Những bóng hồng trong thơ nhạc: Đôi mắt người Sơn Tây

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
08/04/2021 06:16 GMT+7

Bài thơ vang danh của nhà thơ mặc áo lính được một nhạc sĩ nổi tiếng chắp cánh bay xa. Lạ lùng hơn nữa là bài thơ được viết cho một “đôi mắt” đẹp và đầy bí ẩn... .

Đó là vào thời điểm cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp vào giai đoạn ác liệt. Đáp lời tiêu thổ kháng chiến, nhiều người dân Hà Nội rời thành phố đi tản cư. Ở khoảng giữa Hà Nội và vùng an toàn có một nơi được coi như “trái đệm” mang tên Chợ Đại - Cống Thần (thuộc Hà Đông). Người dân Hà Nội tản cư về đây rất đông và sinh hoạt rất nhộn nhịp. Chợ Đại buôn bán không thiếu món gì, cũng y hệt ở Hà Nội với những quán phở, quán cà phê..., là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ kháng chiến, bộ đội đi xuôi về ngược. Chính ở đây đã tạo cảm xúc cho các nhạc sĩ tiền chiến sáng tác những bài hát nổi tiếng như Cô hàng nước (Vũ Minh), Cô hàng cà phê (Canh Thân)... Và cũng chính ở đây, chàng đại đội trưởng Bộ đội Tây Tiến sáng tác bài thơ nổi tiếng Đôi mắt người Sơn Tây về một giai nhân mà chàng rất nặng tình...
Ở Chợ Đại - Cống Thần, nàng và mẹ già dựng lên một quán nhỏ bán cà phê. Sắc đẹp của nàng cuốn hút rất nhiều khách đến quán. Họ gọi nàng là Akimi - một cái tên nghe rất Nhật, có người nói vì nàng tên là Nhật nên người ta gọi theo kiểu “bí danh”; lại có người nói nàng lai Nhật, có khuôn mặt giống gái Phù Tang... Thật ra, nàng là người Việt thuần chủng và rất đẹp - nhất là đôi mắt. Quê nàng ở Sơn Tây nhưng vì chiến cuộc phải dạt về Hà Nội và từng làm vũ nữ ở các nhà hàng. Hà Nội lúc đó tràn đầy lính Nhật sau khi đảo chính Pháp, các sĩ quan Nhật thường đến nhà hàng khiêu vũ, chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng và họ gọi nàng là Akimi... Khi tản cư về Chợ Đại, dù chỉ bán cà phê trong quán tranh vách nứa nhưng không vì thế mà quanh nàng bớt đi những “cây si”, trong đó có Quang Dũng. Ông đã vì nàng mà sáng tác bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây: “Em ở thành Sơn chạy giặc về/Tôi từ chinh chiến cũng ra đi/Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì...”. Chàng ca tụng sắc đẹp và đôi mắt của nàng: “Vầng trán em vương trời quê hương/Mắt em dìu dịu buồn Tây phương...”.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy, vốn là bạn học của nhà thơ Quang Dũng, có nhắc đến Quang Dũng và Akimi. Ông kể lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng Trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hòa Bình, vừa được nghỉ phép về thăm gia đình ở Phùng (Sơn Tây), ông tạt qua gần Chợ Đại thăm Akimi. Lần khác, trước khi cùng đạp xe về Chợ Neo (Thanh Hóa), hai ông cũng ghé quán cà phê thăm nàng. Quang Dũng đào lỗ dưới đất làm khuôn rồi cắt miếng nhôm ở vè xe đạp ấn xuống, gò thành một cái cùi-dìa (cái thìa) cho mẹ Akimi. Trên đường về Chợ Neo, Quang Dũng kể cho Phạm Duy nghe có lần sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán lên vách nứa: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên/Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”…
Thực ra, đó chỉ là tình cảm đơn phương của anh lính lãng mạn. Còn Akimi, chắc tình cảm dành cho chàng cũng chưa sâu đậm lắm. Anh vì nhiệm vụ cầm súng chiến đấu, không thể neo mình ở Chợ Đại để theo đuổi nàng, còn nàng vẫn hằng ngày vui cười với kẻ đến người đi. Cho nên Quang Dũng mới cảm khái: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa/Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa/Đã hết sắc màu chinh chiến cũ/Em có bao giờ em nhớ ta?”.
Chưa hết “sắc màu chinh chiến” thì Akimi đã rời vùng kháng chiến để “dinh tê” (phiên âm từ tiếng Pháp “rentrer”: quay trở về) - ngày xưa người ta thường dùng từ “dinh tê” để chỉ những người rời vùng kháng chiến về thành, tức vùng kiểm soát của Pháp. Quang Dũng buồn vì giờ đây hai đàng đã cách ngăn nên trong một bài thơ khác, ông ngậm ngùi: “Thương nhớ ơ hờ... thương nhớ ai/Sông xa từng lớp lớp mưa dài/Mắt kia em có sầu cô quạnh/Khi chớm thu về một sớm mai... Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự/Bên này em có nhớ bên kia?/Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến/Hiu hắt chiều sông lạnh đất Tề...” (Đôi bờ).

Bìa minh họa đĩa CD Đôi mắt người Sơn Tây

Ảnh: TL

Và ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây

Hơn 20 năm sau (1970), khi Quang Dũng còn ở miền Bắc thì ở miền Nam, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc Đôi mắt người Sơn Tây. Lý thú là Quang Dũng người Sơn Tây, quê ngoại của Phạm Đình Chương ở Sơn Tây và cô Akimi cũng có gốc gác từ Sơn Tây.
Phạm Đình Chương nổi tiếng là một trong những người phổ nhạc hay nhất, chẳng hạn các ca khúc Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Buồn đêm mưa (thơ Huy Cận), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền)... Khi đọc thơ Quang Dũng, có lẽ cảm được tình ý sâu xa của tác giả nên ông đã lấy cả hai bài Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây phổ vào một ca khúc. Nhiều người biết đây là sáng tác do Phạm Đình Chương phổ nhạc dựa trên thơ của Quang Dũng nhưng không mấy người biết chi tiết “2 trong 1” này.
Thơ hay lại được đặt trong khuôn nhạc tuyệt diệu đã trở thành tuyệt tác. Không chỉ thế, Phạm Đình Chương còn soạn thêm lời như một khổ thơ tuyệt đẹp: “Em hãy cùng ta mơ/Mơ một ngày đất mẹ/Ngày bóng dáng quê hương/Đường hoa khô ráo lệ...”. Điểm nhấn còn là đoạn ngâm 4 câu thơ: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa, ngày ấy thanh bình chắc nở hoa. Đã hết sắc màu chinh chiến cũ, còn có bao giờ em nhớ ta…”, rồi đến câu kết thúc: “Em có bao giờ, em... nhớ... ta...?” được đẩy lên cao chất ngất như một dấu chấm hỏi lơ lửng giữa trời xanh...
Nói thêm về Akimi, năm 1954, nàng di cư vào Nam, trở thành vũ nữ nổi tiếng của nhà hàng Tự Do (Sài Gòn). Sau năm 1975, Akimi ra nước ngoài, hiện nay không biết còn sống hay đã nương hồn theo 2 nghệ sĩ tài hoa Quang Dũng và Phạm Đình Chương?
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.