Nhỏ hay không nhỏ?

03/08/2006 23:05 GMT+7

1. Có thể thật nhỏ mà cũng thật lớn Dân số và đất đai nước ta nhỏ hay không nhỏ? Lớn so với rất nhiều nước hiện chỉ có từ vài triệu cho đến vài chục triệu dân nhưng lại rất nhỏ so với hai nước khổng lồ ở châu Á: Trung Hoa và Ấn Độ. Lớn có lúc thua nhỏ và nhỏ nhiều khi lại thắng lớn.

Kinh tế và kỹ thuật nước ta ngày nay nhỏ hay không nhỏ? So với nhiều nước giàu mạnh trên thế giới ngày nay thì ta vẫn rất nhỏ cả về tiền vốn, về kỹ thuật, về trình độ quản lý, về kinh nghiệm thị trường... nhưng về triển vọng của ngày mai thì Việt Nam chưa hẳn đã nhỏ.

Con người Việt Nam hiện nay nhỏ hay không nhỏ? Có thể nhỏ về cơ thể nhưng chưa hẳn nhỏ về tâm hồn. Đời sống xã hội có thể nhỏ về vật chất nhưng chưa hẳn đã nhỏ về tinh thần.

Nhìn lại lịch sử, mảnh đất nhỏ bé này đáng lẽ từ lâu đã bị thiên tai vùi dập và ngoại xâm hủy diệt. Nhưng vì sao mà trong những thời khắc hiểm nghèo nhất, dân tộc này đã vùng dậy giống như cậu bé lên ba biến thành Phù Đổng để đánh giặc cứu nước và từ đó, nhỏ bỗng thành lớn, yếu trở nên mạnh và thất bại đã hóa thành công.

Đúng như Nguyễn Trãi đã nói về đất nước của mình: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu

Đúng như Cao Bá Quát khi đề câu đối tại Đền Thánh Gióng, đã nhân đó mà nói lên khí phách của Việt Nam: Nợ nước chưa đền, ba tuổi vẫn hiềm đã muộn/Bầu trời xông thẳng, chín tầng chưa thấy là cao

Ngày xưa, khi từ đông sang tây, bao nhiêu nước với đất đai mênh mông, dân cư đông đúc đã quy phục dưới vó ngựa của quân Mông Cổ thì vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại đã ba lần đánh tan đội quân hung dữ và chưa từng chiến bại này? Vì sao các bô lão thét vang lời thề quyết chiến tại điện Diên Hồng? Vì sao chàng thiếu niên Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong Hội nghị Bình Than lập tức tổ chức đội quân tuổi trẻ để lên đường ra trận? Vì sao chủ tướng Trần Hưng Đạo kiên quyết nói với nhà vua: đầu tôi còn thì xã tắc hãy còn và toàn thể binh sĩ của ông khắc chữ Sát Thát trên vai để xông lên giết giặc?

Vì sao khí thế dân tộc Việt Nam lại bừng lên suốt 30 năm chống Pháp và rồi chống Mỹ? Vì sao tất cả gái, trai, già, trẻ đều một lòng chống giặc và hàng vạn bà mẹ anh hùng, hàng triệu người con liệt sĩ đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc?

Vì sao được như thế? Bởi vì một dân tộc cũng như một con người sống như con cừu thì chó sói ăn thịt. Khi đã gục đầu xuống, chịu bó tay trước nhiệm vụ khó khăn và sự áp bức của quân thù thì một dân tộc cũng như một con người đã tự chôn vùi cuộc sống và danh dự của bản thân. Ngược lại, một dân tộc biết ngẩng cao đầu để kiên cường bất khuất, biết phát huy sức mạnh tinh thần của mình thì dân tộc ấy sẽ vượt qua mọi thử thách, sẽ khắc phục mọi khó khăn và đánh tan mọi kẻ thù. Chính vì thế mà nhỏ hay không nhỏ của một nước trước hết thuộc về khí phách của con người.

2. Tuổi nhỏ nhưng chí lớn

Tôi xin lỗi các bạn trẻ vì đã coi bạn là tuổi nhỏ. Nhỏ là so với tuổi 90 của tôi nhưng không nhỏ so với những người cùng tuổi trong lịch sử dân tộc ta. Trần Quốc Toản chưa đến tuổi thành niên đã cầm quân đánh giặc. Nguyễn Hiền năm 13 tuổi đã đỗ Trạng nguyên. Võ Thị Sáu, Kim Đồng và bao bạn trẻ nữa đã thể hiện chí lớn của dân tộc trong kháng chiến. Thần thoại Thánh Gióng chính là biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam đời này qua đời khác.

