“...Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh. Tiếng hát ai vang động cây rừng. Phải chăng em cô gái mở đường. Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...”, những lời hát của ca khúc Cô gái mở đường được nhạc sĩ Xuân Giao sáng tác năm 1966 vẫn còn vang mãi đến ngày nay.
|
Những thanh niên xung phong năm xưa - Ảnh: T.L
|
Trong lần trò chuyện với người viết khi nhạc sĩ Xuân Giao vừa mất, nhà báo Hoàng Sơn - người bạn thân của nhạc sĩ đã nhắc tới câu chuyện về ca khúc Cô gái mở đường.
Bài hát được ra đời trong chuyến đi công tác của nhạc sĩ Xuân Giao về Thanh Hóa, viết trong một căn hầm nhỏ ở nơi giáp giữa Thanh Hóa và Nghệ An.
Khi đó, nhạc sĩ đã gặp một tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong, họ là những thiếu nữ mới 16, 18 tuổi, có cô ở Bắc Ninh, cô ở Bắc Giang, cô ở Hà Nội...
Hình ảnh những người con gái đang bước vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người, trẻ trung và sôi nổi cứ mãi ám ảnh người nhạc sĩ. Trên đường trở về, khi xe chở đoàn công tác dừng lại, nhạc sĩ Xuân Giao đã chui vào căn hầm nhỏ, viết ngay ca khúc Cô gái mở đường. Sau đó, bài hát đã vang lên trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói VN với tiếng hát của nghệ sĩ Vũ Dậu, nghệ sĩ Bích Liên...
Cuối những năm 1960, những năm 1970 và cả 1980, bài hát được trình diễn ở khắp các chiến trường, nông trường, nẻo đường của đất nước.
Thuộc thế hệ sau thế hệ của nghệ sĩ Vũ Dậu và nghệ sĩ Bích Liên, nghệ sĩ Hương Giang đã biểu diễn và thu âm nhiều lần ca khúc Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao. Bà vẫn nhớ lần nhạc sĩ đến chơi với đội văn nghệ của bà. “Ông kể, đó là bài hát ông viết, dành tặng cho những nữ thanh niên xung phong anh hùng mà ông vừa cảm phục vừa thương mến”, bà nhớ lại.
Nghệ sĩ Hương Giang không thể nhớ nổi đã hát bao nhiêu lần bài hát này. “Những năm 1980, tôi cùng đội văn nghệ lên biên giới, ra đảo xa, tận Trường Sa, hát cho bộ đội, thanh niên xung phong nghe. Chúng tôi đứng trên những mô đất, ụ pháo, hát với loa điện, đèn pin chiếu vào mặt, mà cả người hát lẫn người nghe ai cũng hào hứng”, bà kể.
Lời ca sống mãi với ký ức
Thập niên 1980 cũng đánh dấu sự phát triển của phong trào Thanh niên xung kích. Ở những vùng kinh tế mới, hay những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, lớp lớp những người thanh niên đi giữ đất, trồng rừng, xây những công trình mới...
Đây là thời điểm chứng kiến dòng chảy ca khúc chính trị, đồng thời hàng loạt những ca khúc viết về những thanh niên xung phong đã ra đời.
Một trong số những ca khúc được viết trong thời kỳ đó, được coi là ca khúc điển hình của thanh niên xung phong cho đến bây giờ là Tình ca tuổi trẻ của nhạc sĩ Tôn Thất Lập.
Nhạc sĩ nhớ lại: “Cảnh biên giới hoang vu nhưng đẹp lắm, những người thanh niên trẻ trung phơi phới đi xây dựng đất nước, làm thủy lợi...”.
Một bản tình ca tươi sáng, rộn ràng được nhạc sĩ viết ca khúc ngay khi ông vừa nghe tin về chiến tranh biên giới phía bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, biết bao người thanh niên xung phong đã hy sinh. “... Bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới. Bản tình ca em hát cho anh trên dòng kênh xanh. Trời mây trong xanh và mắt em xanh. Tiếng hát ta làm vui cuộc đời.
Có chúng ta dựng xây cuộc đời...” lần đầu tiên được in trên Báo Tiền Phong đã mang lại sự xúc động mạnh mẽ trong lòng biết bao người. Bài hát sau đó đã được tốp ca Đài tiếng nói VN thu âm và phát trên khắp cả nước. “Bài hát được vang lên nhiều nhất ở khu vực biên giới phía bắc vào thập niên 1980. Các chiến sĩ bộ đội ở khu vực biên giới phía bắc rất thích ca khúc này. Tôi nhớ nhất là hình ảnh đoàn nữ thanh niên xung phong hát bài này. Các chị nữ hát hay lắm, họ trẻ đẹp và phơi phới làm sao”, nhạc sĩ Tôn Thất Lập kể.
Cũng giống như nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tới vùng biên giới và gặp gỡ những người thanh niên xung phong.
Sau chuyến đi, ông nhớ mãi một đội nữ thanh niên xung phong toàn những cô gái đôi mươi, ông đã cùng hát với họ. Vậy nhưng, chỉ vài tháng sau, nhạc sĩ hay tin hai mươi cô gái trong đội đã hy sinh. Nỗi nhớ thương của ông dành cho các cô gái trẻ được ghi vào trong ca khúc Em ở nông trường em ra biên giới.
Nhiều ca khúc viết về những người thanh niên xung phong, những người trẻ dành trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, cho dân tộc đã được các nhạc sĩ thể hiện làm lay động lòng người: Tạm biệt chim én (Trần Tiến), Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng), Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc), Bài ca thanh niên xung phong (Hoàng Hiệp), Một đời người, một rừng cây (Trần Long Ẩn), Những bông hoa trên tuyến lửa (nhạc Nguyễn Cửu Dũng, thơ Đỗ Trung Quân)... Những lời ca của những năm tháng ấy vẫn đang được tiếp tục vang lên, sống giữa thời đại hôm nay.
|
Bình luận (0)