Những cánh thư theo tàu ra đảo

14/01/2008 16:52 GMT+7

Cưới vợ được 10 ngày thì thượng úy Vinh nhận lệnh ra Trường Sa. Trong 1 năm công tác, Vinh đã nhận được hơn 40 phong bì chứa hơn 200 lá thư của vợ chất đầy tâm sự trong những ngày đằng đẵng xa chồng...

Những câu chuyện xúc động

Tại điểm B của đảo Đá Lớn, chúng tôi được biết thêm nhiều chuyện cảm động về tình yêu của những người lính đảo chìm. Câu chuyện tình qua những cánh thư của thượng úy Vũ Đức Vinh - chính trị viên là một chuyện tình đẹp, lãng mạn và đầy xúc động. Vinh kể, cách đây tròn một năm khi vừa cưới vợ được 10 ngày thì anh nhận lệnh ra Trường Sa. Chưa kịp quen hơi, vợ chồng đã xa cách. Phương tiện liên lạc duy nhất của vợ chồng anh bây giờ là những cánh thư theo tàu ra đảo. Vợ Vinh là cô giáo Trần Thị Minh Hòa (25 tuổi) đang dạy học tại trường Trung học cơ sở Đồng Tiến, An Dương, Hải Phòng. Theo lời Vinh kể, cứ mỗi ngày, sau khi đi dạy về, Minh Hòa lại viết thư cho chồng, viết xong rồi để đấy, đợi đến kỳ có tàu ra đảo mới gửi ra được cho anh.

Trong vòng 1 năm công tác ở đảo Đá Lớn, thượng úy Vinh đã nhận được hơn 40 phong bì chứa hơn 200 lá thư của vợ. Đó là cảm xúc, là tâm sự vợ anh trong những ngày đằng đẵng xa chồng, là lời động viên anh đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Có những lá thư anh thuộc nằm lòng: "Anh ơi hôm nay trời lạnh lắm. Nếu giờ này được bên nhau. Anh ước được làm gì? Hãy vòng tay ôm em cho em đỡ lạnh đi. Em muốn được anh ôm vào lòng lắm". Những lúc nhận được những dòng thư tràn đầy yêu thương, tràn đầy nỗi nhớ nhung khắc khoải của vợ, trong lòng Vinh lại tràn lên tình thương yêu với người vợ trẻ. Là người chỉ huy, anh cố nén tình cảm vào lòng. Mỗi khi rảnh rỗi, anh thường viết thư động viên vợ. Lúc ngồi với chúng tôi trên tàu để tiếp tục cuộc hành trình, Vũ Đức Vinh lại khoe anh vừa mới nhận thêm được những lá thư của vợ. Trong lá thư gần đây nhất, vợ anh viết: "Anh ơi, có thể Tết này vợ chồng mình sẽ được gặp nhau theo kế hoạch, cũng có thể là chưa gặp vì anh có thể chưa được về. Nhưng dù thế nào, em cũng hy vọng là sẽ được ăn Tết bên anh".

Vinh cho chúng tôi biết, vợ anh chưa hề biết là anh sẽ về trong dịp Tết này vì trên đảo không có phương tiện để liên lạc. Về chuyến này, anh sẽ xin chuyển cho vợ lên dạy cấp 3. Đó là ước muốn của vợ anh. Anh bảo: "Cô ấy học đại học, chỉ mong được dạy cấp 3 thôi anh ạ. Chuyến này về, tôi sẽ cố gắng lo cho cô ấy". Hy vọng, ngành giáo dục Hải Phòng sẽ tạo điều kiện cho gia đình thượng úy Vũ Đức Vinh vì chúng tôi nghĩ rằng đây là một cách thiết thực nhất của đất liền giúp người lính đảo xa an tâm công tác, tất cả vì Trường Sa thân yêu.

