Nhục hình trong thể thao Trung Quốc: Bỏ thi đấu để phản đối nhục hình

03/08/2011 14:15 GMT+7

(TNO) Tuyển quốc gia bóng rổ U19 Trung Quốc (TQ) đã nhất loạt “bỏ thi đấu” để phản đối chế độ huấn luyện hà khắc chuyên dùng nhục hình của HLV trưởng Phạm Bân.

(TNO) Tuyển quốc gia bóng rổ U19 Trung Quốc (TQ) đã nhất loạt “bỏ thi đấu” để phản đối chế độ huấn luyện hà khắc chuyên dùng nhục hình của HLV trưởng Phạm Bân.

>> Kỳ 1: “Ác tăng” điền kinh
>> Kỳ 3: Ba năm tù và cái chết của cầu thủ 14 tuổi

Sự kiện náo loạn trên xảy ra vào ngày 28.6.2011 ngay tại cuộc thi đấu giữa Tuyển quốc gia với đội Lithuanina U.21. Theo báo chí thể thao quốc tế bình luận, tuyển quốc gia U.19 TQ rất kiêu ngạo, chậm trễ, từ chối ghi hình, lý do bỏ thi đấu không thuyết phục. Trong báo cáo của Hiệp hội bóng rổ nước này vào chiều ngày 28.6, lãnh đạo Trung tâm Bóng rổ quốc gia (TTBRQG) - ông Hồ Gia Thời - cho biết lý do bỏ đấu của tuyển này không đúng với thực tế. Việc kết thúc sớm trận đấu trước thời gian là do Ban tổ chức yêu cầu. HLV trưởng Phạm Bân cũng tuyên bố việc kết thúc sớm trận đấu là nhằm bảo vệ các cầu thủ. Tuy nhiên sự thật đằng sau lại khác hẳn.


Tuyển U.19 TQ - Ảnh: Sport.cn

Nghi vấn bất thường từ trận đấu

Dù mỗi cuộc thi đấu đều rất quan trọng, song tuyển U.19 TQ lại tới sân đấu trễ tới 2 giờ đồng hồ với lý do đường xá quá xa và cả đội cần phải ăn uống đầy đủ. Cả đội cũng nhất loạt phản đối không cho ghi hình tại khu vực khởi động của đội mình. Dẫu tờ Tin tức bóng rổ vẫn biện minh rằng việc từ chối cho ghi hình lúc khởi động tại sân tập phụ gần sân thi đấu là việc rất bình thường, nhưng không ít người đã linh cảm thấy điều bất ổn.


“Chúng tôi đã sống chết trên sân đấu, nhưng trong mắt ông, chúng tôi không đáng như con chó. Uất ức chồng lên uất ức…” - cầu thủ Vương Tử Thụy của tuyển quốc gia U19 viết trên blog cá nhân về Phạm Bân.

Sau khi kết thúc hiệp 1, HLV trưởng của đội Lithuanina U.21 cho rằng sân đấu chỉ cách chỗ ở của tuyển U.19 TQ có 30 phút xe hơi, nên đề nghị hiệp 2 đổi sang sân đấu gần khu vực họ. Đề nghị này được đội TQ nhất trí, nhưng không hiểu lí do tại sao, đội này đã tới trễ 2 tiếng, khiến giờ đấu phải lùi lại, và mấy trăm khán giả phải chờ đợi. Sau khi tổ HLV làm việc với nhau, các máy quay đều bị mời ra khởi sân đấu trong kinh ngạc.

Sau khi hiệp 2 bắt đầu, các cầu thủ U.19 TQ lại cố tình câu giờ bằng cách đi bộ lững thững, khiến trọng tài buộc phải thổi phạt. Túm ngay lấy lí do nhỏ này, đội TQ lấy cớ cự cãi với trọng tài và đòi bỏ thi đấu. Tuy nhiên, sau khi được nhiều bên xuống điều đình, trận đấu tiếp tục diễn ra rất uể oải và cuối cùng nhất loạt bỏ đấu trước giờ kết thúc. HLV trưởng Phạm Bân thanh minh rằng nguyên do khiến U.19 đòi bỏ thi bởi đội Lithuanina U.21 chơi quá bạo lực, khiến nhiều cầu thủ của U.19 bị thương, chưa kể họ luôn bị thổi phạt vô lý. Nhưng lý do này thật khó thuyết phục bởi không có đội nào mất tinh thần tới mức đòi bỏ thi đấu như vậy trong khi ở nửa trận đầu, họ đang dẫn ở tỉ số 45:39.


