Những cánh thư đi dọc tuyến lửa

30/05/2014 08:55 GMT+7

Đó là 105 lá thư gửi dọc hai miền nam bắc của đôi vợ chồng trẻ xa nhau hơn 13 năm trường với đầy niềm tin yêu và hy vọng.

Những cánh thư đi dọc tuyến lửa
Vợ chồng ông Bá, bà Tiệng và 105 lá thư được cất giữ gần nửa thế kỷ - Ảnh: An Dy

Năm 1954, ông Huỳnh Phương Bá (khi ấy mới 24 tuổi), là anh lính miền Nam đi tập kết ra Bắc. Ông được phân công về đội trinh sát và đóng quân tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Năm 1958, qua mai mối, giới thiệu của một người quen, ông Bá gặp bà Vương Thị Tiệng, lúc ấy mới 18 tuổi và đang là nữ sinh trung học. Ngay lập tức, anh trung úy trẻ của đội trinh sát đã phải lòng cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, thường tan học về ngang qua nơi anh đóng quân. Hai năm sau đó, dưới ánh đèn măng-sông chập choạng, một đám cưới dã chiến chỉ với thuốc lá Điện Biên và kẹo lạc Nghệ An diễn ra trong ấm cúng, và được chủ trì bởi chính trị viên của đại đội trinh sát.

Nhưng tình hình chiến sự khi ấy đang rất khốc liệt, nên ngay sau ngày cưới, ông Bá đã phải tạm biệt vợ sang chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Chia tay hơn 3 tháng, ông bà hội ngộ cùng nhau được đâu vài ngày thì tháng 4.1961 ông lại phải vào Nam và chính thức bước vào cuộc chia ly trường kỳ hơn 13 năm. Và trong 13 năm đằng đẵng, ông bà viết cho nhau hàng trăm lá thư. Nhưng chỉ có 105 lá thư trong số đó giữ được và lưu lại cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua...

Vất vả và gian lao

105 lá thư  không chỉ là câu chuyện tình yêu son sắt đầy lý tưởng của đôi vợ chồng trẻ mà còn như một cuốn hồi ký, một cuộn phim tài liệu sống động về chặng đường đầy gian lao để sống và chiến đấu hào hùng của quân dân hai miền Nam Bắc.

“Em biết không, cách mạng miền Nam vô cùng vĩ đại, không có sách vở nào tả cho hết được. Nhân dân rất anh hùng. Họ sống bên đồn địch, hằng ngày bị chúng dùng súng khống chế, nhưng đêm đêm du kích lại đứng gác để đồng bào cõng lúa gạo cho cách mạng. Địch bắn pháo vào làng, có bà mẹ ôm con chạy lên đồn, mẹ ôm con cùng lao lên bịt nòng pháo... Rồi có người mẹ đồng bào chận đường bộ đội, ghì ba lô xuống bỏ bánh vào vì anh em không dám nhận. Lòng thương đã vượt qua tất cả lễ nghi. Nấu bánh xong chưa kịp cúng ông bà nhưng vội vã giấm dúi cho bộ đội trước. Có nơi bà con còn gánh bánh vào rừng tìm cán bộ, tìm anh giải phóng để đưa bánh. Bánh ngọt lắm, không phải vì đường mà nó đậm tình quân dân tha thiết”. (Trích thư ông Bá gửi bà Tiệng năm 1962 - PV).

Trong khi ông sống và chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thì ông biết bà Tiệng cũng đang cùng quân dân miền Bắc tiến từng bước vững và chắc trong công cuộc xây dựng, kiến thiết. “Hôm nay em đi họp Đoàn, phát động phong trào tình nguyện đăng ký 3 sẵn sàng. Đối với nữ thì 3 đảm đang. Ngày mai về làm đơn. Anh ạ, trong gian khổ, trong chiến đấu mới thấy hết tinh thần yêu nước, khí thế của một dân tộc anh hùng, càng gợi lên ý chí căm thù và cũng càng tin ở lực lượng của mình.”. (Trích thư bà Tiệng viết năm 1965, khi bà đang ở Nghệ An - PV).

Vẫn vững vàng phía trước

“Đi giữa cuộc chiến, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người ta dường như chỉ biết chiến đấu trong phút giây hiện tại. Ngày mai luôn thuộc về phạm trù lý tưởng, phạm trù của niềm tin và hy vọng. Có khi bặt tin nhau hơn một năm trời vẫn hy vọng và tin tưởng son sắt”, ông Bá vừa nói vừa nheo nheo đôi mắt đã đục mờ nhìn bà Tiệng để tìm sự đồng tình. 

Những năm 1965 - 1966, trong khi diễn biến ở chiến trường miền Nam vẫn đang ác liệt, thì ý chí của ông và đồng đội thêm sục sôi khi nhận được thư bà “cập nhật” tình hình ngoài Bắc: “Nghệ An bây giờ coi như tuyến đầu của miền Bắc. Từ sau Tết đến nay, máy bay Mỹ đã điên cuồng mang bom đến thả, giết những em bé ngây thơ còn ngồi trên bàn học, bắn xả vào bệnh viện giết cả những đồng bào, đồng chí đang nằm trên giường bệnh...”. (Trích thư bà Tiệng viết và gửi năm 1965 - PV).

Rồi những ngày đóng quân ở Tây Nguyên, khi chiến sự tạm lắng, ông Bá lại mơ màng: “Ở miền Nam anh thích nhất là Tây Nguyên bát ngát có những dòng sông, thác nguồn... Đất đai màu mỡ, lâm thổ sản nhiều vô kể. Một viễn cảnh vô cùng đẹp đẽ. Chúng ta cùng đến đó công tác nhé... Hạnh phúc không phải chỉ ở ngày mai mà hạnh phúc đã có trong quá khứ và hiện tại... Em! Không có sự hy sinh nào mà không đau đớn, nhưng chúng ta biết hy sinh để hạn chế sự hy sinh. Chúng ta vinh dự sống trong thời đại mà lịch sử đã giao phó cho thế hệ chúng ta phải tiêu diệt bọn xâm lược Mỹ, vĩnh viễn xóa bỏ nạn ngoại xâm trên đất nước ta, để ngàn đời về sau, dân tộc ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc.” (Trích thư ông Bá viết năm 1967 - PV).

 Giờ đây, khi chiến tranh qua đi đã gần 40 năm, thì cũng bằng ấy thời gian ông bà trân quý giá trị của từng ngày sống trong hòa bình, hạnh phúc mà cả dân tộc đã phải đổ máu để có được. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng nằm giữa lòng thành phố Đà Nẵng, đôi vợ chồng già tuổi ngoài 80 cùng lục lại ký ức bằng những lá thư vàng dấu thời gian và sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm... “Đây là tài sản quý để con cháu sau này đọc và cảm nhận được một chặng đường lịch sử đầy gian nan thử thách nhưng cũng đầy vinh quang chói lọi mà cha mẹ, ông bà chúng đã đi qua”, ông Bá trầm ngâm...

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.