Giao lưu văn nghệ trong lúc thư giãn (Ảnh: T.Tú)

Cũng ở trên đảo Đá Lớn này, chúng tôi biết thêm câu chuyện cảm động của chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Trung Sơn (1986), quê ở phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh. Tết này là cái Tết thứ ba Sơn ở quần đảo Trường Sa; 2 cái Tết trước, Sơn ở Trường Sa Lớn. Chuyện cảm động mà chúng tôi muốn nói là cách đây hơn 10 ngày, anh đã điện nhờ Ban Tài chính Đoàn Trường Sa chuyển cho bố mẹ ở quê hơn 10 triệu đồng. Sơn cho chúng tôi biết, ở nhà anh là con trai út, bố mẹ vẫn đi làm, chẳng đến nỗi thiếu thốn. Nhưng Sơn vẫn chuyển tiền vì anh nghĩ rằng: "Đây là những đồng tiền đầu tiên tôi gửi về gia đình. Tuy rằng nó không lớn, nhưng đó là mồ hôi, là công sức của tôi, tôi muốn làm bố mẹ yên lòng. Tuy ở xa nhưng tôi vẫn luôn nghĩ về đất liền, nghĩ về cha, mẹ. Tôi muốn nhắn nhủ với bố mẹ tôi rằng: Bố mẹ ơi, con vẫn khỏe và chuẩn bị đón Tết. Con chúc bố mẹ và các anh chị đón Tết vui vẻ".

Lính đảo chìm ăn Tết

Gian khổ nhưng vẫn không thiếu những giây phút lãng mạn (Ảnh: Dương Liễu)

Chúng tôi đến đảo Đá Lớn vào buổi sáng, nhưng phải buông neo tàu đợi đến 14 giờ mới đi xuồng máy vào đảo... Những vườn rau xanh ở đảo chìm được trồng trên ô vuông che chắn cẩn thận. Có rau muống, rau cải, rau thơm. Thế mà rau xanh thường xuyên nhất cho lính đảo là giá đỗ. Các anh ngày nào cũng ngâm 8 lạng đỗ để có giá ăn. Thức ăn còn lại chủ yếu là thịt hộp và tất nhiên không thể thiếu cá. Những lúc bão giông, nhất là vào tháng 8 tháng 9 có khi phải đóng cửa ở trong nhà cả ngày. Sóng trùm lên tận nóc điểm đảo không thể đi bất cứ đâu. Nghịch lý là những ngày Tết nước lại cạn, đất nổi mênh mông không thể đi xuồng, nên các anh lính từ điểm đảo này sang điểm đảo khác cũng không thể đến chơi và chúc Tết nhau được. Ngày Tết các anh lính đảo cũng gói bánh, mổ heo và làm bánh rán. Điểm đảo nào cũng có chiếc cối xay bột bằng đá mà ta thường thấy ở những vùng thôn quê trong đất liền. Đường xa, mà lại đường biển nên mọi thứ mang được đến đảo đều không thể nguyên lành như khi ở đất liền. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh những người lính mang thư và báo lên sân thượng để phơi khô mà thấy mắt cay cay!

Có những người lính ở đây đã 4 mùa xuân. Họ quen với cái nắng, với gió biển và nỗi khắc khoải mỗi năm chỉ có mấy lần tàu ghé thăm... Chúng tôi ở lại trên con tàu HQ936 buông neo ngoài khơi để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày kế theo. Đại Tá Mai Tiến Tuyên nói: "Những người lính ở điểm đảo kia chỉ cần nhìn thấy ánh sáng con tàu nơi đây là họ đã thấy ấm lòng lắm". Từng là thuyền trưởng và bây giờ là Phó chính ủy Vùng D Hải quân, ông Tuyên cũng có những đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc với lính đảo, nhất là lính đảo chìm.

Trước vô vàn khó khăn nhưng những người lính mà chúng tôi gặp trên đảo, ai cũng nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt sạm đen vì gió biển. Sự lạc quan và an tâm với công việc của họ làm cho chính chúng tôi cảm phục. Có quá nhiều thứ họ thiếu thốn nhưng chắc chắn họ sẽ vượt qua.

Mong bạn đọc của Báo Thanh Niên đừng bao giờ ngần ngại khi chia sẻ với người lính đảo xa một chút gì ấm áp từ đất liền để "Gần lắm Trường Sa" không chỉ là một câu hát, một ước mơ của những người ở đảo.

Tấn Tú - Thái Hòa (Ghi chép)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.