..."Tiểu ban Văn nghệ miền Nam với số lượng người làm việc 12 người, nửa ở Bộ Văn hóa, nửa ở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, đều làm việc hết mình, không quản giờ giấc. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ to lớn, trên nhiều mặt của đồng chí Tố Hữu, với cương vị là Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo công việc này thì Tiểu ban Văn nghệ miền Nam không thể tiến hành công tác tốt – dù chúng tôi có ý thức và tình cảm đối với văn nghệ sĩ đi B sâu đậm đến đâu chăng nữa.
Nửa tháng, có khi hàng tuần, đồng chí Tố Hữu gọi chúng tôi đến báo cáo Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng, thường xuyên bảo chúng tôi gửi bản thảo, khi đánh máy xong, gửi mỗi đồng chí một bản trước khi đưa in thành sách phát hành rộng rãi. Điều này chứng tỏ các đồng chí lãnh đạo Đảng quan tâm đến các tác phẩm của anh chị em ta ở miền Nam như thế nào. Xúc động nhất đối với giới Mỹ thuật ở Hà Nội cũng như giới văn nghệ ở miền Nam là việc Bác Hồ đi xem phòng trưng bày tranh ký họa của các họa sĩ miền Nam những hai lần. Lần thứ nhất, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, lần thứ hai, tại Nhà Bảo tàng Mỹ thuật
Năm 1953, Trung ương cục miền Nam cử tôi ra Hà Nội để học tập kinh nghiệm về công tác tuyên huấn và công tác chính trị trong quân đội. Lúc tôi ở miền Nam ra, lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Tố Hữu, anh mừng lắm, hết sức trọng thị, thương mến tôi. Nghe tôi đang làm Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh miền Nam, anh giao tôi trọng trách đón tiếp đoàn miền Nam tập kết… Tôi ra đó một thời gian, kế đó là Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, anh Tố Hữu giữ tôi lại làm Trưởng ban Tuyên huấn, nằm trong ban đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết tại bến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ở đó một thời gian chừng 7 – 8 tháng rồi về, anh Tố Hữu giao cho tôi phụ trách Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, sau đó lại chuyển tôi qua Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (nay là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật). Thời gian tôi công tác tại Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, phụ trách Tiểu ban miền Nam của Hội lấy danh nghĩa trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam nhưng thực chất là trực thuộc ban Bí thư Trung ương Đảng. Công tác Tiểu ban miền Nam rất bận rộn, có nhiệm vụ đưa Văn nghệ sĩ vào miền Nam chừng mấy trăm người, lần lượt mấy năm chừng khoảng 200 người gồm những nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có anh Lưu Hữu Phước, anh Hoàng Việt và các anh Thái Ly, Thái Hà, anh Hồng Sến… Ngoài chuyện chi viện cho miền Nam về lực lượng, anh Tố Hữu còn chỉ đạo lo chính sách hậu phương đối với Văn nghệ sĩ đi B, lo chuyện học hành của con họ đau ốm trong gia đình…
Mỗi tuần tôi đều phải báo cáo cho anh về tình hình Văn nghệ sĩ vào Nam sáng tác, biểu diễn như thế nào, kết quả đi thực tế sáng tác của anh em văn nghệ sĩ ra sao... Nhiều tác phẩm được sáng tác ở miền Nam gửi ra như Hòn đất của Anh Đức, những tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng như: Chiếc lược ngà, bộ phim Đường ra phía trước của Hồng Sến… khiến anh rất phấn khởi. Anh Tố Hữu luôn luôn nhắc nhở tôi viết thư động viên anh em…
Sau này, vào dịp anh chị em văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mừng thọ 80 tuổi nhà thơ Tố Hữu, nghe nhiều anh em phát biểu về mình, anh rất cảm động, nhưng anh nói: “Công việc lo cho văn nghệ sĩ miền Nam không phải là riêng tôi mà nhiều đồng chí Trung ương cùng lo, kể cả Bác Hồ, đồng chí Tôn Đức Thắng và đồng chí Phạm Văn Đồng v.v… đều lo”. Tôi còn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa nhà thơ Tố Hữu và văn nghệ sĩ miền Nam, anh Tố Hữu nói chuyện với anh em rất thân tình, xúc động.
Sự nghiệp Cách mạng và sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu vô cùng to lớn, trong đó, công lao của nhà thơ Tố Hữu trong việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt… là hết sức quý giá. Văn nghệ sĩ cả nước nói chung, văn nghệ sĩ miền Nam nói riêng đều vô cùng thương tiếc và nhớ ơn anh - nhà thơ “trữ tình chính trị”. Riêng tôi, cho đến giờ phút này, quả không có bút mực nào ghi hết công ơn và sự dìu dắt... của anh đã ưu ái dành cho tôi...".
Bình luận (0)