* Xếp hàng mua bánh trung thu truyền thống
(TNO) Nếu như TP.HCM có đường Lương Nhữ Học (Q.5) được gọi bằng tên “phố lồng đèn” thì Hà Nội có phố Hàng Mã (Q.Hoàn Kiếm) cũng là một địa chỉ nhộn nhịp mỗi dịp trước rằm tháng 8.
>> Thị trường đồ chơi tết thiếu nhi kém sôi động
>> Chưa Tết Trung thu, bánh đã “đại hạ giá”
>> Thị trường bánh trung thu 2012: Thị trường vẫn tăng trưởng, vì sao ?
>> Phát hiện gần 500 bánh trung thu “nhái”
Đúng dịp cuối tuần cận kề tết Trung thu, sáng nay 23.9, rất đông người đưa con nhỏ tới phố Hàng Mã để mua sắm, khiến con phố này tắc nghẽn trong nhiều giờ đồng hồ.
Theo đánh giá của cả người mua, người bán, “phố lồng đèn” Hàng Mã năm nay không phong phú mặt hàng bằng năm ngoái, sức mua yếu. Tuy nhiên điều dễ nhận ra là hàng hóa đa phần của Trung Quốc.
Các loại phụ kiện trang trí, súng phun bóng bay, mặt nạ, đèn lồng Trung Quốc giá từ 20 đến 80 ngàn, có loại trên 100 ngàn vẫn thu hút trẻ em.
Ngược lại, các đồ chơi dân gian Việt Nam như đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, tò he ngày càng “ít đất diễn” hơn ở đây.
Theo anh Hùng, một nghệ nhân nặn tò he ở phố Hàng Mã đã 7 năm nay, tò he là đồ chơi thuộc loại rẻ nhất trong chợ này (10 ngàn đồng/con), tuy nhiên, anh bán được rất ít.
Điều đặc biệt, tàu thủy sắt tây, đồ chơi truyền thống của trẻ em Hà Nội mỗi dịp Trung thu không hề xuất hiện ở chợ Hàng Mã. Phải xuống tận Hàng Thiếc, chúng tôi mới tìm thấy những chiếc tàu thủy sắt tây hiếm hoi được bày giữa muôn vàn các đồ gia dụng khác.
Mỗi chiếc tàu chạy bằng dầu hỏa giá từ 250 - 350 ngàn đồng, loại chạy bằng pin 300 ngàn/chiếc. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng số 33 Hàng Thiếc cho biết từ đầu mùa tới giờ, cửa hàng bán được vài chiếc, chủ yếu cho khách nước ngoài mà thôi.
|
Xếp hàng mua bánh trung thu truyền thống Trái ngược với cảnh đìu hiu của các gian hàng bánh trung thu sản xuất công nghiệp trên phố phường Hà Nội, tại nhiều tiệm bánh trung thu truyền thống sản xuất tại gia trên phố Thụy Khuê (Q.Ba Đình, Hà Nội) khách hàng luôn phải chờ để tới lượt mình.
Cảnh đông đúc diễn ra trước các tiệm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống trên phố này từ khoảng 10 ngày trước rằm tháng 8. Chủ cửa hàng bánh số 197 Thụy Khuê giới thiệu rất nhiều kiểu bánh nướng, bánh dẻo trung thu năm nay với màu sắc, mẫu mã đa dạng. Giá cả vừa phải (dao động từ 12 ngàn/chiếc nhỏ nhất, 60 - 70 ngàn/chiếc cỡ trung bình), rất nhiều người tới tiệm đặt bánh với kiểu dáng, cũng như nhân bánh trứng, đậu xanh, hạt sen theo yêu cầu. Theo ông chủ của cửa hàng bánh Bảo Phương - 183 Thụy Khuê, gia đình ông làm bánh quanh năm nhưng nửa tháng trước rằm trung thu nhà lúc nào cũng kín khách.
Theo người tiêu dùng, lý do họ vẫn trung thành với sản phẩm truyền thống dù có nhiều thương hiệu bánh trung thu lớn như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... đó một phần là do khẩu vị. Những người lớn tuổi thích các vị xá xíu, hạt sen, đậu xanh, chỉ có thể có ở những nhà làm bánh gia đình.
Bà Nguyễn Thị Hoa sau một hồi lâu xếp hàng trước số nhà 183 Thụy Khuê cũng mua được 8 hộp bánh (mỗi hộp là một đôi bánh nướng, bánh dẻo). Bà Hoa cho biết năm nào cũng mua tại cửa hàng này vừa để biếu vừa để gia đình dùng, bánh dễ ăn, nguyên liệu sạch, bà có thể nhìn tận mắt các công đoạn chế biến bánh nên an tâm. Ông Phạm Vi Bảo, chủ hệ thống bánh trung thu truyền thống Bảo Phương tại Hà Nội cho biết không có thói quen thống kê đã bán được bao nhiêu ngàn chiếc bánh trong mùa trung thu. “Bí quyết đơn giản chỉ là nhiều năm qua gia đình làm bánh trung thu giữ được hương vị Việt Nam, đặc biệt giá cả hợp với túi tiền của cả những người lao động bình thường nhất, đó là cách để ai cũng có thể có một tết Trung thu ý nghĩa”, ông Bảo nói. |
Bài ảnh: Thúy Hằng - Minh Hoàng
Bình luận (0)