Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 6: Ảo ảnh cuộc tình

21/02/2012 03:17 GMT+7

Sinh thời, nhạc sĩ Y Vân được nhiều người đánh giá là rất đứng đắn trong chuyện tình cảm. Nhưng nếu cứ thế thì “chất liệu” đâu để làm nên những tình khúc: Ngăn cách, Xa vắng, Thôi, Ảo ảnh... từng làm say đắm lòng người?

>> Kỳ 5: Nửa hồn thương đau

Sinh thời, nhạc sĩ Y Vân được nhiều người đánh giá là rất đứng đắn trong chuyện tình cảm. Nhưng nếu cứ thế thì “chất liệu” đâu để làm nên những tình khúc: Ngăn cách, Xa vắng, Thôi, Ảo ảnh... từng làm say đắm lòng người?

Hà Nội đêm Noel năm 1953, chàng thanh niên Trần Tấn Hậu (sinh năm 1933 tại Hà Nội, quê gốc Thanh Hóa) đi lang thang cùng với người bạn tên Nhân. Qua cửa Nhà thờ Lớn, phất phơ phía trước họ là hai tà áo dài tím, vàng. Hai chàng bèn đi theo. Tình cờ cô gái áo vàng quay lại, trái tim của Hậu như ngừng đập: một nhan sắc mê hồn. Kể từ giây phút ấy, đôi mắt của Hậu luôn dõi theo nét duyên dáng của cô gái áo vàng. Nhưng rồi nàng đã mất hút trong đám đông...

Dạo ấy, Trần Tấn Hậu đang dạy nhạc ở Trường Dũng Lạc (anh là học trò của Giáo sư Tạ Phước) và cũng đang tập tành sáng tác. Mỗi lần đi dạy, từ ngõ chợ Khâm Thiên anh chọn con đường Tràng Thi để đi bộ đến trường. Một hôm, anh ghé vào hiệu sách, chưa kịp mua thì thấy cô áo vàng lần nọ bước vào tiệm đàn bên cạnh. Thế là chàng bỏ luôn hiệu sách, tót qua tiệm đàn giả vờ hỏi mua sách nhạc, lân la đến bên nàng rồi làm quen bằng cách nhiệt tình hướng dẫn đồng thời chọn mua cho nàng cây đàn tốt nhất. Sau đó, người bạn tên Kỳ tìm gặp rồi dẫn anh đến nhà người bà con giàu có, đầy thế lực, để anh dạy đàn cho con gái nhà này (cũng là em họ của Kỳ): vẫn là... nàng!

 
Bìa bản nhạc Ảo ảnh do NXB Trẻ tái bản sau 1975 - Ảnh: tư liệu

 
Chân dung nhạc sĩ Y Vân do con trai trưởng của ông vẽ - Ảnh: tư liệu

Nàng tên là Tường Vân. Và từ đó tình yêu của họ mỗi ngày thêm khắng khít. Đến lúc này thì Tường Vân mới tiết lộ cho người yêu biết là cha mẹ đã hứa hôn nàng với một nơi rất “môn đăng hộ đối”, bất chấp sự phản đối của nàng. Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm “đáng ngại” thì tìm cách ngăn cản, thậm chí còn tạo ra nhiều tình huống để vì lòng tự trọng, chàng nhạc sĩ phải chùn bước.

Mồ côi cha, Trần Tấn Hậu phải dắt díu mẹ và hai em (một gái, một trai - sau này là nhạc sĩ Y Vũ) nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Là con trưởng nên gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Hậu. Anh đi dạy đàn để nuôi mẹ và các em (sự thảo hiếu của anh, có lẽ người Việt Nam nào cũng biết được qua bản nhạc bất hủ Lòng mẹ). Trước khi đoạn tuyệt với mối tình thật đẹp nhưng ngắn ngủi này, trong nhớ thương đau khổ anh đã sáng tác ca khúc Tình ta nở giữa mùa đông tặng người yêu. Bản nhạc được ký tên “Y Vân” và chàng giải thích “Y Vân có nghĩa là... yêu Vân”.

Ảo ảnh

Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương...). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.

Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào... lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.

Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.

Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó: “...Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu. Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo, đã thay màu ân ái từ lâu. Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt, khiến bao chiều trên bến tịch liêu. Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.