Nhức nhối chợ tự phát

04/01/2005 20:58 GMT+7

Chưa thấy bao giờ TP Hồ Chí Minh lại có nhiều chợ tự phát như mấy năm trở lại đây. Khắp các con đường, hành lang, con hẻm, bãi đất trống... chỗ nào cũng có chợ mọc lên. Chợ ở những nơi này không theo một lề lối trật tự nào, thường gây ồn ào, mất vệ sinh...

Chợ tự phát gây bát nháo

Có thể thấy chợ tự phát mọc khắp mọi nơi, nhất là ở xung quanh các khu vực chợ truyền thống. Tại mỗi khu vực chợ truyền thống, chợ tự phát bám víu xung quanh tạo thành một hệ thống chợ bát nháo, ồn ào như chợ Bình Trưng (quận 2), Bình Thới, Phú Thọ (quận 11), Xã Tây (quận 5), Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp)... Đến chợ Bình Tây (quận 5) gần khu vực Bến xe Chợ Lớn có thể thấy sự bát nháo, lộn xộn của tình trạng buôn bán ở khu vực ngoài chợ. Chợ tự phát ở khu vực này hoạt động sáng đêm, nhất là thời gian từ khuya tới sáng. Lượng xe cộ lưu thông ở đây rất nhiều nên thường xảy ra tình trạng va quẹt, gây mất trật tự giao thông đô thị. Đến khu vực chợ Bình Thới (quận 11) vào hai buổi sáng và chiều, bên ngoài chợ nhiều người dân đến đây buôn bán trên các hành lang của con đường như Bình Thới, Lạc Long Quân, các hẻm nhỏ xung quanh chợ cũng rất đông... Hàng bán ở đây chủ yếu là trái cây, hoa quả. Xe của khách đi chợ dựng đầy đường chiếm hết lối đi của các phương tiện lưu thông khác.

Chợ tự phát mọc lên ăn theo các chợ truyền thống đã làm cho lượng khách hàng vào mua hàng trong nhà lồng chợ giảm đi đáng kể. Một tiểu thương bán hàng thịt trong lồng chợ Tân Sơn Nhất bức xúc: “Chợ tự phát mọc lên ở khu vực chợ này nhiều năm nay rồi nhưng không được giải tán. Nghe âu Ban quản lí chợ đã nhiều lần dẹp bỏ nhưng không được. Chúng tôi buôn bán trong lồng chợ thường bất tiện cho khách mua hàng. Ví dụ một khách hàng có chuyện gấp đi chợ đâu có thời gian vô chợ đâu mà họ chỉ dừng xe ở ngoài rồi mua hàng ở chợ tự phát luôn cho nhanh. Chính điều này mà nhiều khách hàng của chúng tôi thưa dần...”.

Sạp thừa, tiểu thương thiếu, vì sao?

Hiện nay các chợ trên địa bàn thành phố đang xảy ra tình trạng một số tiểu thương nghỉ buôn bán hoặc là bỏ chợ ra ngoài kinh doanh, bán ở lòng lề đường... Nguyên nhân của tình trạng này, theo chúng tôi được biết, chủ yếu là do thuế, hoa chi, tiền thuê sạp cao và cả do có chợ tự phát nữa. 

Những tiểu thương nào muốn buôn bán trong lồng chợ đều phải thuê sạp để được giấy phép kinh doanh. Hàng tháng phải nộp thuế, tiền hoa chi, vệ sinh... Trong khi đó các chợ tự phát lại mọc khắp mọi nơi, mọi chỗ mà hầu như không có một cơ quan nào quản lí được. Nhiều tiểu thương buôn bán lỗ lã phải nghỉ bán, bỏ chợ ra ngoài kinh doanh. Thực ra có nhiều nguyên nhân để chợ tự phát mọc lên nhưng chủ yếu vẫn là do trong chợ tiểu thương buôn bán ế ẩm, muốn tìm nơi kinh doanh bên ngoài. Một tiểu thương kinh doanh hàng "lạc son" ở chợ Lãnh Binh Thăng hiện đã bỏ chợ ra ngoài kinh doanh cho biết: “Trước đây chúng tôi bán hàng "lạc son" ở ngoài hoạt động độc lập rất sôi nổi, nhưng khi các cơ quan chức năng cho chúng tôi vào chợ để kinh doanh buôn bán thì lượng khách đã giảm hơn phân nửa. Đa phần khách không biết chợ nằm ở đâu và ngại đi tìm. Do đó chúng tôi phải bỏ chợ để ra ngoài kinh doanh để có tiền đóng thuế vì sạp tôi còn hợp đồng với Ban quản lí chợ”.

Làm sao có tình trạng thừa sạp lại thiếu tiểu thương và cách giải quyết ra sao, một cán bộ trong Ban quản lý chợ Tân Sơn Nhất nói: “Chợ buôn bán ế ẩm, tiểu thương ra ngoài là không tránh khỏi. Thứ nhất do chợ xây không hợp lý, nằm sâu trong con đường, con hẻm không có mặt tiền. Thứ hai, chợ xây dựng quá lớn không phù hợp với địa bàn dân cư nên không sử dụng hết công năng do đó thiếu tiểu thương buôn bán. Thứ ba, chợ tự phát, ăn theo mọc lên quá nhiều ở mọi nơi, không sao dẹp bỏ được...”. Chợ tự phát hoạt động không có một cơ quan chức năng nào quản lý, không đóng tiền thuế, hoa chi... đã làm thất thu ngân sách nhà nước một khoản tiền khá lớn. Bên cạnh đó, chợ tự phát còn gây ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm lại không có. Nếu có trường hợp khách hàng mua phải thức ăn bị ô nhiễm gây ngộ độc thì ai sẽ chịu trách nhiệm và cơ quan nào có thể giải quyết? Tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra cho người dân một phần cũng là do những chợ tự phát này mọc lên.

Đa phần những người bán hàng thuộc chợ tự phát chủ yếu là dân tứ xứ lên thành phố để mưu sinh. Họ tụ tập thành nhóm đông người để lập ra một cái chợ buôn bán nhất là ở các nơi có nhiều người dân lao động nghèo, công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Dẹp chợ tự phát cũng có nghĩa là phải giải quyết công ăn việc làm cho những lao động này. Việc này đòi hỏi phải nhiều cơ quan, ban ngành cùng tham gia giải quyết. 

Thanh Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.