Trẻ con lấy chồng
"Mới 13 tuổi, tôi có biết hôn nhân là gì đâu", Shanta ngậm ngùi nói trong khi đứa con 2 tuổi của em thơ thẩn chơi trong nhà. Trước khi kết hôn, Shanta thậm chí chưa thấy mặt chồng nói gì đến việc tìm hiểu anh ta ra sao. Shanta không phải là trường hợp ngoại lệ. Sargare, 12 tuổi, cũng vừa đính hôn với người đàn ông bằng tuổi... cha mình và đám cưới dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này.
Hơn 1/3 cô dâu ở Ấn Độ chưa tới 18 tuổi song các nhà xã hội học cho rằng con số này còn cao hơn vì nhiều vụ kết hôn - cả ở trẻ em lẫn người lớn - hiếm khi được đăng ký với chính quyền địa phương. Trước tình trạng đó, hồi tháng 2 qua, Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết buộc các cặp vợ chồng phải đăng ký kết hôn. Vậy mà tại lễ hội Akshaya Tritiya (một lễ hội lớn của người Hindu) hồi tháng trước, các đám cưới trẻ con vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước đông dân thứ nhì hành tinh. Chuyện này xảy ra ngay trước mũi cảnh sát, bất chấp luật lệ quy định độ tuổi hợp pháp để kết hôn là 18 tuổi đối với nữ và 21 đối với nam.
"Đó là một quy tắc xã hội đã được chấp nhận trong nhiều thế kỷ", một tình nguyện viên tên A.Bapat của Swadhar - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ bị thiệt thòi ở Pune - cho biết. Tại nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ, nhiều người cho rằng lấy chồng sớm là mối quan tâm lớn nhất của các cô gái trẻ. Họ cho rằng hôn nhân sẽ bảo đảm sự an toàn cả về tài chính lẫn danh dự cho bản thân. Nhiều bậc cha mẹ ở đây cũng thích gả con gái sớm - một trong những áp lực xã hội lớn nhất nếu họ có con gái.
Lấy chồng sớm cho "an toàn"
Bà N.Lodha, một người dân ở Pune cho biết bà lập gia đình trước khi dậy thì. Bà lớn lên trong cái nôi của xã hội phong kiến vốn cho rằng sự hiện diện của các cô gái chưa chồng là những quả "bom nổ chậm" trong xã hội. Bà cho biết: "Trinh tiết của cô gái là vô giá và gắn liền với danh dự của gia đình. Gả con gái sớm là cách để bảo vệ chúng khỏi bị hiếp dâm hay lâm vào tình trạng quan hệ trước hôn nhân. Các bậc cha mẹ cũng thích con gái thành hôn sớm trước khi danh dự gia đình bị xúc phạm". Bên cạnh các áp lực xã hội, vấn đề tài chính cũng là một lý do quan trọng dẫn đến nạn tảo hôn. "Gả con gái sớm đồng nghĩa với việc có thêm một thành viên kiếm ra tiền, giúp tăng thu nhập cho gia đình", bà Lodha bộc bạch.
Hồi tháng 12/2004, chính phủ đất nước Nam Á này đã đưa ra dự luật hôn nhân bổ sung, quy định những ai vi phạm luật cấm tảo hôn sẽ bị phạt 2 năm tù giam thay vì 3 tháng như hiện nay. Các chính trị gia cho biết dự luật có thể sẽ được thông qua trong năm này. Trong khi đó, các nhà xã hội học nhấn mạnh rằng biện pháp giúp các thiếu nữ thoát khỏi những tục lệ cổ hủ là các em cần có nhiều cơ hội tiếp cận với những nền giáo dục tốt hơn...
Châu Yên
(Csmonitor)
Bình luận (0)