Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của Olympic 2012, ban tổ chức đã mắc một sai lầm tai hại. Trước trận đấu giữa tuyển nữ CHDCND Triều Tiên và Colombia, không hiểu vì sao hình ảnh quốc kỳ của Hàn Quốc lại được gắn với tên cầu thủ CHDCND Triều Tiên và chiếu lên màn hình lớn tại sân Hampden Park ở Glasgow, Scotland. Sự cố này khiến đội tuyển CHDCND Triều Tiên từ chối thi đấu. Sau đó, ban tổ chức sân phải xin lỗi họ mới vào sân - Ảnh: AFP
Trong lễ khai mạc Olympic 2012, một phụ nữ bí ẩn mặc áo đỏ, quần xanh đã xuất hiện và đi cùng với đoàn Ấn Độ. Sự việc này khiến cho đoàn Ấn Độ nổi giận và họ yêu cầu ban tổ chức phải xin lỗi. Sau đó, báo chí Anh còn cho biết nhân viên an ninh của lễ khai mạc đã làm mất một số chìa khóa. Những điều đó đã làm dấy lên mối lo ngại an ninh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng - Ảnh: Reuters
Trong khi rất nhiều người, trong đó có cả vận động viên cùng người thân không mua được vé xem Olympic thì khán đài ở một số địa điểm thi đấu lại rất trống trải. Ban tổ chức Olympic 2012 đã phải nhận những chỉ trích rất nặng nề vì phân phối vé thiếu hợp lý - Ảnh: Reuters
Kỷ lục thế giới mà kình ngư người Trung Quốc Ye Shiwen đã gây ra một cuộc tranh luận lớn. Cô gái 16 tuổi giành huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới ở nội dung 400m hỗn hợp dành cho nữ với thành tích 4 phút 28 giây 43. John Leonard, giám đốc điều hành của Hiệp hội các huấn luyện viên bơi lội Mỹ đã ám chỉ rằng Ye Shiwen phải dùng doping mới có thể đạt thành tích như vậy. Trong khi đó, Ye Shiwen một mực phủ nhận chuyện gian lận. Ủy ban Olympic quốc tế cũng xác nhận rằng VĐV này đã vượt qua các cuộc kiểm tra doping - Ảnh: AFP
Tại Olympic năm nay, các vận động viên đã gặp không ít phiền phức vì mạng xã hội. Cầu thủ bóng đá Thụy Sỹ Michel Morganella (phải) và nữ vận động viên nhảy ba bước người Hy Lạp Voula Papachristou đã bị loại khỏi thế vận hội vì những phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc trên Twitter - Ảnh: AFP
Trọng tài đã gây ra khá nhiều tranh cãi tại Olympic lần này. Ở môn quyền Anh nam, võ sỹ người Nhật Bản Satoshi Shimizu (giáp đỏ) đã bị xử thua dù đã đánh ngã đối thủ Magomed Abdulhamidov (Azerbaijan) 6 lần trong trận đấu. Sau khi phía Nhật Bản khiếu nại, Liên đoàn quyền Anh nghiệp dư thế giới đã quyết định phần thắng nghiêng về phía Shimizu. Cũng vì sự cố này, một trọng tài và một quan chức điều hành môn quyền Anh tại Olympic 2012 đã bị đình chỉ nhiệm vụ - Ảnh: AFP
Vụ scandal tai tiếng nhất có lẽ là việc 8 tay vợt cầu lông ở nội dung đôi nữ (4 của Hàn Quốc, 2 Trung Quốc và 2 Indonesia) bị loại vì cố tình thi đấu dưới sức để có kết quả bốc thăm thuận lợi. Các vận động viên này đã bị khán giả phản đối dữ dội. Ủy ban thể thao Trung Quốc cũng yêu cầu các vận động viên nhà phải đưa ra lời xin lỗi. Tuy nhiên, đáp lại, tay vợt Yu Yang cho rằng cô chỉ sử dụng luật để có lợi trong thi đấu. Vận động viên này cũng tuyên bố giải nghệ - Ảnh: AFP
Tương tự như môn cầu lông, HLV tuyển bóng đá nữ Nhật Bản Norio Sasaki đã yêu cầu các cầu thủ của mình thi đấu cầm chừng vì không muốn phải di chuyển xa nếu giành ngôi đầu bảng. Liên đoàn bóng đá thế giới cũng đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, họ không tìm được bằng chứng. Đội tuyển Nhật Bản xem ra đã thành công với chiến thuật của mình khi lọt vào chung kết môn bóng đá nữ gặp tuyển Mỹ - Ảnh: Reuters
Doping là vấn nạn luôn xảy ra ở bất kỳ giải đấu nào. Trường hợp mới nhất là võ sỹ judo người Mỹ Nicholas Delpopolo. Mẫu thử của vận động viên này dương tính với chất cần sa. Trước đó, vận động viên đua xe đạp Victoria Baranova (Nga), vận động viên thể dục dụng cụ Luiza Galiulina (Uzbekistan) cũng đã phải về nước vì sử dụng chất cấm. Tổng cộng cho đến thời điểm này có 7 vận động viên bị phát hiện doping - Ảnh: AFP
Ngôi sao điền kinh Usain Bolt đã bị một người đàn ông nhục mạ rồi ném chai nước ngay trước khi anh xuất phát trong cuộc đua chung kết cự ly 100m. Bolt sau đó giành huy chương vàng còn người đàn ông nói trên bị cảnh sát bắt. Người đàn ông này còn bị Edith Bosch, vận động viên giành huy chương đồng môn judo tại Olympic lần này tát cho hai cái - Ảnh: Sport Mail
Vận động viên Algeria Taoufik Makhloufi (bìa phải) đã giành huy chương vàng nội dung chạy 1.500m dù trước đó anh suýt bị loại khỏi Olympic. Nguyên nhân là do anh muốn rút lui khỏi cuộc đua 800m trước đó bằng cách đi bộ. Makhloufi cho rằng anh bị chấn thương nhưng Liên đoàn điền kinh thế giới thì kết tội anh thiếu nỗ lực. Dù vậy, sau khi xem các bằng chứng y tế, Liên đoàn điền kinh thế giới đã cho phép Makhloufi tranh tài ở cự ly 1.500m - Ảnh: AFP
|
Bình luận (0)