|
Mỗi bức ảnh, một câu chuyện
Triển lãm ảnh (từ ngày 15.4) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và giới nghiên cứu. Tác giả 176 bức ảnh xuất sắc được trưng bày là 15 nông dân Ê đê chân đất ở buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ và buôn Ea Sar, H.Ea Kar (Đắk Lắk), lần đầu cầm máy ảnh và chụp “thoải mái” những gì mình bắt gặp trong cuộc sống lao động, sinh hoạt ở buôn làng thân thiết của mình. Người xem ảnh thích thú với những khoảnh khắc chân thật về bếp lửa nấu cơm chiều, những phụ nữ địu con giã gạo, nụ cười trẻ thơ bên nhà sàn, những ché rượu cần cạnh những con gà rớm máu trong một lễ cúng, cả nỗi buồn mất người thân của một góa phụ trong lễ bỏ mả, đến cảnh lam lũ trên nương rẫy của những nông dân, cảnh đám cưới hiện đại ở buôn làng… Mỗi bức ảnh đều chứa đựng câu chuyện muốn nói, hoặc mang một ý nghĩa sâu xa nào đó. Anh Y Tân Niê, ở buôn Trinh, chỉ tay vào tấm ảnh hai vợ chồng già người Êđê đang rảo bước trên đường về buôn, vợ đi trước, chồng theo sau, giải thích: “Bức ảnh tôi tình cờ chụp khi ông Y Khanh và bà Amí Pluih đi rẫy về. Bà thì chồng chết rồi, có con nhưng con không nuôi vì đi ở chỗ khác. Ông thì vợ chết, không có con. Hai người cặp với nhau thành vợ chồng để nương tựa vào nhau, ngày nào cũng cùng nhau đi rẫy. Người Êđê theo mẫu hệ, trong gia đình phụ nữ có quyền nhiều hơn, ngay cả trong đi đứng, người chồng cũng nhường vợ đi trước”.
|
Nhận diện những biến đổi
Những bức ảnh tự chụp và câu chuyện tự kể trong triển lãm trên là kết quả ban đầu của chương trình nghiên cứu mang tên “Văn hóa của mình: Truyền thống và biến đổi” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Bảo tàng Đắk Lắk và cộng đồng người Êđê phối hợp thực hiện theo phương pháp photovoice - kể chuyện bằng hình ảnh. Hai buôn được chọn thực hiện photovoice gồm một buôn có từ lâu đời (buôn Trinh) và một buôn mới lập (buôn Ea Sar). Dù ở buôn cổ hay buôn mới, những tác phẩm tự nhiên, không chút sắp đặt của những tay máy nghiệp dư đều ghi nhận những đổi thay hiện hữu mọi nơi trong đời sống của người Ê đê, từ nghi lễ, phong tục đến sinh kế, sinh hoạt hằng ngày… Nhìn lại những bức ảnh, người trong cuộc mới thấy những biến đổi ngay từ những chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, những nghệ nhân cồng chiêng của buôn làng mặc quần jean, chân giày da đen bóng; rượu cần không còn đựng trong trái bầu khô mà chứa trong chai nhựa Pepsi; trang phục cưới của thiếu nữ Ê đê giờ đây một màu trắng tinh khiết như trong tiệm áo cưới ở đô thị…
|
Theo TS Phạm Quỳnh Phương, chuyên gia nghiên cứu iSEE, những biến đổi văn hóa nói trên là quá trình tất yếu dưới những tác động về kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa… Như ở buôn Ea Sa (mới lập năm 2004), vì phải lo sinh kế mà văn hóa truyền thống ở đây hết sức phai nhạt; có người trong buôn cho biết cả chục năm nay chưa thấy một nghi lễ của người Ê đê được thực hiện. TS Phương nhận định: “Vấn đề đặt ra là từ việc nhận diện những biến đổi đó, những cơ quan nghiên cứu, quản lý, những người có trách nhiệm phải cùng cộng đồng người Ê đê tìm cách vun đắp, phục hồi gốc rễ truyền thống, giúp văn hóa Ê đê tăng sức đề kháng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tất nhiên, khó có thể phục hồi nguyên trạng truyền thống, nhưng có thể bảo tồn văn hóa trong chỉnh thể, bằng việc lưu giữ cái hồn của cuộc sống cộng đồng”...
Ngọc Quyền
>> Thiếu giáo viên dạy tiếng Ê-đê
>> Nỗi thống khổ của hai vợ chồng người Ê đê
>> Trao tiền bạn đọc giúp hai vợ chồng người Ê Đê
Bình luận (0)