Nhờ giả được giọng nói chàng trai này thu về từ 60 đến 70 triệu đồng/tháng

28/09/2024 11:00 GMT+7

Nhờ giả được giọng nói của em bé, người già, phụ nữ; giọng Huế, Nghệ An... chàng trai này thu về từ 60 đến 70 triệu đồng/tháng.

Để kiếm được số tiền này, chàng trai Trung Voice, tên thật Trần Thiên Trung (28 tuổi), quê ở tỉnh Gia Lai đã phải ở suốt ngày trong phòng thu để đọc các mẩu quảng cáo, tin tức... Khách hàng yêu cầu phần đọc phải sử dụng giọng nói nào, Trung đều đáp ứng được ngay.

Từ năm 2021 đến nay, chàng trai tiết lộ đã đọc đến cả ngàn đoạn quảng cáo. 30 giây đọc lời quảng cáo có giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Còn lồng tiếng cho video mức giá 2,5 đến 3.000 đồng/từ. Mỗi giây biến hóa giọng nói của Trung đều có thể kiếm ra tiền.

Chàng trai còn mở thêm lớp dạy luyện nói online để truyền nghề cho mọi người. Học viên của Trung có mặt khắp nơi trên thế giới.

Chia sẻ với người viết, Trung cho biết anh chàng "bén duyên" với nghề biến hóa giọng nói nhờ mê… thiện nguyện. Trong một lần câu lạc bộ bóng đá "phủi" tổ chức giải lấy kinh phí làm thiện nguyện, Trung xin góp một... chân làm bình luận viên phụ. Không ngờ, Trung bình luận tài tình quá khiến bình luận viên chính sau trận đấu liên lạc ngay.

FB_IMG_1727407952793.jpg

Trung kiếm 60 – 70 triệu đồng/tháng nhờ vào giọng nói đặc biệt

ẢNH: NVCC

"Anh này khen mình có giọng hay, hỏi có muốn làm bình luận viên bóng đá... phủi không. Mình gật đầu đồng ý. Trước đó, mình thích nghe giọng của các bình luận viên bóng đá trên tivi rồi tập tành "sao chép" lại. Không ngờ, tài lẻ này giúp mình có thêm công việc", Trung kể.

Sau khi làm được vài tháng thì dịch bệnh ập tới, Trung nhận thấy cần nâng cao kỹ năng nói để tìm cơ hội mới nên dành thêm thời gian đi học các khóa lồng tiếng. Sau đó, Trung bắt đầu nhận đọc tin tức, quảng cáo đơn giản… Dần dần, chàng trai tự luyện tập thêm cách đọc các loại giọng khác nhau. Từ giọng địa phương như Huế, Nghệ An, giọng miền Nam… đến giọng trẻ con, người già, phụ nữ. Trung nói giọng nào, mọi người phải phục vì giống y như thật.

Hỏi Trung có giọng nói hay bẩm sinh rồi phải không, anh chàng lắc đầu cho biết hồi còn sinh viên, mình bị trêu chọc rất nhiều vì nói quá dở.

"Mình sinh ra ở tỉnh Gia Lai, nhưng quê gốc ở tỉnh Hà Nam. Tại Gia Lai có rất nhiều người ở nơi khác đến sinh sống. Vì thế, ban đầu giọng của mình bị lai rất nhiều, khó nghe… Khi về TP.HCM, chất giọng địa phương trở thành điểm yếu của mình. Vì thế, mình quyết tâm biến yếu điểm của bản thân thành một công cụ để kiếm tiền", Trung kể.

Bí quyết của Trung rất đơn giản. Đó là học cách lắng nghe. Khi còn nhỏ, ta sẽ chú ý đến giọng mọi người, từ đó bắt chước. Tuy nhiên, khi lớn lên, thói quen này dần mất đi. Vì thế, tập trung, lắng nghe nhiều hơn sẽ giúp ta dễ dàng bắt chước được giọng nói người khác. Bên cạnh đó, mọi người cần để tâm đến cuộc sống xung quanh. Khi có cảm xúc, chúng ta sẽ diễn đạt tốt hơn.

