS 1
|
Không chỉ làm giảm lượng mã lập trình xuống còn một phần mười, trong quá trình phát triển, các kỹ sư còn phải giả lập tốc độ chip xử lý và ảnh hưởng tới thời lượng pin. Nguyên nhân bởi con chip vật lý không thể sản xuất tại thời điểm đang chạy thử phần mềm mà phải mất rất lâu sau đó mới hoàn thiện.
Lúc này, Apple và Google vẫn chưa phải đối thủ của nhau, vì thế dịch vụ bản đồ và ứng dụng YouTube trên iPhone OS 1 sử dụng dịch vụ back-end từ Google. Trong khi đó, Yahoo cung cấp chương trình phía sau cho ứng dụng Thời tiết.
iPhone OS 1 giới thiệu nhiều nguyên mẫu mà chúng ta quen thuộc ngày nay như tác vụ trượt để mở khóa, cảm ứng đa điểm. Tuy nhiên, nền tảng này vẫn còn thiếu nhiều thứ. Ứng dụng nhắn tin văn bản không hỗ trợ chuẩn MMS, người dùng không thể tìm kiếm trong danh bạ, tính năng sao chép, dán nội dung cũng chưa có.
iPhone OS 2
|
Tính năng điểm nhấn cho iPhone OS 2 là sự xuất hiện của Apps. Apple giới thiệu bộ công cụ phát triển đầu tiên cho các nhà lập trình và kho App Store cho người dùng cho phép chủ nhân thiết bị vào tìm kiếm, tải về các phần mềm cho máy. Khi ra mắt, có khoảng 500 ứng dụng trên Store và tới ngày nay, con số này đã đạt tới vài triệu.
Một số cập nhật khác cho phiên bản này gồm hỗ trợ push email đầy đủ (di chuyển hoặc xóa email), xem iWork và tập tin văn bản MS Office đính kèm trong email, thêm khả năng tìm liên lạc trong danh bạ, tải ảnh từ trình duyệt Safari, Mail…
iPhone OS 2 cũng đánh dấu lần đầu nền tảng này có tính năng kiểm soát dành cho phụ huynh. Đặc biệt, người dùng có thể bấm nút Home khi đang ở bất kỳ màn hình ứng dụng nào để trở về trang chủ ban đầu. Ứng dụng iTunes cũng cho phép kết nối thông qua dữ liệu di động, thay vì chỉ nhận Wi-Fi như trước
iOS 3
|
Trong hành trình một năm tồn tại của iPhone OS 3, Apple ra mắt máy tính bảng iPad, kết quả là hãng đã đổi tên hệ điều hành từ iPhone OS thành iOS. Mẫu iPad đầu tiên ra mắt cùng hệ điều hành iOS 3.2.
iOS 3 bổ sung tính năng cắt, sao chép và dán nội dung. Tính năng Spotlight cũng xuất hiện, mang tới khả năng tìm kiếm danh bạ, email, ghi chú và ứng dụng nhanh chóng. Số lượng màn hình chủ trên thiết bị được nâng lên 11, hỗ trợ tối đa 180 ứng dụng.
Chương trình Text (nhắn tin) được đổi tên thành Message và hỗ trợ MMS. Camera thêm khả năng tự động lấy nét, trong khi tính năng quay video lần đầu xuất hiện cùng mẫu iPhone 3GS ra mắt năm này.
iOS 4
|
Đây là bản iOS đầu tiên ngừng hỗ trợ thiết bị cũ, mà cụ thể là iPhone đời đầu và mẫu iPod Touch. Tính năng được quan tâm trên iOS 4 là việc gom các ứng dụng vào một tập tin ở màn hình Home, đồng thời cho phép người dùng đổi ảnh nền (wallpaper).
Việc chuyển nhanh giữa các ứng dụng và tính năng đa nhiệm (có giới hạn số cửa sổ chạy) được giới thiệu cùng nền tảng này. Với iOS 4, người dùng cũng lần đầu biết tới FaceTime, AirPlay, AirPrint, khay đa nhiệm giúp chỉnh nhanh âm lượng, kiểm soát AirPlay, độ sáng và khóa xoay màn hình.
Điểm truy cập dữ liệu cá nhân (Personal HotSpot) cũng xuất hiện từ phiên bản này.
iOS 5
|
Siri là những gì đáng nhớ nhất của phiên bản này. iOS 5 mang trợ lý ảo của Apple (bản thử nghiệm) đến với thế giới. iOS cũng bớt phụ thuộc hơn vào máy tính khi có thể cập nhật qua kết nối không dây và đồng bộ dữ liệu qua dịch vụ iCloud, nền tảng đám mây của "nhà táo".
iPad cũng nhận được cập nhật “hay ho” là thao tác đa nhiệm bằng cử chỉ ngón tay. Tính năng iMessage đã có thể đồng bộ giữa các thiết bị iOS.
