Không mua thịt cá mà chuyển sang đậu phụ; thôi rau muống để mua mồng tơi, rau đay cho rẻ bán xe máy, lấy tiền gửi tiết kiệm rồi đi bộ đến chỗ làm... Đó là cách đối phó của cánh công nhân trước cảnh giá cả vùn vụt tăng.
Bữa cơm siêu tiết kiệm
Chúng tôi đến xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vào một buổi trưa. Gần mười năm nay, khi khu công nghiệp Bắc Thăng Long mọc lên, thì xã Kim Chung cũng trở thành nơi ở của khoảng một vạn rưỡi công nhân, chủ yếu là nữ. Trên đường vào thôn Bầu, từng tốp các cô gái tuổi mười tám đôi mươi có vẻ như đi chợ về. Họ xách trên tay những túi ni-lông nhỏ xíu, bên trong thấy rõ vài quả cà chua, mấy lát đậu phụ và miếng bí ngô. Đó là hình ảnh thường ngày ở khu xóm trọ này. Một phụ nữ bán hàng ở chợ Kim Chung nói rằng, đậu phụ là thực phẩm thuộc loại bán chạy nhất ở đây. Khoảng từ nửa năm nay, khi giá cả lên cao, người lao động không mua thịt, cá, trứng nữa. Nhiều quán hàng cũng đã chuyển sang bán đậu phụ, dưa muối. Rau xanh chủ yếu là mồng tơi, rau đay, những thứ có thể mua ít mà vẫn nấu được thành canh, chứ không phải là rau muống.
Dừng xe, vào một khu nhà trọ ở giữa làng - vốn được cơi nới từ khoảng sân cũ để trở thành một dãy nhà ba tầng với cầu thang lên xuống chật hẹp - chúng tôi chứng kiến cảnh 3 cô gái ở tầng ba đang ngồi quanh mâm cơm với bát canh mồng tơi trong leo lẻo, bát cà muối, đĩa đậu sốt và một đĩa dưa xào với vài thẻo lá lách. Ba cô có tên lần lượt là Đường, Mai và Thắm - quê ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Tây - cùng ở trong căn phòng khoảng 9m2 này với giá 400 nghìn đồng/tháng. Tuy hơn đứt các phòng khác giá chỉ 300 nghìn vì có công trình phụ bên trong, nhưng trời mưa căn phòng cũng dột tứ tung, xô chậu có bao nhiêu đem ra hứng nước bằng hết. "Hỏi giá thịt thì chúng em không biết đâu, chỉ biết giá đậu thôi. Nghìn rưỡi một bìa", một cô nói.
24 giờ khép kín Không chỉ lương thấp, đời sống tinh thần của người lao động hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo một báo cáo về đời sống công nhân khu công nghiệp của Thành ủy Hải Phòng mới đây, thì trong số 4 khu công nghiệp, khu chế xuất với 86 doanh nghiệp gồm 22.000 lao động của TP này, chỉ có 1 cơ sở y tế. Các mục như cơ sở văn hóa, thể thao, câu lạc bộ, khu giải trí trong bảng kê hoàn toàn bỏ trống. Còn tại Hưng Yên bảng thống kê trắng hoàn toàn: không có cơ sở y tế, không có cơ sở giáo dục và cũng không có cơ sở văn hóa - thể thao. Một ngày của người công nhân chỉ có đi làm, về nhà trọ xếp hàng tắm giặt, ăn cơm rồi đi ngủ để ngày mai đi làm tiếp! |
8 người trong 9m2
Về đến khu công nghiệp Nomura (TP Hải Phòng), chúng tôi gặp đúng giờ công nhân tan ca. Từng đoàn người đi xe đạp đổ về các khu nhà trọ ở xã Tân Tiến, An Hưng (huyện An Dương), phường Quán Toan (Q.Hồng Bàng). Đi theo một nhóm công nhân trẻ, chúng tôi đến nơi 5 cô gái quê Thái Bình đang làm công nhân tại Công ty TNHH Pioneer thuê chung 1 phòng trọ ở xã Tân Tiến. Căn phòng cấp 4 lợp tôn mùa hè nóng hầm hập, chỉ có 1 chiếc quạt do một cô mang từ quê ra, còn lại chỉ là chiếc phản do chủ nhà ghép lại từ những mảnh gỗ để làm chỗ ngủ, mấy móc treo quần áo, ít bát đũa, xoong nồi. Giá phòng 400.000đ/tháng, cộng với điện, nước, mỗi cô phải trả khoảng 100.000đ/tháng. Hoa, một trong số 5 cô cho biết, nếu ở ít người hơn thì số tiền sẽ tăng lên vì vậy các cô chịu khó ở chung cho giảm chi phí. Một số nhà trọ trong khu vực đã có tình trạng thừa phòng vì công nhân dồn phòng, giảm chi phí.
Khó có thể tin được là với 50.000đ/tháng vẫn có một chỗ ở, tất nhiên chưa kể điện, nước. Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Thắm, công nhân Công ty Sao Vàng đóng tại xã Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng: "Tôi có nửa cái phản, diện tích 1m2. Ở đây nhà trọ nào cũng thế, 8 người ở trong 9m2. Cả dãy trọ có tới 48 người sử dụng 2 buồng tắm nhỏ và một nhà vệ sinh". Ngày nắng, mái tôn hắt nóng như nung, nước giếng vàng khè mà vẫn không đủ dùng. Nhưng đó lại là cách giúp công nhân tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa.
(Còn tiếp)
Nhóm PV
Bình luận (0)