Các chuyên gia nhận định dù không có tuyên bố chung nào được đưa ra, song Hội nghị
thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội đã đem lại những kết quả tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam vinh dự được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Vì trách nhiệm yêu hoà bình và mến khách, hữu nghị, thân thiện, trật tự đã thành văn hoá, nếp sống của của Việt Nam. Tất cả đường phố được trang trí, trật tự đã được nâng lên một mức mới. Một tinh thần mến khách, trách nhiệm văn hóa của Việt Nam được thể hiện qua hội nghị này. Đó là tạo mọi điều kiện cho hội nghị diễn ra thành công, an toàn".
Một cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù hai bên chưa ký được một tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhưng đã đạt được những kết quả tích cực trong việc
thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tất cả đã để lại những dấu ấn tốt đẹp được truyền thông quốc tế ghi nhận. Lần đầu tiên, Hà Nội trở thành tâm điểm của những người yêu hoà bình trên thế giới, nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chọn làm địa điểm để đàm phán về những vấn đề cốt lõi của hội nghị thượng đỉnh lần này, như phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, hay đàm phán tháo gỡ về các vấn đề liên quan đến nội dung cấm vận đối với Triều Tiên.
Trong suốt những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, nhiều khoảnh khắc đáng nhớ của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã vào lịch sử, đó là lần đầu tiên sau 60 năm một lãnh đạo của đất nước Triều Tiên mới đặt chân tới Việt Nam và được truyền thông Triều Tiên đưa tin rộng rãi, đến cái bắt tay lịch sử tại Hà Nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, hay hình ảnh người dân Việt Nam mang theo cờ 3 nước Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên đứng vẫy tay chào đón hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đi qua những con phố của Hà Nội.
Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong 2 ngày 27-28.2, nhưng từ trước đó hàng tuần, các đoàn tiền trạm của Mỹ và Triều Tiên đã tới Hà Nội để phối hợp chuẩn bị chu đáo cho việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo nước họ khi đặt chân tới Hà Nội. Ngày 22.2, nhiều máy bay vận tải của Mỹ liên tục đáp xuống sân bay Nội Bài để vận chuyển hàng hoá phục vụ Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
6 giờ sáng 23.2, máy bay vận tải C-17 của Mỹ vận chuyển 2 chiếc siêu xe The Beast đáp xuống sân bay Nội Bài. Đúng 10 giờ 30, 2 chiếc xe Cadillac One, biệt danh "quái thú", siêu xe chống đạn dành riêng cho chủ nhân Nhà Trắng, di chuyển đến khách sạn JW Marriot, nơi Tổng thống Mỹ lưu trú lại để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
9 giờ sáng 24.2, một máy bay của hãng Air Koryo đáp xuống sân bay Nội Bài mang theo theo hàng hóa và các nhân viên an ninh Triều Tiên. Các nhân viên này sang Việt Nam để phục vụ cho chuyến công tác của Chủ tịch Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Hà Nội ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Sáng 25.2, lực lượng hộ tống hướng về khu vực ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), nơi đoàn tàu bọc thép đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới để di chuyển về Hà Nội tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Ảnh Reuters
|
Cùng thời điểm đoàn hộ tống lên Đồng Đăng chào đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trước khách sạn Melia, nơi ông Kim Jong-un lưu trú trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, rất đông người dân có mặt chờ đoàn xe từ Đồng Đăng về ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Chủ tịch Kim Jong-un bước xuống đoàn tàu bóc thép tại ga Đồng Đăng ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
|
21 giờ 09 ngày 26.2, Tổng thống Donald Trump bước xuống từ chiếc Air Force One tại sân bay Nội Bài, vẫy tay chào các phóng viên trước khi bước vào chuyên xe để về khách sạn JW Marriott ẢNH NGỌC THẮNG
|
Lực lượng cảnh sát cơ động Việt Nam canh gác bảo vệ trước khách sạn JW Marriott, nơi Tổng thống Donald Trump ở trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Hàng trăm phóng viên có mặt trước khách sạn Metropole từ rất sớm, chờ tác nghiệp tại cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Hà Nội của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Đúng 18 giờ 30 phút chiều 27.2, lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên gặp nhau lần đầu tiên sau chặng hành trình dài tới Hà Nội để cùng đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 ẢNH REUTERS
|
Sau cuộc gặp chiều và tối 27.2, sáng 28.2, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên bắt đầu di chuyển tới Khách sạn Metropole cùng dự Hội nghị thượng đỉnh chính thức cùng phái đoàn của hai bên. Trong ảnh là đoàn xe chở Tổng thống Mỹ Donald Trum đi qua phố Hàng Bông (Hà Nội) đến gặp Chủ tịch Kim Jong-un ngày 28.2 ẢNH NGỌC THẮNG POOL
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đàm phán trong ngày thứ 2 tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào sáng 28.2 Ảnh Reuters
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cùng dạo bộ trong khuôn viên khách sạn Metropole trong buổi sáng đàm phán vào ngày 28.2 Ảnh Reuters
|
Gần 13 giờ 30 chiều 28.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc cuộc hội đàm mà không dự bữa trưa cùng nhau như dự kiến, khiến những ai theo dõi sát sao diễn biến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 bất ngờ. Cuộc họp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã rút ngắn 2 tiếng so với dự kiến trước đó mà không có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên ẢNH REUTERS
|
Lý giải về việc không đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ cho biết nguyên nhân nằm ở việc bất đồng về cấm vận. “Triều Tiên muốn bỏ cấm vận hoàn toàn, và chúng tôi chưa thể đồng ý”, Tổng thống Trump nói ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Lúc 15 giờ 40 phút chiều 28.2, chiếc Air Force One đã chính thức cất cánh. Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi Việt Nam ẢNH REUTERS
|
Trong một diễn biến khá bất ngờ, khuya 28.2, các phóng viên trong nước và quốc tế đều vội vã lao về khách sạn Melia sau khi nhận tin báo phái đoàn Triều Tiên sẽ tổ chức họp báo lúc 23 giờ 30 tại đây, do Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho chủ trì. Theo Bộ trưởng Ri Yong-ho, phía Triều Tiên đã đề xuất việc loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, bao gồm plutonium và ranium dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ và đội ngũ kỹ thuật của 2 bên, và đặc biệt, Triều Tiên chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh cấm vận có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân Triều Tiên, bao gồm các lệnh cấm vận đưa ra vào năm 2016 và 2017, chứ không phải dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận ẢNH NGỌC DƯƠNG
|
Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, và kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam ngay sau thượng đỉnh tại Hà Nội, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng phái đoàn bắt đầu di chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) để lên tàu bọc thép về nước. Vào lúc 12 giờ 45 trưa 2.3, tại ga Đồng Đăng, đoàn tàu bọc thép đã đưa Chủ tịch Kim Jong-un và phái đoàn cấp cao Triều Tiên trở về nước ẢNH REUTERS
|
Bình luận (0)