FB_IMG_1677054098032.jpg

Trung trong một lần bình luận bóng đá... phủi

ẢNH: NVCC

Còn đối với Trung, sau 3 năm học cách lắng nghe rồi tập theo, chàng trai này đã nói được rất nhiều chất giọng khác nhau để trở thành một voice talent (khái niệm chỉ những người có giọng tốt, tham gia vào ngành đọc quảng cáo). Trung còn hướng dẫn cho người khác giúp họ thay đổi giọng nói. Nhờ vài điều chỉnh nhỏ trong chất giọng, nhiều người đã có sự nghiệp tốt hơn.

Trung nhớ nhất một chị khách học trực tuyến đến từ đất nước Canada. Chị này làm giáo dục nhưng có giọng nói khiến người khác hơi khó gần. Sau một thời gian, chị nhận thấy con của mình cũng có cách nói giống như mẹ. Sau khi được Trung hướng dẫn cách nói nhẹ nhàng, chậm rãi khi giao tiếp, chị bắt đầu cải thiện. Chị chia sẻ con của chị dần bắt chước mẹ, đã biết cách nói từng ý một.

Còn một học viên khác bị khách hàng gọi điện thoại mắng vốn. Thế nhưng, bằng tuyệt chiêu từng được học ở lớp luyện nói, chị ấy biết cách điềm tĩnh, kiểm soát giọng mình tốt hơn. Sau đó, chị mới lý giải, dẫn dắt câu chuyện một cách dịu dàng. Nghe vậy, khách hàng không trách mắng nữa mà còn cảm thấy gật gù với những dẫn chứng mà chị học viên đưa ra.

Tương tự, để nói một cách mạnh mẽ, thuyết phục, thay vì gào lên, đẩy tông cao, thì thầy giáo Trung khuyên học viên nên dùng âm lực để tránh ảnh hưởng đến dây thanh âm, không tốt cho sức khỏe. Ta có thể siết nhẹ bụng lại, hạ tông giọng từ đó nói một cách hùng hổ mà không tốn quá nhiều sức lực. "Để nói hay, chúng ta cần học cách quan sát và tự luyện tập", Trung nói.

Trung có khả năng biến hóa giọng nói tài tình

Có nên kiếm tiền bằng giọng nói?

Trung cho biết mình thất bại rất nhiều trước khi bén duyên với nghề giọng nói. Ban đầu, Trung từng thi rớt trường luật và sau đó chuyển sang Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường. Học tới năm 3, Trung nghỉ do gặp biến cố gia đình và quyết định đi làm kiếm sống. Trung trải qua rất nhiều nghề từ làm thuê, bán trùn quế, nông nghiệp…

"Đam mê đấy nhưng mình lại không có kỹ năng nên gặp thất bại. Theo mình, kỹ năng cần phải đi trước đam mê, có như vậy thì mới nuôi sống được bản thân. Nếu không sẽ không thể cạnh tranh trong nghề", Trung nói.

FB_IMG_1700929184069.jpg

Cuộc sống trước kia của Trung khi chưa biết đến nghề biến hóa giọng nói

ẢNH: NVCC

Chàng trai cho rằng các bạn mới không nên bỏ hết đi theo nghề biến hóa giọng nói mà hãy tập trung trau dồi kỹ năng, hiểu cảm xúc bản thân để có giọng nói tốt hơn. Khi đã làm chủ được kỹ năng, ta mới có thể bắt đầu hành nghề và lan tỏa giá trị bản thân, giúp đỡ người khác cải thiện giọng nói của mình.

Theo Trung, giọng nói rất quan trọng. Để giữ giọng, bạn cần kiểm soát, nhẹ nhàng, không nên nói quá to để dây thanh âm được nghỉ ngơi. Trung còn hạn chế uống nước đá, rượu bia, không để quạt thổi thẳng mặt, ngủ điều hòa quá lạnh. Anh bạn dưỡng giọng bằng cách uống nước ấm có pha gừng, mật ong… Nhờ vậy, Trung nói và dạy suốt ngày nhưng chưa bao giờ phải uống thuốc vì lạc giọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.