Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 10: Đêm tàn bến Ngự với 'siêu fan'

05/06/2015 05:00 GMT+7

NSND Ngọc Giàu là dân gốc Huế nên bà thích nhất bài Đêm tàn bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ) và hát bài này để dành tặng người cha mình hết lòng yêu kính.

NSND Ngọc Giàu là dân gốc Huế nên bà thích nhất bài Đêm tàn bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ) và hát bài này để dành tặng người cha mình hết lòng yêu kính.

Hoàng KimNSND Ngọc Giàu và ca sĩ Quang Thành - Ảnh: H.K
Ngọc Giàu sinh ra ở Sài Gòn, nói giọng Sài Gòn rặt, nên ít ai ngờ bà lại là con của một gia đình người Huế vào nam sinh sống. Ngọc Giàu ra ngoài thì nói giọng Sài Gòn nhưng về nhà thì toàn nghe giọng Huế của cha mẹ, vì vậy bà vẫn mê giọng Huế.
Bà nói: “Từ nhỏ tôi đã mê bài Đêm tàn bến Ngự của Dương Thiệu Tước. Tôi hay hát một mình, thỉnh thoảng hát cho ông già nghe chơi. Lớn lên, tôi lại mê giọng hò mái đẩy và lại tập hò cho cha nghe. Rồi ca luôn bài vọng cổ mà soạn giả Viễn Châu viết lời. Mà ba tôi “thần tượng” tôi lắm nghen, tôi hát là ông mê mẩn, khen “Con hát hay quá!”. Tôi trêu ông: “Con hát cha vỗ tay, kỳ quá đi ba ơi!”. Ông cười: “Con hát hay thiệt mà!”. Nhưng khi tôi 60 tuổi, ông nghe tôi hát rồi lắc đầu: “Con hát dở quá!”. Tôi nói: “Ủa, hát thì phải có lúc hay lúc dở chớ ba!”. Ông không chịu: “Hát phải hay, mới không phụ lòng khán giả chứ!”. Vậy đó, ba tôi chính là “siêu fan” của tôi”.
Khi già không thể đi xem những vở của Ngọc Giàu đóng được nữa thì ông ngồi nhà xem ti vi để thấy con mình lên sân khấu. Nhiều lần tôi tới nhà phỏng vấn Ngọc Giàu, thấy hai cha con bà nói chuyện vô cùng ngọt ngào âu yếm. Có khi ông cụ ngồi im trên giường nghe chúng tôi trò chuyện, nhưng đôi mắt cứ nhìn con, mỉm cười. Ông sống gần 100 tuổi mới mất, để lại nỗi nhớ thương vô hạn cho NSND Ngọc Giàu.
Nhưng bà còn niềm an ủi là giọng Huế thừa hưởng từ cha không mất đi, cứ cất giọng lên là ru hồn người. Bà đi show vẫn hát bài tân cổ Đêm tàn bến Ngự, trong đó có một bài hò mái đẩy rất hay trước khi vô câu vọng cổ. Nghệ sĩ khác hát bài này thường chỉ à ơi bình thường, nhưng với bà thì phải thực sự hò mái đẩy mới “đã”. Và bà bất ngờ sung sướng khi một hôm phát hiện ra bài hò này không phải từ dân gian như bà lầm tưởng bấy lâu mà do một nhà thơ sáng tác để tặng cha của cô ấy. Ngọc Giàu gọi là “cô” vì nhà thơ đó xuýt xoát tuổi bà, được GS Trần Văn Khê giới thiệu trong một buổi ngâm thơ, và chính ông đệm đàn cho nhà thơ ngâm bài này với chất giọng khiến Ngọc Giàu xúc động đến nghẹn ngào. Tiếc thay, thời gian trôi qua lâu quá, có đến mười mấy năm, bà đã quên tên nhà thơ và điều này khiến bà rất buồn.
Trên internet hiện nay có đủ hai bản thu âm Ngọc Giàu hát bài Đêm tàn bến Ngự. Một bản thu hồi bà còn trẻ, giọng trong hơn, cao độ hơn, chỉ ca một mình, nhưng phần vọng cổ thì vẫn ca theo giọng Sài Gòn. Còn bản thu thứ hai đang được ái mộ nhiều hơn. Bản này Ngọc Giàu hát chung với ca sĩ Quang Thành cách đây mấy năm, giọng trầm hơn và ca rặt giọng Huế, kể cả phần vọng cổ. Ngay cả Quang Thành cũng ca vọng cổ giọng Huế luôn! Ai cũng biết Quang Thành vốn dân tân nhạc, vì mê cải lương mà từ Mỹ xuôi ngược về VN biểu diễn.
Ngọc Giàu nói: “Tôi và Quang Thành làm chung album Đèn khuya, trong đó có bài Đêm tàn bến Ngự. Album chừng 7 - 8 bản mà thu mấy lần mới xong. Chẳng có gì mà vội, cứ mỗi lần tôi qua Mỹ thì hai chị em thu 1 - 2 bài, chừng nào thật vừa ý mới ra mắt. Bài Đêm tàn bến Ngự tôi tập nhịp cho Quang Thành muốn gãy tay luôn. Thì vậy, dân tân nhạc mà ca được cỡ đó là giỏi lắm rồi. Và tôi thích giọng Quang Thành vì nghe hơi hướng như Thanh Sang”. Quả thật, giọng Quang Thành trầm ấm, có hồn, không màu mè. Cái tông trầm ấy rất hợp với giọng trầm của Ngọc Giàu, làm nên một album hút hồn người nghe.
Hóa ra, vọng cổ là một thể loại đặc biệt, có thể dung nạp cả giọng Huế một cách dễ chịu và dễ thương. Soạn giả Viễn Châu chắc không ngờ bài bản ông viết như vậy mà khi thể hiện khác đi lại quyến rũ kỳ lạ…
“Dưới bến Kim Long con đò khuya đã tắt rồi ánh lửa. Sao cô lái vẫn ngồi trông lá úa rụng chân… cầu. Biết gửi về mô mấy khúc nhạc thương sầu. Đây không phải bến Tầm Dương tiễn khách, sao tiếng tỳ bà còn vọng bến Hương Giang. Cho trăng miền giang Bắc nhớ giang Nam, cho thành quách chơ vơ như cổ lũy điêu tàn. Kể từ ngày anh giã biệt đất thần kinh, sao đến bây chừ không về thăm xứ Huế.
À... ơ... Chứ cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Thương nhau rồi thì xin kíp về mau.
Hò ơi... chứ kẻo mai tê bóng xế qua cầu, bạn còn thương bạn, chứ biết gửi sầu về nơi mô... à ơ...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.