Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2024 được UBND TP.Đà Nẵng khai mạc tối 26.3. Diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 26 - 29.3, nhằm 17 - 20.2 Âm lịch), lễ hội Quán Thế Âm năm nay được tổ chức dài hơn 1 ngày so với các kỳ. Theo đó, quy mô lễ hội cũng được nâng lên với hơn 30 hoạt động tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao.
Đáng chú ý, lễ hội năm nay có lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa, lễ tế xuân cầu quốc thái dân an. Đặc biệt, ban tổ chức đưa vào chương trình lễ hội tọa đàm Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu; thi trực họa về lễ hội; thi viết cảm nhận về thư viện Vạn Hạnh.
Hai năm trở lại đây, quy mô lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn được mở rộng với sự tham gia của đông đảo người dân
Cùng với đó là các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, thể thao: trưng bày và biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; trưng bày các tác phẩm cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Non nước Ngũ Hành Sơn; biểu diễn nghệ thuật dân gian; các hội thi cờ làng, kéo co…
Đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ lễ hội diễn ra hội đua thuyền truyền thống, đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công Chúa thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến xem.
Điểm mới của hội đua thuyền năm nay là dựng hoạt cảnh tướng Trần Khắc Chung vâng lệnh vua Trần Anh Tông, chọn tinh binh rước công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về kinh đô Đại Việt.
Năm nay, có 8 đội đua thuyền nam và nữ đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP và đội chủ nhà Ngũ Hành Sơn. Ở nội dung đua nữ, các đội đua 2 lượt, đội thuyền nữ quận Hải Châu xuất sắc giành cúp vô địch. Ở đội nam, đội đua thuyền nam quận Hải Châu xuất sắc đoạt cúp vô địch với thành tích dẫn đầu liên tiếp ở cả 3 chặng đua.
Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo du khách, đặc biệt là các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo được thực hiện trang trọng đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đồng bào Phật tử, du khách
Ấn tượng nhất và được nhiều người trông đợi nhất là lễ vía đức Bồ tát Quán Thế Âm diễn ra vào ngày 28.3 vừa (nhằm ngày 19.2 Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm. Lễ vía thu hút sự tham dự của đông đảo của lãnh đạo các cấp; các chư tôn hòa thượng, chư thượng tọa, đại đức, tăng ni, Phật tử, đạo hữu, người dân địa phương cùng du khách từ khắp nơi về chiêm bái và lễ Phật.
Lễ vía đức Bồ tát Quán Thế Âm là nghi lễ chính thức của lễ hội được mở đầu với các nghi lễ phật giáo truyền thống và phần cầu nguyện cho quốc thái dân an, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình cho nhân loại, đất nước.
Đặc biệt, phần được người dân đón đợi nhất là lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát; lễ hóa trang Long - Phụng Quán Thế Âm Bồ tát và rước Huyền Trân công chúa.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức lễ hội, đánh giá, từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của đức Quán Thế Âm, trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay lễ hội trở thành một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương.
Năm 2024 là năm thứ 2 lễ hội được tổ chức với quy mô cấp TP và đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa - lễ hội điểm nhấn của Đà Nẵng. Cùng với di tích quốc gia đặc biệt - danh thắng Ngũ Hành Sơn, quà tặng vô giá của thiên nhiên, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, lễ hội Quán Thế Âm là những giá trị về tinh thần quý giá và là niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Cường, bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, thể hiện tinh thần dân tộc, sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, lễ hội Quán Thế Âm còn là cầu nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt sâu sắc, truyền thống đoàn kết của Phật giáo VN và các nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng.
Việc tổ chức thành công lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2024 còn khơi dậy lòng từ bi bác ái trong cộng đồng, tôn vinh các giá trị nhân văn, cái đẹp chân - thiện - mỹ và tính nhân đạo của người VN…
Bình luận (0)