Bến “Cầu Bắc” nhộn nhịp 24/24 ngày nào đã thành ngõ cụt, vắng hoe.
Cứ mỗi lần vi vu trên cầu Cần Thơ, trong lòng tôi lại dâng lên hoài niệm về những chuyến phà qua lại trên sông quê, nhất là vào những ngày trước và sau các kỳ nghỉ lễ lớn.
Vào những ngày này nhu cầu đi lại của người dân và hàng hóa tăng đột biến, các loại phương tiện tấp nập dồn về hai đầu “Bến Bắc”, tuy bến có tăng cường thêm phà 200, tăng hết công suất hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không sao đáp ứng xuể.
Mỗi lần vi vu trên cầu Cần Thơ, trong lòng tôi lại dâng lên hoài niệm về những chuyến phà qua lại trên sông quê |
gia khiêm |
Một số khách đi xe chất lượng cao có hành lý gọn nhẹ vì không chờ đợi được lâu nên bỏ xe lội bộ xuống phà qua bờ bên kia đón “xe dù” đi tiếp, hoặc bao xe ôm về thẳng nhà. Nhích xe gần đến khu vực bến phà, tài xế, lơ xe liền vội vàng chạy bộ đến nhà vé, chen lấn một hồi toát cả mồ hôi hột mới mua được xấp vé, xong lại chạy về chỗ xe mình đậu, dõng dạc mấy câu thuộc lòng: “Mời cô bác lấy vé xuống xe qua phà! Cô bác nhớ giùm xe, coi chừng lên lộn xe nha cô bác ơi!”. Nhiều tiếng lao nhao: “Nhớ mặt tài xế, lơ xe đẹp trai là được rồi!”, “Biển số xe số mấy vậy chèn?”, “Lấy vé xuống xe lẹ giùm cô bác ơi!”…
Vừa bước xuống xe, hành khách gặp ngay “đội quân” xe ôm, hàng rong, vé số… bu lại chào mời.
- Đi xe ôm không chế (chị)? Bao chở thẳng xuống phà luôn khỏi phải vô nhà chờ, chờ đợi lâu.
- Bắp luộc Bình Tân nóng hổi chục mười bốn trái… Mua đi cô bác?
- Nem Lai Vung đây! Mua về làm quà… cô bác anh chị ơi!
- Chôm chôm tróc Vĩnh Long bao ngon đây, cô bác cứ ăn thử rồi hãy mua…
- Hi hi… Cô bác anh chị đi xe có số đuôi giống vé số chiều nay xổ nha! Mua giúp em vài tờ vé số anh Hai!...
Ở vòng ngoài, mấy người ăn xin đứng chờ sẵn, huơ huơ cái ca nhựa cũ mèm chờ khách bộ hành bố thí. Có ông lão mù bao năm vẫn ngồi gần cửa soát vé phà, đờn ca những bản nhạc vàng, hoặc thi thoảng xuống câu vọng cổ ngọt đến nao lòng. Cây đờn tự chế của ông lão mù cũng rất đơn sơ, gồm một cái thau nhôm, một cọng dây ruột phanh xe đạp và khúc cây gỗ làm cần đờn. Ấy vậy mà khi cọng dây phanh được siết thẳng căng lại phát ra những cung bậc thanh âm kì diệu. Qua đôi tay gầy guộc mà tài hoa của ông lão, “cây đờn” tự chế réo rắt lên bổng, xuống trầm, có thể chơi được nhiều điệu nhạc, kể cả đờn ca tài tử. Nhiều khách ta, khách Tây cho ông lão mù rất nhiều tiền. Chẳng thấy ông lão mù quan tâm gì đến những đồng tiền bố thí, mà chỉ say mê ca hát, tiếng đờn và chất giọng mượt mà sâu lắng của ông lão cứ hòa quyện vào nhau ngân nga: “… Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng quặn đau í a…”. Không ít người dừng lại lắng nghe ông lão mù biểu diễn, quên cả việc mua vé phà.
Nắng nóng. Khói bụi. Ồn ào. Những cái đầu trần chốc chốc lại thò ra khỏi cửa xe nghe ngóng, thở dài. Trừ những người buôn bán mưu sinh ở bến phà, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm.
Vậy mà khi lên được trên phà, vẻ mặt người nào cũng vui như đi hội, sẵn lòng bắt chuyện với cả những người chưa hề quen biết. Sau khi bàn phà được nâng lên, tiếng máy thủy lại gầm rú một hồi, đẩy chiếc phà to kềnh từ từ rời bonton, bỏ lại phía sau những cái xoáy nước và ngổn ngang những đám lục bình.
Theo con sóng vỗ rào rạt vào mạn phà, gió sông Hậu hào phóng mang hơi thở của miền phù sa thổi mơn man không ngớt.
Dường như lần nào qua sông cũng vậy, tôi cảm thấy bao nhiêu phiền muộn trong cuộc mưu sinh đều tan biến, đều được gió cuốn đi. Đành rằng con người ta ai cũng có công việc khác nhau, cuộc sống khác nhau, nhưng khi đi chung một chuyến phà, nhất là những chuyến phà cận ngày lễ tết, ai cũng có ánh mắt thân thiện, nụ cười vui tươi dễ mến.
Có một đêm ba mươi tết, tôi lái chuyến xe muộn chở khách từ bến xe miền Tây về Cần Thơ, lúc phà đưa ra đến giữa sông Hậu thì cũng vừa đúng thời điểm giao thừa. Hành khách trên xe ngồi im phăng phắc nghe tiếng đài phát thanh tường thuật trực tiếp chủ tịch nước đọc thư chúc tết, xen lẫn tiếng pháo hoa đì đùng từ bến Ninh Kiều vọng lại. Nhớ đến hộp bánh kẹo của Công ty xe khách biếu tết, tôi liền khui ra mời hành khách đi xe và chúc mọi người năm mới an khang thịnh vượng! Không khí trầm lắng trên xe chợt vỡ òa, mọi người cùng hưởng ứng reo lên “chúc mừng năm mới!”, họ vừa chuyền tay nhau hộp bánh, vừa bắt tay chúc tết bạn đồng hành ngồi ghế xung quanh. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả, có cả giọng tiếng Việt lơ lớ của mấy vị khách Tây ba lô... Phút chốc, không khí đón xuân lan tỏa khắp chuyến phà bằng những tràng pháo tay giòn giã.
Mùa xuân về không những mang không khí đoàn viên, ấm áp gõ cửa từng nhà mà còn thắp lên bao niềm vui và mơ ước trên những chuyến phà đưa khách qua sông. Mặc dù bến phà thời ấy là nỗi ám ảnh về nạn kẹt xe nhưng lại là hình ảnh thân quen của quê hương miền sông nước mà mỗi khi đi về, ai cũng được hít thở bầu không khí trong lành, ấm áp trên những chuyến phà mát rượi gió phù sa.
Hơn mười năm, kể từ ngày cầu Cần Thơ khánh thành (24.4.2010), “bến Bắc” sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đã lui về kí ức. Tuy không còn cảnh “qua sông phải lụy đò” nhưng cứ mỗi lần qua cầu Cần Thơ, nhất là vào những dịp lễ tết, tôi lại bâng khuâng cùng với hoài niệm trên bến phà xưa.
Bình luận (0)