Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 11: Từ 'Dư âm' đến 'Một khúc tâm tình'

15/09/2014 09:00 GMT+7

Những ngày này, sức khỏe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (91 tuổi) rất yếu khi phải chống chọi với nhiều căn bệnh tuổi già tại tư gia số 94/19 Trần Khắc Chân (Q.1, TP.HCM). Qua bài viết này, Thanh Niên cầu chúc nhạc sĩ an mạnh, trường thọ...

>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 10: Chiều nay sương khói lên khơi...
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 9: “Đôi ta làm bạn thong dong...”
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 8: Mưa bay trên tầng tháp cổ

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Bạch Lê năm 1952 - Ảnh: H.Đ.N chụp lại
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Bạch Lê năm 1952 - Ảnh: H.Đ.N chụp lại

Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý (1924) ở Trường Thi, TP.Vinh (Nghệ An), quê gốc vùng đất Tổ (Vĩnh Phú). Tuổi thơ của ông trải trên những ngọn đồi đầy sim văng vẳng những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Cậu bé Tý hồi ấy có cha là một nghệ nhân chơi được nhiều thứ đàn dân tộc và giỏi hát chèo, chầu văn, ả đào... cho nên âm nhạc như sẵn trong máu. Sau đó cậu còn được ông Đội Sùng thổi kèn cho lính khố xanh dạy nhạc lý, được cha cố người Tây Ban Nha Bresson dạy về hòa thanh, hát bè. Khi làm ca sĩ ở phòng trà Moongate (TP.Vinh) lại được nhạc sĩ Mạnh Hinh người Thượng Hải (Trung Quốc) dạy đánh đàn Hạ Uy Di theo  phong cách Mỹ. Lúc tham gia kháng chiến chống Pháp lại được các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên dìu dắt...

“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn...”

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể: “Thực ra Dư âm không phải là tác phẩm đầu tay của tôi nhưng là tác phẩm tạo nên tên tuổi Nguyễn Văn Tý. Khoảng năm 1949 - 1950, tôi là Trưởng đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Tôi có người đồng đội là con nhà gia thế ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An). Nhà này có hai cô con gái, cô chị (tôi quên mất tên) khoảng 20 tuổi, còn cô em tên Hằng mới 16 tuổi. Lúc đó tôi 26 tuổi. Gia đình bạn muốn cáp đôi cô chị cho tôi và ai cũng nghĩ chúng tôi là một cặp đẹp. Một hôm tôi đang say sưa nói chuyện với cô chị thì Hằng len lén đến sau lưng chị, tì cằm vào thành ghế chị ngồi, nghiêng đầu đau đáu nhìn tôi bằng đôi mắt đen láy. Một đôi mắt hoàn toàn biết nói. Tôi đọc thấy trong đôi mắt đó đã gửi gắm tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất... Thấy tôi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và đứng dậy bỏ đi thẳng, Hằng sợ quá cũng lỉnh luôn. Sau đó tôi bị gia đình này “cấm vận” - không cho liên lạc với cô em. Nhưng... nhớ quá, tôi tới liều. Gia đình không cho tôi vào nhà mà cử anh bạn ra “tiếp” tôi ở một góc sân. Tôi ngồi uống nước ngắm trăng mãi mới thấy nàng tay xách cây đàn guitar ra ngồi bên thềm hoa, xoay lưng về phía tôi. Tóc nàng bay bay trong gió dưới ánh trăng thật đẹp. Rồi nàng cất tiếng hát nhưng vì ngồi xa nên tôi không nghe rõ nàng hát những gì. Trở về đơn vị, tôi quây tròn tấm cót nứa, đốt ngọn đèn dầu, ngồi ôm đàn lọt thỏm trong đó, viết: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ... Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió, đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn”, chỉ trong một đêm là viết xong bản nhạc.

NS Nguyễn Văn Tý cách đây 10 năm - Ảnh: H.Đ.N
NS Nguyễn Văn Tý cách đây 10 năm - Ảnh: H.Đ.N 

Cuối năm 1957, theo ý của anh Lưu Hữu Phước, tôi đi nghiên cứu dân ca và gặp lại Hằng trong một tình huống bất ngờ. Một chiều khi đến Vĩnh Yên, trời sắp mưa, tôi ghé vào doanh trại trên đồi trú mưa. Vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một phụ nữ trong trang phục quân đội từ xa đi tới. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa. Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Không hiểu động lực nào đã khiến tôi hành động như thế , trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng đừng để người ta hiểu lầm tôi vào đây để được gặp người mình yêu. Năm ấy Hằng đã 24 tuổi và đã có chồng con nên tôi thường tự an ủi: “Dù sao thì bây giờ cô ấy cũng đã có chồng có con rồi. Mình yêu làm sao được!”. Nói thế nhưng kỳ thực là đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ”.

“Thương con đò cắm cây sào đứng đợi...”

Ở bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh có những câu “Ai hôm nay ra khơi buông lưới, mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm cây sào đứng đợi...”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tiết lộ: “Con đò đó là một cô gái đã chờ đợi tôi suốt 20 năm mà tôi đi mãi không về, để bây giờ chỉ được mỗi một chữ “thương”, thật xót xa, tội nghiệp...”.

Gặng hỏi mãi ông mới nói thêm: “Dạo đó mới học đàn nên mỗi đêm tôi thường mang đàn guitar ra tập đánh. Có cô gái nhà bên tên là Báu thường lấy cớ sang chơi với em gái tôi, nhưng cặp mắt của cô ấy thì luôn gửi trao cho tôi những ánh nhìn ngưỡng mộ. Sau này mẹ cô ấy cấm cô không cho sang nhà tôi nữa. Ít lâu sau, cô ấy lấy chồng. Sau này, tôi có dịp tới thăm vợ chồng Báu ở Hà Tĩnh. Cô ấy có ý mai mối cho tôi một cô gái ở gần nhà làm nghề dệt vải. Vài lần đến nhà trò chuyện, nhưng chỉ một mình tôi nói, còn cô ấy chẳng nói lời nào, chỉ ngồi dệt vải, thỉnh thoảng quay sang tủm tỉm cười với đôi má ửng hồng. Nói riết rồi chẳng còn gì để nói, lại nghĩ chắc cô ấy không ưa mình nên mới im lặng như thế. Vậy là tôi trở ra Hà Nội, không một lời từ biệt, cũng không lần nào quay trở lại tìm cô nữa.

Gần 20 năm sau, trong một hội nghị, bỗng có một người đàn ông đến gặp tôi và hỏi  có phải nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không? Rồi người ấy trách móc: “Anh có một tội rất lớn. Đó là đã làm o (cô) của em chờ đợi hết thời con gái. Mười tám, mười chín năm trời ai hỏi cũng bảo có chồng rồi mà lại không nói người đó là ai”.

Người con gái ấy chính là cô gái dệt vải, nói gì cũng chỉ mỉm cười ngày nào.

Hà Đình Nguyên

>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 8: Từ “tiếng hát học trò” đến Giọng ca dĩ vãng
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 7: Em đến thăm anh một chiều mưa
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 6: Ảo ảnh cuộc tình
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 5: Nửa hồn thương đau
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 4: Lời người ra đi
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 3: Hoàng Cầm và chiếc lá huyền thoại
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 1: Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.