Gần đây, đông đảo bạn đọc cả trong nước và ngoài nước đã nhiệt tình tham gia vào diễn đàn mà Báo Thanh Niên khởi xướng. Nhiều bài báo đã khiến tôi xúc động trước những ý tưởng đầy tâm huyết của đông đảo độc giả, đặc biệt là những bài rực lửa của các bạn thanh niên.

Các bạn đã rất sâu sắc và sáng suốt khi phân tích tình hình đất nước, nêu lên những khó khăn và thuận lợi, xác định trách nhiệm quang vinh của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ.

Trước đây, Bác Hồ đã từng nói với thanh niên: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. Thực hiện lời nói ấy, Bác Hồ đã cùng thế hệ cha anh hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình và trao lại cho chúng ta một Tổ quốc toàn vẹn để với công sức của chúng ta trong xây dựng, nước ta sẽ nhanh chóng trở thành giàu mạnh ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.

Đất nước được giải phóng. Hòa bình được lập lại trên toàn lãnh thổ đất nước. Vết thương chiến tranh cần được hàn gắn lại. Kinh tế cần được khôi phục. Xã hội cần được bình an. Lao động và học tập để cho mọi mặt của đất nước được phát triển.

Đời sống của nhân dân còn khó khăn và thiếu thốn. Sự nghiệp đổi mới đã kịp thời mở ra một con đường mới để đất nước đi lên. Hai mươi năm đã đem lại thành tích đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh tế thị trường, bước đầu thay đổi bộ mặt của đất nước.

Chủ động hội nhập toàn cầu và chuẩn bị vào WTO đang mở ra một giai đoạn mới của lịch sử, giai đoạn đặt nước ta trước những thử thách lớn lao chưa từng có: thành công hay thất bại, tiến lên hay thụt lùi, thậm chí tồn tại hay diệt vong? Sự nghiệp giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến đã vô cùng khó khăn và đã thắng lợi oanh liệt. Ngày nay, bước vào giai đoạn mới, sự nghiệp đưa đất nước ra khỏi sự nghèo nàn và yếu kém lại còn khó khăn hơn rất nhiều. Vinh quang của ngày mai đang đòi hỏi toàn thể nhân dân ta phải phát huy cao nhất trí tuệ và tình cảm, ý chí và tài năng phục vụ cho đất nước.

Phải nhận ra một sự thật là hòa mình trong làn sóng cuộn của toàn cầu hóa và cạnh tranh trong một môi trường vô cùng rộng lớn và phức tạp là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tổ quốc ta như một dòng sông đi ra biển cả, cần phải chắc tay lái, vững tay chèo. Nước ta giống như con cá chép đã đến cửa Vũ Môn: hoặc con cá sẽ vượt qua dòng thác để hóa thành rồng, hoặc nó sẽ bị vùi sâu trong lòng biển cả. Cũng như thế, dân tộc ta đang đứng trước hai khả năng: hoặc tụt xa lại đằng sau mà không tiến lên được, hoặc chớp lấy thời cơ này để tiến nhanh về phía trước, tạo bước ngoặt lớn nhất trên con đường tiên tiến và văn minh.

Qua những bài viết trên Báo Thanh Niên, các bạn đã thể hiện được tinh thần và khí phách và nhiều lúc đã không nén được những nỗi bực mình. Tôi cho rằng những sự bực mình của các bạn cũng là chính đáng.

Không bực mình sao được, khi đầy rẫy những kẻ làm giàu bất chính bằng gian lậu và tham nhũng vẫn đang nhởn nhơ và hãnh diện trước những đồng bào còn khổ cực, chưa đủ ăn, đủ mặc trong cuộc sống hằng ngày?

Không bực mình sao được, khi còn có những thanh niên không lý tưởng, thiếu niềm tin đang sa vào những ham mê vật chất, vừa tạo ra những tệ nạn cho xã hội, vừa hủy hoại trí thông minh và tuổi trẻ của mình?

Không bực mình sao được khi sự sa đọa về đạo đức đang phá hoại nền tảng tinh thần của xã hội, hạnh phúc chân chính của gia đình và tiền đồ của các trẻ em?

