(iHay) Tết đã qua chừng hơn một tháng. Ra Hà Nội với những bữa cơm nấu vội, những đĩa cơm bụi gọi cho qua bữa, lại nhớ đến những món ăn ngon lành, thân thương từ bàn tay mẹ.
>> Nhớ bát chè nếp ngát hương của mẹ
Nhớ nhất, thích nhất, ấy là món cuốn mẹ tôi thường làm vào mỗi ngày mùng một tết. Mẹ kể, từ hồi mẹ còn bé xíu đã thấy món này luôn được ưu tiên trong thực đơn của ngày đầu năm mới. Một chút bún, một miếng thịt ba chỉ thái mỏng, một lát trứng tráng, một con tôm rảo luộc, một sợi giò lụa, tất cả gói vào một chiếc lá xà lách, thêm vài sợi rau mùi (ngò), và quấn lại bằng một củ hành để nguyên cả lá sau khi đã luộc cho chín tới.
Tôi đã đi khá nhiều nơi, ăn nhiều thứ nhưng món cuốn thân thương ấy vẫn chỉ thấy duy nhất ở vùng ven biển Hải Phòng mặn mòi nắng gió này.
Mẹ bảo, món này ăn vào ngày tết hay lắm, vì không ngấy, không chán, lại dễ làm mà cũng chẳng đắt tiền. Nhưng nghe mẹ nói thì đơn giản là vậy, bắt tay vào, mới thấy khó lắm thay. Bún thì phải lựa thứ bún sợi săn và nhỏ, thịt ba chỉ phải đúng là ba chỉ, không quá dày mỡ và quan trọng là phải luộc khéo để miếng thịt không dai, không nát, khi thái thì “vuông thành sắc cạnh” trông mới ngon.
Trứng tráng để làm cuốn cũng khác với món trứng tráng bình thường, phải tráng sao cho mỏng, cho đều, không quá lửa để khô, cũng không non quá hoặc nhiều dầu mỡ quá thành ra bị nát. Khi tráng cũng không nên cho mắm hay các loại gia vị nào vào.
Đặc biệt, để món ăn dân dã nhưng độc đáo này “chuẩn” nhất, mẹ bảo phải chọn đúng tôm rảo. Đó là loài tôm nhỏ, có màu xanh đen, vỏ rất mỏng, chân mềm và ngắn, gai không nhọn, thịt chắc, ngọt và thơm. Tôm rảo sống ở đầm hồ nước lợ vùng duyên hải Bắc bộ, ngày xưa chỉ là thứ rẻ tiền và bán đầy chợ quê chứ không đắt đỏ đến ba bốn trăm nghìn một ký và hiếm hoi như bây giờ. Nếu không phải là tôm rảo, hương vị của món cuốn sẽ rất khác.
Một chi tiết nhỏ là cây hành để quấn phía ngoài phải là loại hành củ không non không già, khi luộc đừng chín quá mà mềm nhũn và mất mùi hành. Cuối cùng, khi quấn chiếc lá xà lách với bên trong là bún, thịt, tôm, giò, thì người có kinh nghiệm sẽ chỉ lấy một lọn bún nhỏ vừa phải để chiếc cuốn vừa miệng người ăn. Nước chấm của món ăn thú vị này sẽ có vị chua, cay, ngọt, mặn, được pha từ nước mắm Cát Hải - thứ nước chấm tinh túy của biển cả Hải Phòng.
Cũng có vài vùng ở Hải Phòng có món cuốn độc đáo này, nhưng mỗi nơi sẽ có những biến tấu khác đi. Chẳng hạn nước chấm món cuốn ở nội thành Hải Phòng thường được nấu thành xốt, món cuốn ở huyện Thủy Nguyên đôi khi có thêm đậu rán.
Nhưng dù biến tấu thế nào, món cuốn của thành phố hoa phượng đỏ luôn xứng đáng được mệnh danh là “hoa khôi” bởi sự xinh xẻo, tinh tế nằm trong từng thức cuốn khéo hài hòa với nhau, từ màu sắc, hình dáng đến mùi thơm, hương vị. Cầm cuốn trên tay chẳng nỡ ăn, ăn rồi lại chẳng thể nào chẳng thèm thuồng, nhung nhớ.
Tịnh Tâm
>> Ăn ngon ở quán bánh cuốn 60 năm tuổi
>> Những hàng bánh cuốn cổ và ngon nhất Hà Nội
>> Bánh cuốn tuyệt ngon ở gần chợ Vườn Chuối
>> Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất
>> Bánh cuốn Tây Hồ: 50 năm một hương vị
>> Thèm bánh cuốn vùng cao
Bình luận (0)