Nhộn nhịp thị trường hàng không

16/02/2019 07:07 GMT+7

Sau bao năm yên ắng, thị trường hàng không VN bắt đầu nhộn nhịp nhờ sự xuất hiện của các “tay đua” mới.

Tăng cạnh tranh, người dùng hưởng lợi

Sau hơn 1 năm “nhá hàng” với tuyên bố hợp tác, tháng 12.2018 vừa rồi, AirAsia - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á và Tập đoàn Thiên Minh (VN) đã chính thức ký thỏa thuận hình thành một đội bay cho hãng hàng không mới tại VN.
Ông Trần Trọng Kiên, Giám đốc điều hành Thiên Minh Group, cho biết đội bay chủ yếu sẽ bao gồm các máy bay Airbus A320 và A321, gồm cả máy bay tầm ngắn và tầm trung, thân hẹp. Các bước tiếp theo của thỏa thuận vẫn đang được hai bên tiến hành và theo kế hoạch, chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng sẽ được thực hiện vào quý 2/2019.
AirAsia - Tập đoàn Thiên Minh không phải cái tên duy nhất đang chờ Chính phủ cho phép bay. Trả lời Thanh Niên, một đại diện của Vietstar Airlines chia sẻ sau thời gian dài kiên trì chờ đợi, hãng hàng không này đang rốt ráo hoàn thiện tất cả các tiêu chuẩn, thủ tục theo đúng yêu cầu của nhà chức trách hàng không, quyết được bay trong thời gian tới. Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel cũng vừa bày tỏ dự định muốn thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines, đặt văn phòng tại Huế. Mới đây nhất, sự xuất hiện của “tân binh” Bamboo Airways cũng đã mang đến thêm sự lựa chọn cho hành khách trong dịp cao điểm Tết 2019.
TS Lương Hoài Nam phân tích vận tải hàng không VN được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng hiện chỉ có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways. Trong đó, Jetstar Pacific là công ty con của Vietnam Airlines. Con số này ít hơn nhiều so với 13 hãng hàng không thường lệ và gần 10 hãng bay thuê chuyến đang hoạt động ở Thái Lan. Số hãng hàng không đang khai thác ở VN cũng ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar và ít hơn 10 lần so với Indonesia. Điều đó cho thấy mức độ cạnh tranh hàng không nội địa, quốc tế ở VN đang rất thấp so với khu vực. “Sự cạnh tranh gần như ở mức tối thiểu khiến giá vé máy bay ở VN luôn ở mức cao, hành khách kêu ca, kìm hãm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Tự do hóa vận tải hàng không, thêm nhiều hãng sẽ tăng cạnh tranh về giá, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thêm nhiều khuyến mãi cho khách hàng và thúc đẩy du lịch phát triển”, ông Nam nói.

Không lo bài toán hạ tầng

Sự tham gia của nhiều hãng hàng không chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thị trường, cho người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán cấp bách với hạ tầng hàng không trong dài hạn.
Mặc dù có sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế tư nhân đầu tiên - Vân Đồn, nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn còn số lượng không nhỏ sân bay tại các TP lớn đang phải hoạt động quá công suất. Cụ thể, Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quá tải 30%, sân bay Nha Trang vượt công suất 20%, sân bay Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng quá tải 13%, mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm. Thực tế, dù mới chỉ có vài ba hãng hàng không hoạt động nhưng tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không VN (ACV), thừa nhận hệ thống các cảng hàng không tại VN đang trong tình trạng tắc nghẽn nhất định. Tuy nhiên, nhiều sân bay tại các trung tâm du lịch, địa phương tiềm năng mà các hãng hàng không hướng tới như Phú Quốc, Cần Thơ, Tuy Hòa, Phù Cát hay thậm chí là Nội Bài của Hà Nội cũng vẫn còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ GTVT đã có kế hoạch khắc phục các điểm quá tải, nâng cao năng lực tại các cảng. Bản thân ACV cũng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kế hoạch cân đối nguồn lực đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng khai thác tại các cảng (bao gồm cả sân bay Long Thành) đến năm 2025, kế hoạch sơ bộ đến 2030 phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông hàng không.
“Thực tế hiện nay, áp lực nhất khi tăng số lượng hãng bay, tăng máy bay không phải hạ tầng mà là kế hoạch bổ sung năng lực kiểm soát, giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không, đặc biệt là yếu tố con người”, vị này khẳng định.

Hàng không VN chính thức đạt điều kiện bay thẳng đến Mỹ

Chiều 15.2, Đại sứ Mỹ tại VN Daniel J. Kritenbrink đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng. Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho biết, CAT1 cho thấy FAA đã đánh giá Cục Hàng không VN tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) về các tiêu chuẩn an toàn.
Với CAT1, các hãng hàng không VN có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ và liên danh với các hãng hàng không Mỹ sau khi hoàn thành các bước cần thiết còn lại. Trong đó, các sân bay VN phải được Cục Quản lý an ninh giao thông Mỹ xác nhận tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và các thông lệ được khuyến nghị của ICAO, và các hãng hàng không VN được Bộ Giao thông Mỹ cấp thẩm quyền kinh tế. Ngoài ra, để duy trì xếp hạng loại 1, một quốc gia phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của ICAO, cơ quan kỹ thuật của LHQ về hàng không, có vai trò thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ khuyến nghị cho hoạt động và bảo trì máy bay.  
 Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.