Còn một sự kiện không chỉ đáng bực mình mà còn day dứt chúng ta khi người ta nói: còn 197 năm nữa nước ta mới theo kịp nước bạn Singapore. Nói như thế có khác gì bảo rằng chúng ta sẽ vĩnh viễn tụt lại đằng sau bởi con rùa làm sao đuổi kịp con thỏ. Con rùa trong ngụ ngôn đuổi kịp được con thỏ bởi con thỏ chỉ ham vui chơi, còn con rùa thì lại thường xuyên cố gắng. Ngày nay, con thỏ không những không ham chơi mà còn chạy mải miết về phía trước. Nếu như chúng ta cam chịu thân phận con rùa thì đến hạn 197 năm nữa, bạn sẽ ngoảnh lại đằng sau mà bảo chúng ta còn phải mất bao nhiêu ngàn năm nữa?

Cách đây ngàn năm, con rồng Việt Nam đã bay lên trời xanh, báo hiệu cho sự ra đời của nền văn hiến Đại Việt, vừa anh hùng, vừa nhân đạo. Ngày nay, Việt Nam không phải là con rùa lẽo đẽo theo những người đi trước, con rồng Việt Nam lại một lần nữa bay cao trên bầu trời để nối tiếp ngàn năm đã qua và mở ra một thời đại quang vinh của dân tộc ở ngàn năm đang tới. Thanh niên ta với hào khí của mình không chấp nhận sự ước đoán chủ quan của bè bạn mà đầy dũng cảm nói với bạn rằng: không phải 197 năm nữa đâu mà ngay bây giờ, chúng tôi đã đủ sức đuổi kịp các anh trong vài thập kỷ.

Tôi nghĩ đó là khí thế lớn lao của tuổi trẻ trên một đất nước không nhỏ mang tên gọi Việt Nam.

3. Vì sự lớn mạnh của Tổ quốc chúng ta

Qua những ý kiến của các bạn, tôi đồng tình với những hoài bão lớn lao, những ý chí mãnh liệt và những bực mình chính đáng của các bạn. Tôi nghĩ rằng sự nồng nhiệt của trái tim phải kết hợp với sự giá lạnh của khối óc. Tình cảm phải được nhận thức soi đường. Và những sự bực mình phải chuyển thành những hành động có hiệu quả.

Đã đến lúc chúng ta cần đi sâu và bàn bạc với nhau về những dự kiến rộng lớn cho ngày mai và những việc cụ thể và cấp thiết của hôm nay. Tôi xin phép nêu lên ở đây một vài thiển nghĩ để cùng trao đổi với các bạn.

a. Trách nhiệm Nhà nước và nhiệm vụ công dân

Trong những ngày tháng chuẩn bị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, hàng ngàn, hàng vạn ý kiến đã được tới tấp gửi về góp phần hoàn thiện các văn kiện của Đại hội và xây dựng một đội ngũ lãnh đạo mới.

Đại hội đã thành công, ban lãnh đạo mới được thành lập đã nhanh chóng có những việc làm đem lại niềm tin cho nhân dân.

Nhân dân không đòi hỏi những người lãnh đạo phải tài giỏi hơn tất cả mọi người về mọi mặt. Người lãnh đạo như thế chưa từng có trong lịch sử. Những người lãnh đạo lỗi lạc ở mọi thời đại chỉ cần tài giỏi ở ba điểm sau đây:

Một là, gương mẫu về đạo đức: Toàn tâm toàn ý yêu quý và lo lắng cho nhân dân, sống quang minh chính đại làm gương cho mọi người, nghiêm khắc với mọi kẻ tham nhũng mà Bác Hồ trước đây gọi là giặc nội xâm.

Hai là, sử dụng hiền tài: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, câu nói của ông cha cách đây 600 năm được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng hiền tài nếu không được sử dụng và đãi ngộ thích đáng thì sao trở thành nguyên khí? Thành công lớn của những nguyên thủ quốc gia từ xưa đến nay đều do họ tranh thủ được hiền tài và phát huy được tài năng của hiền tài.

Ba là, rất nghiêm minh về mặt pháp luật: Không chỉ những Pháp gia mà cả Nho gia thời trước đều đòi hỏi người đứng đầu đất nước tuyệt đối không giải quyết mọi vấn đề theo tình cảm riêng tư, không được vin vào lý do "đạo đức" để làm sai những điều đã trở thành pháp luật.

Pháp luật là điều kiện quan trọng nhất để giữ vững sự ổn định của xã hội, để chấm dứt tham nhũng, đem lại niềm tin cho nhân dân. Vai trò của pháp luật cực kỳ quan trọng nên Bác Hồ đã gọi là thần linh pháp quyền.

