Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ sáng tác tình khúc hay nhất của âm nhạc Việt Nam. Khi ở vào ngưỡng tuổi… U.100, nhạc sĩ thừa nhận rằng mình là người “nghiện yêu”, mỗi tình khúc đều liên quan đến một cuộc tình.
Đọc hồi ký của ông (4 tập), mới vỡ ra nhiều điều trong tình trường của Phạm Duy. Điều thú vị là người đưa ra lời khuyên “Muốn biết Phạm Duy yêu như thế nào, những người phụ nữ đó là ai thì nên đọc Hồi ký Phạm Duy” lại chính là ca sĩ Tuấn Ngọc (con rể của nhạc sĩ Phạm Duy). Đó là vào tối 5.10.2011 trong buổi dạ tiệc mừng sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ, được tổ chức tại tư thất của ông bà Lê Thành n - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM để chào mừng nhạc sĩ James Durst từ Mỹ sang Việt Nam thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Đêm đó đứng trước mặt ông bố vợ chỉ cách hai bước chân, Tuấn Ngọc thủ thỉ, tâm sự, đôi khi hóm hỉnh - như khi nói về bài hát Tình kỹ nữ: “Tôi chưa có kinh nghiệm về cái thú “kỹ nữ” mà bây giờ người ta gọi là… “bia ôm”, nhưng hồi ấy, mới 25 tuổi mà Phạm Duy đã viết ra những câu như thế này “Ta ôm người đẹp trong tay, bên nhau mà lòng xa vắng. Ta nâng niu làn dư âm của khách năm xưa yêu nàng…” thì đó không phải là cái hời hợt của đám thanh niên “ăn bánh, trả tiền” nữa rồi, mà là vượt thoát ra khỏi cái tầm thường. Con nói thế đúng không bố?”. Phạm Duy chỉ cười rung mái đầu bạc trắng với những lọn tóc xoăn…
|
Lưới tình chật hẹp
Phạm Duy bước chân vào lĩnh vực ca nhạc khi ở lứa tuổi thanh niên, anh là ca sĩ chuyên hát nhạc của Văn Cao trong gánh hát Đức Huy - Charlot Miều đi lưu diễn từ Bắc chí Nam. Năm 1944, gánh hát dừng chân ở Phan Thiết, qua bài hát Buồn tàn thu của Văn Cao, chàng ca sĩ trẻ đã làm quen được với một góa phụ trẻ mang hai dòng máu Việt - Anh. Nàng tên là Hélène, sống ở đồn điền Suối Kiết (cách tỉnh lỵ không xa) với mẹ già và hai người con: Alice (gái) và Roger (trai). Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ đã có một cuộc tình mà theo Phạm Duy là “rất nhẹ nhàng và trong sạch”. Và rồi “người đẹp Tây lai” này cũng mau chóng biến mất trong ký ức của chàng nghệ sĩ du lãng…
Hơn mười năm sau, họ bất ngờ gặp lại nhau giữa Sài Gòn. Lúc này, đôi bên ai cũng đã có gia đình riêng. Hélène mời Phạm Duy về chơi nhà mình trên đường Trần Hưng Đạo. Phạm Duy ngỡ ngàng khi nhìn thấy Alice. Cô bé bây giờ đã là một thiếu nữ tuổi tròn trăng, giống mẹ như đúc, cặp mắt và khuôn mặt phảng phất những nét “Việt - Anh - Hoa” (cha của Alice vốn là người Hoa). Thế rồi suốt trong một năm, cứ đến cuối tuần, Phạm Duy lái xe hơi đến đón Alice đi chơi. “Chú Phạm Duy” trở thành người tri kỷ để Alice trút bầu tâm sự, những “hỉ nộ ái ố” của một cô gái mới qua tuổi dậy thì.
|
Đặc biệt, Alice thừa hưởng của mẹ năng khiếu thi ca và âm nhạc nhưng có phần vượt trội hơn. Nàng rất thích hát những bản Tình ca, Tình hoài hương, Tình kỹ nữ, Bên cầu biên giới… của Phạm Duy, khiến cho “…Cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới. Một chiều mùa thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ”.
Mối tình cao thượng
Phạm Duy kể tiếp: “Lúc đó tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Đã gần mười năm vì quá mê mải soạn nhạc tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh, dù biết không giữ được nó suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương tình ca (1956). Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ… Trong hơn 10 năm (1956-1968), nhạc tình của tôi là đều là những bài viết cho nàng (Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Cỏ hồng, Nha Trang ngày về…). Là một người rất yêu thơ, trước khi xa nhau, nàng đã viết tới 300 bài thơ để tặng tôi. Chúng tôi gặp nhau thường là để nói chuyện về thơ hay nhạc. Cũng vì nàng yêu thơ nên nếu có những bài thơ hay thì tôi phổ nhạc (Ngậm ngùi, Vần thơ sầu rụng, Hoa rụng ven sông, Kiếp nào có yêu nhau...) hoặc phát triển từ dân ca (Tóc mai sợi ngắn sợi dài, Nụ tầm xuân, Bài ca sao, Đố ai...). Cũng có khi tôi phóng tác thơ nàng thành ca khúc, trong đó có “Tôi đang mơ giấc mộng dài/Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…” - Tạ Tỵ, người viết chuyện đời tôi, cho rằng đó là bài tình ca hoan lạc nhất của đời tôi…” (trích hồi ký).
Với người viết, ca khúc Nghìn trùng xa cách là một trong những tình khúc hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát này nhạc sĩ làm sau khi Alice từ tạ ông để đi lấy chồng sau Tết Mậu Thân (1968). Trong bài hát còn nhắc tới những kỷ vật mà nàng đã tặng ông: “Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt màu, có lũ kỷ niệm trước sau: Vài cánh xương hoa, nằm ép trong thư, rồi cũng tan như bụi mờ. Vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mù…”. Người viết đã có được may mắn, chứng kiến những kỷ vật của Alice trong Nghìn trùng xa cách. Đó là những xác lá khô được ép trong tập thơ tình, là lọn tóc màu nâu “rất Tây” mà nàng đã cắt tặng nhạc sĩ trong một ngày sinh nhật của ông... Hơn 40 năm sau, những kỷ vật này không hề “tan như bụi mờ” hoặc bị “thả gió bay đi mịt mù” mà nằm trang trọng trong một hộp kính, đủ biết Phạm Duy đã nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm với Alice như thế nào…
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)