Nơi tri ân các liệt sĩ Gạc Ma
Trên đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang, sắp đến chân đèo Cù Hin, nhìn về hướng đông sẽ thấy cụm tượng đài với hình ảnh những người lính như đang đứng trên đầu ngọn sóng, thách thức mọi hiểm nguy. Phía trên cụm tượng là một “vòng tròn bất tử” đã kết nối những người lính với nhau trước khi quân xâm lược nổ súng thảm sát. Tâm huyết của các họa sĩ và điêu khắc gia nhằm gửi một thông điệp: trong bi tráng là sự kiêu hùng của người lính VN. Các anh đã quyết bám trụ đến cùng, dù phải trả bằng chính mạng sống của mình, để giữ đá Gạc Ma. Và rồi, 64 người lính ấy phải ngã xuống trước họng súng của quân thù. Trừ một người duy nhất - thiếu úy Trần Văn Phương - là lấy được thi thể, 63 người lính công binh của chúng ta từ ngày ấy đã vào lòng biển thẳm. Kể từ buổi sáng 30 năm trước đó, thân nhân của các liệt sĩ luôn đau đáu câu hỏi: Làm cách nào có một nơi thờ tự chung để mà thăm viếng các anh? Và rồi, mỗi người tự tưởng niệm theo cách của mình.
Người dân làng Tân Định, xã Hải Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình), từ nhiều năm nay đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ Hoàng Dỏ, nay tròn 90 tuổi, là bố của liệt sĩ Hoàng Văn Túy, cứ đến ngày giỗ của con lại bày trên mâm cỗ 64 đôi đũa, 64 chiếc bát, đặt ngay trên bãi cát cạnh bờ biển của làng. Còn cụ Lê Thị Niệm, mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư ở xã Hòa Phong, H.Tây Hòa (Phú Yên) thì biến ngôi nhà của mình thành chỗ đi về của đồng đội con mình mỗi khi làm đám giỗ cho Dư...
Bắt đầu từ năm 2018 này, bên cạnh những đám giỗ tại các gia đình của 64 liệt sĩ Gạc Ma, sẽ có một buổi lễ tưởng niệm chung cho vong linh các anh đã hy sinh từ 30 năm trước cũng như cho tất cả những người lính đã ngã xuống tại Trường Sa suốt mấy chục năm qua.
Như gặp các anh
Năm 2015, anh Lê Hữu Thảo, từng là đồng đội của 64 liệt sĩ, một trong 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giam sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, lặn lội từ Hà Tĩnh vào Cam Ranh để chứng kiến lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng cụm tượng đài. Anh bùi ngùi: “Tôi đợi giây phút này đã lâu lắm rồi. Mấy chục năm qua, tôi luôn nghĩ đến những đồng đội đã nằm lại ở Gạc Ma mà không có một nấm mồ nào. Cha mẹ, vợ con các anh, mỗi ngày giỗ muốn đến thắp cho chồng, con họ nén nhang cũng không có chỗ. Và bây giờ, khu tưởng niệm này chính là “nghĩa trang liệt sĩ”, là nơi yên nghỉ của các anh. Tôi như gặp lại đồng đội của mình ngay khu tưởng niệm này”.
Cách đây vài hôm, ngày 9.3, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, người đã góp nhiều công sức để vận động đồng bào cả nước, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng công trình này, rất bất ngờ khi ghé thăm khu tưởng niệm: “Tôi chứng kiến nhiều kiều bào từ khắp nơi trên thế giới cũng đến dâng hương tại khu tưởng niệm này. Vậy là những người lính hy sinh tại Gạc Ma vẫn luôn sống trong lòng người dân VN. Mỗi người dân Việt như gặp các anh tại đây vậy”.
Ông Thái Cao Bình, một cựu binh đang trông coi khu tưởng niệm, nói rằng không ngày nào là không có người đến viếng. Có hôm, nhất là những ngày lễ, khu tưởng niệm đón cả ngàn lượt người, trong đó có những đoàn khách nước ngoài cũng đến đặt vòng hoa.
Khách đến viếng khu tưởng niệm hôm nay sẽ bắt gặp những kỷ vật quen thuộc mà các anh để lại, được xếp ngay ngắn trong nhà trưng bày. Một chiếc áo gửi lại mẹ hôm tiễn con lên đường, một lá thư viết vội trước ngày rời đất liền ra đảo gửi về “em gái hậu phương”, một đôi dép không còn nguyên lành... tất cả như vẫn còn ấm nóng như bàn tay của lính, như hơi thở tràn trề sinh lực của tuổi hai mươi.
Năm nay, ngày giỗ các anh, ngày dương lịch và âm lịch lại gặp nhau (27.1 âm lịch và 14.3 dương lịch) sau một vòng tròn 30 năm. Ba mươi năm, thời gian đủ để con người có thể quên đi nhiều thứ, song có một điều mà tất cả những người con yêu nước Việt sẽ không được phép nguôi quên, đó là một phần lãnh thổ của chúng ta đang bị ngoại bang xâm lược. 64 người lính đã ngã xuống nơi này.
Tổ chức lễ cầu siêu 64 liệt sĩ
Sáng 13.3, Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP.Đà Nẵng (thời kỳ 1984 - 1988) đã tổ chức lễ cầu siêu tâm linh cho 64 liệt sĩ hy sinh tại bãi đá Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. Một bàn thờ lớn được lập với 64 bài vị đặt trang trọng trên 2 kệ dài tại khu đất rộng (cạnh cảng cá Thọ Quang). Cùng dự lễ còn có thân nhân của các liệt sĩ đến từ các địa phương, trong đó có thân nhân của 10 liệt sĩ quê Quảng Nam, Đà Nẵng. Có em trai là liệt sĩ Phan Văn Sự, hy sinh tại Gạc Ma đúng vào ngày 14.3.1988, bà Phan Thị Lê (ở Đà Nẵng), xúc động kể: "30 năm rồi Sự không về. Mẹ và chị em chúng tôi vẫn vẹn nguyên ký ức ngày Sự còn bên cạnh gia đình". Được biết, ngày 14.3, ban liên lạc sẽ tổ chức buổi gặp mặt nhằm ôn lại truyền thống của đơn vị, thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch CQ88 tại quần đảo Trường Sa.
Hoàng Sơn
|
Bình luận (0)