Chiến dịch tấn công trong gần 2 tuần qua, với đỉnh điểm là việc tuyên bố kiểm soát thủ đô Damascus tại Syria ngày 8.12, là hoạt động quân sự rõ nét nhất của phe đối lập Syria trong nhiều năm qua, với lực lượng dẫn đầu là phong trào vũ trang HTS.
Tách khỏi al-Qaeda
Chiến dịch tấn công chớp nhoáng khiến quân đội chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad không kịp trở tay đã phần nào cho thấy năng lực của HTS nói riêng, cũng như liên minh đối lập mang tên Lực lượng tác chiến quân sự với HTS là đơn vị dẫn đầu nói chung, bên cạnh khai thác những điểm yếu của quân đội Syria.
Khởi điểm của HTS từ nhóm có tên Jabhat al-Nusra, được thành lập vào năm 2011 với tư cách là chi nhánh trực tiếp của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Syria, do ông Abu Mohammed al-Jawlani chỉ huy. Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi cũng tham gia thành lập al-Nursa.
Jabhat al-Nusra được xem là lực lượng có hoạt động hiệu quả và nguy hiểm nhất đối với chính quyền Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của nhóm này mang màu sắc thánh chiến, và vào những năm đầu sau khi thành lập thì điều này đôi khi được coi là mâu thuẫn với những phong trào đối lập khác, vốn mang tư tưởng tiến hành một cuộc cách mạng dưới màu cờ “Tự do Syria”, theo Đài BBC.
Chiến sự bất ngờ ở Syria: HTS là ai? Vì sao ngay lúc này?
Vào năm 2016, ông al-Jawlani công khai tách khỏi al-Qaeda, giải thể Jabhat al-Nusra và thành lập một tổ chức mới, lấy tên là Hayat Tahrir al-Sham, đồng thời kết hợp với một số nhóm khác và HTS hoạt động đến nay.
Trong những năm qua, HTS đã thiết lập địa bàn hoạt động tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, nơi mà trên thực tế nhóm này cũng điều hành chính quyền địa phương, dù vấp phải những chỉ trích vi phạm nhân quyền. HTS cũng dính vào một số cuộc đấu đá nội bộ gay gắt với các nhóm đối lập khác.
Kể từ khi tách khỏi al-Qaeda, mục tiêu của HTS giới hạn ở việc thiết lập thể chế Hồi giáo ở Syria, thay vì thành lập một nhà nước Hồi giáo với quy mô đa quốc gia như trường hợp của IS.
Quan hệ giữa HTS với phong trào vũ trang lớn khác với tên Quân đội quốc gia Syria - nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ - cũng tương đối phức tạp, khi có lúc là đối thủ, đôi khi là đồng minh, do mang một số mục tiêu khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ thông tin nước này liên quan đến chiến dịch quân sự mới nhất của phe đối lập.
HTS chớp thời cơ
HTS - tổ chức bị các nước như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố - những năm qua không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ thổi lại ngọn lửa giao tranh quy mô lớn với chính quyền Syria, vốn kiểm soát và điều hành phần lớn lãnh thổ nước này.
Kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, đã không có cuộc đụng độ đáng chú ý nào giữa chính phủ ông al-Assad là phe đối lập. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định chính quyền Damascus những năm qua nhận được hậu thuẫn từ Nga, Iran hay nhóm vũ trang Hezbollah ở Li Băng đặc biệt về quân sự. Trong khi đó, lực lượng vũ trang của Syria có phần lớn là lính nghĩa vụ, và tình hình kinh tế khó khăn cũng đã gây sức ép lên vấn đề trả lương cho quân đội.
Giới quan sát có chung quan điểm rằng việc Israel phát động tấn công Hezbollah và Iran ít nhiều ảnh hưởng, đồng thời chiến sự Ukraine kéo dài buộc Nga tập trung cho xung đột trực tiếp, đã tạo thời cơ rõ ràng cho phe đối lập tại Syria mở lại hoạt động quân sự. Thành phố Aleppo, chiến trường đẫm máu nhất trong nhiều năm giữa phe đối lập và chính quyền Syria, trước khi chính phủ kiểm soát vào năm 2016, đã thất thủ trong vòng một ngày sau khi HTS phát động cuộc tấn công ngày 27.11. Không có sự hỗ trợ từ Moscow, Tehran hay nhóm Hezbollah, quân đội Syria gần như bị cô lập và không thể kháng cự trước đà tấn công của phe đối lập.
Liên minh quân sự đối lập thực hiện cuộc tấn công tại Syria, ngoài HTS dẫn đầu, còn có phong trào Ahrar al-Sham (thành lập năm 2011 và hoạt động tại Aleppo và Idlib), Mặt trận quốc gia giải phóng (NFL, thành lập tại Idlib năm 2018), phong trào Jaish al-Izza (tập trung vào phía bắc tỉnh Hama) và nhóm Nour al-Din al-Zenki (thành lập năm 2014 ở Aleppo).
Bình luận (0)