HLV trưởng Phạm Bân từng bị coi là nghiện đánh đập cầu thủ - Ảnh: Sport.cn

Vùng lên bởi bị huấn luyện “quá tải”

Đây không phải là lần đầu tiên tuyển U.19 TQ bỏ thi. Trước đây trong một cuộc thi đấu tại một trường trung học ở Mỹ, U.19 TQ đã cự tuyệt thi đấu tiếp khi mới nửa trận. Đội này dưới sự huấn luyện của HLV trưởng Lý Xuân Giang từng lấy cớ cự cãi với trọng tài tới bỏ thi đấu tại cuộc thi U.18 lần thứ 20 ở Iran vào ngày 1.9.2008, khiến đội Syria giành chiến thắng. Giải vô địch trẻ thế giới U.19 khai mạc tại Latvia vào ngày 30.6 vừa qua, và Tuyển quốc gia bóng rổ U.19 TQ được xếp vào nhóm D với tên gọi nhóm Tử thần bởi trong nhóm đã bao gồm 3 quán quân U.18 ở 3 châu lục: đội Mỹ vô địch châu Mỹ, đội TQ vô địch châu Á, đội Ai Cập vô địch châu Phi. Thế nhưng điều này cũng chẳng ngăn được việc các cầu thủ TQ tiếp tục bỏ thi đấu.


“Phạm Bân khiến chúng ta gục ngã hết lần này tới lần khác, nhưng chúng ta lại đứng lên hết lần này tới lần khác. Hỡi các anh em hãy cố lên!” - cầu thủ La Hán Thâm.

Báo chí TQ đã gọi scandal trên là sản phẩm điển hình của việc xung đột tư tưởng giữa hai thế hệ già-trẻ. HLV trưởng Phạm Bân sinh năm 1970, xuất thân từ một cầu thủ “công thần” của đội Bát Nhất nên luôn giữ tác phong cứng nhắc và sắt đá của một người lính. Tuy nhiên tính cách này đã trở thành cực đoan và không phù hợp trong việc huấn luyện ở thời đại mới.

Ông từng thanh minh rằng mình cũng đã phải trải qua sự huấn luyện hà khắc như vậy mới thành danh như ngày hôm nay, và với đội U.19 nếu “không đánh thì không thể thành người”. Những xung đột và mâu thuẫn giữa đội U.19 với HLV trưởng này đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 11.4.2011, toàn đội đã viết một huyết thư, gửi lên TTBRQG, bày tỏ thái độ bất mãn với phương thức giáo dục hà khắc, luôn chửi mắng, nhục mạ, đánh đập của Phạm Bân suốt 3 năm qua mà họ phải chịu đựng. Huyết thư cũng yêu cầu phải thay HLV trưởng vì họ đã tới mức “không thể chịu được nữa”. Trên huyết thư này cũng có đầy đủ chữ ký và in dấu tay của từng thành viên.

Việc viết huyết thư đòi thay HLV trưởng chưa từng có tiền lệ trong thể thao TQ. Toàn đội cho biết họ luôn bị phạt tập thể và bị chửi mắng dữ dội trong hàng tiếng đồng hồ mỗi khi HLV trưởng không hài lòng. Nhiều cư dân mạng nước này cũng kịch liệt phản đối cung cách huấn luyện kiểu quân sự cực đoan của Phạm Bân và cho rằng nó đã quá lỗi thời và cần tôn trọng cá tính của từng cầu thủ trẻ.

Trước sức ép của cả đội, Phạm Bân đành tạm rút lui, ở lại trong nước, cho trợ lý HLV Hồ Vệ Đông đưa đội sang Mỹ luyện tập trong tháng 4. Tuy nhiên, việc ông vẫn chưa chịu chính thức rời bỏ đội khiến cả đội mới bùng lên phản ứng tiêu cực bỏ thi đấu như trên.

Thật đáng tiếc là TTBRQG không thèm đếm xỉa tới bức huyết thư và tâm tư uất ức của tuyển U.19. Thậm chí họ còn lập tức mở cuộc họp để điều tra xem cầu thủ nào đã cung cấp thông tin cho báo chí, và khuyên nên ra tự thú trước khi phát hiện và bị đuổi.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.