Thế hệ iOS thứ 5 mang tới nhiều nâng cấp về trải nghiệm ảnh như phím tăng âm lượng tích hợp phím chụp ảnh khi ở giao diện Camera, ứng dụng Photos tích hợp công cụ chỉnh sửa. Đồng thời, sự kiện ra mắt iOS 5 cũng đánh dấu lần đầu Apple giới thiệu về các tính năng của bản iOS mới tại WWDC, một truyền thống vẫn giữ tới ngày nay.
iOS 6
|
iOS 6 trở nên nổi tiếng nhờ việc thay thế ứng dụng Google Maps bằng Apple Maps làm mặc định, mang tới bản đồ 3D, chế độ xem vệ tinh… Nhưng người ta nhớ tới nó nhiều hơn bởi sự thiếu chuẩn xác về thông tin, hình ảnh khiến CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi.
Siri được cải tiến hơn, phổ biến hơn khi có mặt trên các thế hệ iPad thứ 3 trở đi, iPad Mini và iPod Touch Gen 5. “Cô nàng” được cập nhật thêm thông tin về thể thao, tìm kiếm tại địa phương, thông tin phim, đặt bàn ăn, mở ứng dụng, đọc thông báo…
Sau 2 năm ra mắt, FaceTime được cập nhật cho phép kết nối cuộc gọi qua dữ liệu di động.
iOS 7
|
Từ khi ra đời, giao diện người dùng của iOS gần như không thay đổi và bắt đầu già cỗi so với sự phát triển của Android. Apple nhận ra điều đó và quyết định thực hiện bước chuyển mình ở thế hệ iOS thứ 7.
Dưới sự dẫn dắt của Jony Ive, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách thiết kế tại Apple, iOS 7 mang đến giao diện phẳng hoàn toàn mới. Nền tảng này cũng cập nhật thêm Trung tâm thông báo và Trung tâm điều khiển giúp truy cập nhanh và kiểm soát những tính năng hay sử dụng.
Siri tiếp tục thay đổi với giọng nói mới và được thiết kế lại. Ngoài ra, đa phần các cập nhật ở nền tảng này liên quan tới giao diện người dùng như đổi font chữ hệ thống, thiết kế lại ứng dụng…
iOS 8
|
Sau đợt thiết kế lại tương đối, iOS 8 là một bản cập nhật được tập trung hơn. Nền tảng này kết nối các thiết bị chạy iOS của Apple với máy tính Mac tốt hơn qua tính năng Hand Off và Continuity, cho phép thao tác liên tục giữa các máy. Ví dụ, người dùng có thể trả lời cuộc gọi vào iPhone từ iPad hay thậm chí máy tính Mac. Hay nhắn tin trên iPhone thông qua iPad, Mac…
Năm 2014, iPhone 6/6 Plus ra đời cùng với ứng dụng thanh toán điện tử Apple Pay. Phiên bản iOS 8 sau này thêm khả năng hỗ trợ Apple Watch. "Táo khuyết" cũng thay đổi nhà cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết từ Yahoo sang The Weather Channel.
iOS 9
|
Apple mang đến ứng dụng mới có tên gọi News, liệt kê danh sách tin tức cập nhật được cá nhân hóa cho người dùng iOS. Trải nghiệm đa nhiệm trên iPad cũng được cải thiện với tính năng Slide Over, Split View…
Lần đầu tiên hãng giới thiệu công nghệ 3D Touch cùng với iPhone 6S/6S Plus và người dùng có thêm lựa chọn sử dụng máy ban đêm mà không làm ảnh hưởng tới mắt thông qua công cụ Night Shift giúp giảm tối đa ánh sáng xanh.
iOS 10
|
iOS 10 mang đến tính năng nhấc máy lên sẽ tự sáng màn hình và giới thiệu màn hình khóa mới với thao tác truy cập nhanh vào camera và xem mục Today. Ứng dụng Maps có giao diện mới, trong khi phần mềm Photos tích hợp khả năng nhận diện khuôn mặt.
Cùng năm này, Apple giới thiệu chiếc smartphone camera kép đầu tiên của mình là iPhone 7 Plus, mang tới hiệu ứng chụp ảnh xóa phông có tên “Portrait mode”.
iOS 11 - Phiên bản hiện hành
|
Lần này, đến lượt Trung tâm điều khiển được thiết kế lại, mang đến nhiều quyền kiểm soát cùng lúc trên một trang trượt (từ cạnh dưới màn hình lên) và thêm tính năng hỗ trợ 3D Touch. Màn hình khóa và Trung tâm thông báo được kết hợp làm một, trong khi App Store mang giao diện mới.
Với iOS 11, Apple bắt đầu cuộc chơi với thực tế tăng cường (AR) khi hỗ trợ công nghệ trên nền tảng này, cùng với bộ công cụ ARKit.
iOS 11 được Apple gọi là nền tảng cho tương lai và sẽ định hướng vài năm nữa cho các phiên bản iOS về sau. Trong lần cập nhật mới nhất lên iOS 11.3, hãng đã thêm vào khả năng xem và theo dõi, quản lý tình trạng viên pin sau bê bối bị tố cố tình làm chậm những máy dùng pin cũ để ép người dùng thay thiết bị.
Bình luận (0)