Ông Tiên nói, một trong những giải pháp rõ ràng nhất cho vấn đề này chính là tách bạch công tư, đó là điều chắc chắn, vì khi hạch toán riêng sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tiêu cực nảy sinh như hiện nay. Nhưng để làm được điều đó, cần phải có một lộ trình bởi trong giai đoạn hiện nay, do nguồn lực có hạn nên chúng ta phải tạm thời chấp nhận giải pháp huy động nguồn lực xã hội.
* Vậy lộ trình mà ông muốn nói tới cụ thể là bao lâu nữa?
- Bao giờ kinh tế khấm khá lên thì chúng ta tách bạch rõ ràng công tư như tôi đã nói. Đồng thời còn vấn đề này nữa, khi công cuộc xã hội hóa mạnh lên, nhiều bệnh viện (BV) tư nhân ra đời thì vai trò đầu tư của nhà nước sẽ nhẹ dần đi, ngân sách không phải gánh vác quá nhiều cho BV nữa, lúc đó nhà nước chỉ tập trung tiền mua bảo hiểm y tế cho nhân dân. Một khi bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân rồi thì người ta chữa bệnh ở BV tư nhân hay BV công không còn là vấn đề.
|
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần biện pháp để khắc phục những tồn tại hiện nay. Qua giám sát vừa rồi, chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 43 theo hướng kiểm soát tốt hơn để tránh nảy sinh những tiêu cực trong mô hình dịch vụ tư ở BV công. Bộ Y tế cũng đã có nghiên cứu đánh giá, đã phát hiện một số yếu kém và đã đề xuất để chuẩn bị sửa nghị định này, trong đó có đề xuất về kiểm soát để chống lạm dụng trong các BV.
Một vị GS-BS, giám đốc một BV lớn ở Hà Nội đã từng nói trước ủy ban chúng tôi là thực hiện Nghị định 43 phải kiểm soát ở tầm BV, không được giao cho các khoa tự chủ, vì các BV có hàng chục khoa, nếu giao cho các khoa tự chủ thì sẽ thiên hình vạn trạng, biến tướng không lường hết. Trong một BV lớn thì phải có hội đồng quản lý và trong hội đồng quản lý đó phải có đại diện của cơ quan cấp trên, ví dụ BV Bạch Mai chẳng hạn, phải có đại diện một vài vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, thậm chí đại diện của hội bệnh nhân, hội người tiêu dùng. Hằng năm người ta sẽ báo cáo thêm tiền đầu tư nhà nước vào đây được sử dụng, quản lý thế nào, ngoài việc thực hiện kiểm toán bắt buộc tại BV đó.
* Để có thể tách bạch được dịch vụ tư khỏi BV công thì cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ, khuyến khích tư nhân xây dựng, thành lập BV tư chất lượng. Nhưng nếu chúng ta không có một quy định cụ thể, đặt mục tiêu rõ ràng về lộ trình cũng như tỷ lệ thị phần dành cho BV tư thì e rằng, việc tách bạch dịch vụ tư gây bất bình đẳng trong BV công sẽ chẳng bao giờ thực hiện được?
- Việc hỗ trợ, khuyến khích thành lập BV tư thì nhà nước cũng đã có quy định khá rõ về chính sách ưu đãi, trong đó có vấn đề thuế. Về đất để xây BV, các tỉnh người ta mở cửa rộng lắm đối với các trường hợp muốn thành lập BV tư, nhưng riêng đối với Hà Nội và TP.HCM thì đúng là còn rất nhiều khó khăn. Ngay BV công xin đất còn khó, đừng nói tư nhân. Chúng tôi nghĩ cái này trách nhiệm chính là của Hà Nội, TP.HCM. Ví dụ như TP.HCM, nói là quy hoạch mấy BV nhưng mãi về sau không có đất, Hà Nội cũng vậy. Nên chăng trong bối cảnh bất động sản xuống giá, đóng băng như hiện nay, Hà Nội, TP.HCM có thể tranh thủ một số dự án chuyển đổi công năng để cho phép lập BV tư nhân, cho thuê hay bằng hình thức nào đó khuyến khích ưu đãi tư nhân thành lập BV chất lượng cao. Xây từ chung cư thành BV cũng là một vấn đề nhưng nếu quyết tâm và có phương án thì không phải không làm được.
Chúng ta phải có sáng kiến thế nào đó để huy động tư nhân tham gia thành lập BV. Tuy nhiên, để làm được như vậy cũng phải song hành cùng chủ trương của nhà nước, vì nếu nhà nước vẫn tiếp tục mở rộng các BV công thì làm gì có thị phần cho BV tư? Ví dụ BV công xác định chỉ khám chữa bệnh ở mức nào đó thì mới dành thị phần còn lại cho BV tư được, chẳng hạn nhà nước xác định rõ thị phần 80% là BV nhà nước, 20% còn lại dành cho BV tư nhân thì họ mới có đất phát triển.
|
Bảo Cầm (thực hiện)
Bình luận (0)