Những chí sĩ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Tổng đốc Hồ Đắc Điềm rũ bỏ vinh hoa theo kháng chiến

12/09/2015 07:02 GMT+7

“Tôi không thể nào quên được cái ngày cuối thu 1950 ấy, sau khi rời cuộc họp ở một làng quê ven thành phố Vinh, tôi gặp một cô nông dân và hỏi đường đi, cô ta đã trả lời tôi: “Anh cứ đi đường ni”.

“Tôi không thể nào quên được cái ngày cuối thu 1950 ấy, sau khi rời cuộc họp ở một làng quê ven thành phố Vinh, tôi gặp một cô nông dân và hỏi đường đi, cô ta đã trả lời tôi: “Anh cứ đi đường ni”. 

Những chí sĩ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Tổng đốc Hồ Đắc Điềm rũ bỏ vinh hoa theo kh áng chiếnÔng bà Hồ Đắc Điềm năm 1956 - Ảnh: Bà Hồ Thị Thế Tần cung cấp
Tiếng “anh” làm tôi sửng sốt, vì cho đến ngày ấy không ai ngoài các em tôi trong gia đình gọi tôi như thế. Ra xã hội, nói với tôi mọi người đều “thưa ngài” hay “bẩm quan lớn”. Kỳ diệu thay tiếng nói con người, chