Kỳ 1: Ký ức nơi miền tuyết trắng
Matxcơva dưới cái rét -20oC. Janine đón tôi ở bến ga điện ngầm. Trên tay cô là bó hoa hơi úa vì gió tuyết. Cô ôm chầm lấy tôi rồi nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chào anh, người đồng hương Việt Nam của tôi!”. Janine đưa tôi về nhà, một căn hộ nhỏ nằm ở ven ô, nơi ấy chỉ có mình cô và những kỷ vật của cha...
“Tôi là con của Việt Minh”
Janine pha ấm chè đen loại ngon mời khách theo đúng phong tục Nga nhưng miệng thì líu lo tiếng Việt: “Tôi nhớ Việt Nam lắm, nhớ mùi sầu riêng ở Bến Tre”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị mỉm cười: “Anh quên tôi là dân Nam bộ hả? Tôi là con của Việt Minh mà...”.
“Tôi sinh năm 1949 tại Bến Tre, mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mai, một phụ nữ Việt lai Pháp. Tôi còn nhớ Bến Tre quê tôi với những hàng dừa dài và đẹp, mẹ tôi thường lấy gáo dừa múc nước gội đầu. Tóc mẹ đen và dài lắm... Tôi còn nhớ những tiếng súng đùng đoàng giữa đêm giao chiến. Hay những khi trong làng có đám ma, tôi và bọn trẻ cùng lứa kéo nhau ra xem... Còn ba tôi là chiến sĩ Việt Minh, là bộ đội trong tiểu đoàn 307” - Janine nhớ lại tuổi thơ của mình ở Bến Tre.
Tuổi thơ của Janine cũng chịu nhiều đau thương và chia cắt như tất cả những đứa trẻ người Việt sinh ra trong chiến tranh lúc đó. Khi Janine được khoảng hai tuổi thì bố bị địch phát hiện, buộc ông phải chuyển về Trà Vinh hoạt động bí mật. Thời cuộc loạn lạc, bố lại là một ông Tây theo Việt Minh rày đây mai đó nên mẹ cô nối duyên với một thương lái người Hoa. Janine nhớ lại những ngày chia ly đó: “Dù bố dượng rất tốt với tôi nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến bố. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ bên kia sông là tôi lại lo cho bố!”.
Mãi đến khi hiệp ước đình chiến năm 1954 được ký kết Janine mới được gặp lại cha. Cô nhớ lại: “Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng cuối năm trời mát dịu. Ngoại và mẹ chở tôi trên chiếc xuồng ba lá ra vùng giải phóng để gặp bố. Mẹ và bố chẳng nói chuyện với nhau nhiều, chỉ thấy bố tôi rất buồn... Trước lúc hai người chia tay, ngoại bế tôi trao cho bố rồi nói: Con ẵm theo nó cho đỡ buồn! Từ đấy tôi sống với bố và các chú, các bác trong tiểu đoàn 307”.
Trong những dòng nhật ký của đời mình, Janine viết: “Tôi có hai tên: Nguyễn Hồng Minh do má Mai và bà ngoại đặt để ghi vào giấy tờ hồi tôi mới sinh ở Bến Tre. Và ở quê cha, trong giấy tờ chính thức tên tôi là Strjinskaya Anhie Platon. Nhưng từ bé đến bây giờ, người thân và bạn bè vẫn thường gọi tôi là Janine. Janine cũng là cái tên của các bác, các chú ở tiểu đoàn 307 quen gọi. Bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại các chú vẫn gọi tôi là Janine. Với tôi, cái tên Janine gợi nhớ nhiều kỷ niệm về quê mẹ ở Việt Nam, nó làm tôi ý thức rằng tôi là một đứa con của Việt Minh”.
Ở với bố và các đồng đội của bố tại vùng giải phóng một thời gian, đến tháng 4-1955 Janine cùng bố ra Hà Nội, sống một thời gian ở một cơ sở của Trung ương Đảng bên bờ hồ Tây. Trong dịp này cô được gặp Bác Hồ. Cô nhớ lại: “Tôi và bố được ăn tối cùng Bác. Bác rất ngạc nhiên về cuộc đời bố tôi, về một đứa con lai nói đặc sệt giọng Nam bộ như tôi”.
|
Những kỷ vật vô giá
Không lâu sau đó, khi Janine vừa tròn 5 tuổi thì cô cùng bố trở về Liên Xô. Dù ở nước Nga xa xôi nhưng trong lòng cô luôn mơ được một lần trở lại Việt Nam, được về xứ dừa quê mẹ. Nhưng giấc mơ đó đối với cô mãi đến 33 năm sau mới thực hiện được. Đó là năm 1988, Janine một mình quyết định trở lại Việt Nam tìm mẹ, tìm ngoại. Nhưng lần trở về đó cô đã không gặp cả hai, mẹ và ngoại đã ra đi...
Trong khoảnh khắc đau đớn đó cô đã viết: “Không hiểu sao đối với tôi mọi cuộc hành trình đều không có tính cách ra đi mà chỉ là trở về. Cách đây gần 33 năm (tính đến năm 1988, lúc Janine trở lại VN), khi tôi 5 tuổi - tôi rời khỏi Việt Nam, không phải ra đi mà cùng ba tôi trở về nước Nga. Và bây giờ, sau gần 33 năm từ Matxcơva không phải để đến mà trở về quê ngoại Bến Tre. Nhưng tiếc thay ngoại và mẹ không còn... Lòng tôi đau vô bờ bến!”.
Im lặng một hồi lâu, Janine lôi tấm ảnh của bố ra rồi nói: “Bố tôi mất ngày 26-3-2003, trước sinh nhật ông hai ngày. Trước lúc lâm bệnh nặng, ông đem hết những dòng hồi ký, những lá thư của đồng đội cũ, những bức ảnh hồi còn chiến đấu, những kỷ vật của tiểu đoàn 307 trao hết cho tôi. Trước lúc nhắm mắt ông còn dặn tôi: “Đừng bao giờ quên con là đứa con của Việt Minh. Hãy giữ lấy những kỷ vật này như là máu thịt của bố”.
Lúc này tôi mới giật mình nhận ra trong căn phòng nhỏ của Janine toàn là những kỷ vật gắn liền với Việt Nam. Ở một góc tường là hình bố cô, ông Platon Alexandrovich trong bộ đồ bộ đội bên một khẩu súng cối 60mm. Kế bên là bức tranh sơn mài tả cảnh sinh hoạt của người dân Nam bộ từ thế kỷ trước.
Treo trang trọng ngay giữa phòng là chiếc cặp lồng màu xanh của lính có khắc những dòng chữ nguệch ngoạc: “Chúng tôi: Hùng, Hoàng, Xinh, Hiếu... tặng bạn làm kỷ niệm khi về nước”. Janine nói lúc còn sống, ông gói ghém chiếc cặp lồng này một cách cẩn thận rồi khóa kín trong tủ. Chỉ những khi nhớ đồng đội hay kỷ niệm ngày thành lập tiểu đoàn 307 ông mới lôi nó ra lau chùi, ngắm nghía... Bây giờ, vì nhớ bố, nhớ Việt Nam nên cô treo nó ở nơi dễ thấy nhất cho vơi nỗi buồn!
Lôi những xấp album đã ngả màu thời gian, Janine lật từng trang rồi giới thiệu với tôi: “Đây là nhà của mẹ Mai và bố Thành lúc ở Bến Tre, đây là hình tôi bên lu nước lúc mới 2 tuổi. Còn đây là hình bố tôi cùng đồng đội trong tiểu đoàn 307...”. Cứ thế Janine say sưa lôi hết tập album này đến những kỷ vật khác ra khoe... Cuộc đời phiêu bạt qua những cuộc chiến của Platon Alexandrovich dần hiện về qua lời kể của người con.
Theo Thế Anh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)