Đến lượt mình, nhân dân với tư cách là công dân, phải thực hiện trách nhiệm và quyền lợi của mình là phát huy dân chủ, là cùng nhau suy nghĩ để có những ý kiến tích cực đóng góp cho lãnh đạo. Nhân dân chính là người góp phần xây dựng chính sách và cũng là người tích cực thực hiện chính sách. Sự thống nhất giữa Nhà nước và nhân dân là điều kiện đầu tiên để xã hội được bình yên và phát triển.

b. Quan hệ giữa dân khí và dân trí

Cách đây một thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh đã giương cao ngọn cờ duy tân với khẩu hiệu: chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Ngày xưa, những điều ấy chưa thực hiện được nhưng ngày nay, khẩu hiệu ấy lại đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Những bài trên Báo Thanh Niên đã góp phần thức tỉnh khí phách kiên cường của dân tộc, còn vấn đề dân trí lại đang nổi lên như một việc quan trọng bậc nhất.

Chúng ta đang sống trong thời đại của văn minh trí tuệ. Trí thức đang đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển đi lên hay tụt hậu của các dân tộc.

Trong cuộc chạy đua này, nhân dân ta có những ưu thế nhất định để vươn lên hàng đầu. Đó là đầu óc thông minh, là truyền thống hiếu học, là tư duy đầy sáng tạo. Đó là những điều kiện sẵn có để trí thức Việt Nam từ trình độ cao của nhân loại tạo nên những thành công kỳ vĩ cho đất nước ta.

Nước ta còn nghèo, chưa có được những phương tiện hiện đại nhất để học tập. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phát huy điểm mạnh của ta để bù vào những khó khăn trước mắt.

Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng quốc sách này nếu nhìn thẳng vào sự thật thì chưa đạt được bao nhiêu hiệu quả. Rất nhiều nhà trí thức đã góp ý kiến. Nhưng thành quả của giáo dục thì chưa có bao nhiêu mà trong học tập và thi cử còn đầy rẫy tiêu cực.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo thế hệ trẻ cực kỳ thông minh của chúng ta thành những con người kiệt xuất trong sáng tạo. Phải chấm dứt tình trạng bắt trẻ em học suốt ngày, học thâu đêm, biến bộ óc của nó thành những cái thùng chứa đầy mọi thứ, không để cho nó có thời giờ nghỉ ngơi, tiếp xúc với xã hội và thường xuyên phát huy sự suy nghĩ độc lập và sáng tạo của nó.

c. Cá nhân và cộng đồng

Trên đất nước ta, quan hệ cá nhân và cộng đồng không chỉ là điều kiện tồn tại của xã hội mà còn là hạnh phúc của mỗi gia đình, là lẽ sống của mỗi cá nhân. Mọi cá nhân tách khỏi cộng đồng thì không thể thành công mà đối lập với cộng đồng thì sớm muộn cũng sẽ thất bại.

Gần đây, người ta thường nhắc tới mối quan hệ khăng khít trong cuộc sống của con người Việt Nam là nhà, làng và nước. Nhưng nói thế vẫn chưa đầy đủ mà phải nói tới mối quan hệ của cá nhân gắn bó với quê hương, với làng xã, với Tổ quốc và còn thêm vào đó là tình yêu thương và hữu nghị với toàn thể nhân loại và sự săn sóc đến số phận của từng con người. Tình yêu thương trong 5 mối quan hệ đó phải là cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam, là đặc trưng của Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Những kẻ sống ích kỷ vì lợi ích của bản thân và gia đình mình mà làm hại đến lợi ích của cộng đồng thì sự ích kỷ ấy sẽ phá hoại nền tảng của gia đình và những đồng tiền tội lỗi họ đem về nhà chỉ là mầm mống cho những điều bất hạnh và tai họa của họ. Còn những người hằng ngày coi lợi ích của cộng đồng như lợi ích của bản thân, những người dốc tài năng trí tuệ cho sự phồn vinh của Tổ quốc và đời sống của nhân dân thì họ không chỉ là những người đáng kính trọng nhất mà còn là những người có hạnh phúc nhất.

Chỉ trên cơ sở mọi người thương yêu và gắn bó với nhau trong sinh hoạt gia đình cũng như trong mọi quan hệ xã hội mới có thể giáo dục chủ nghĩa yêu nước, phát huy khí phách của dân tộc, đề cao danh dự của con người và từ đó tạo ra sự lớn mạnh của Tổ quốc Việt Nam.

Giáo sư Vũ Khiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.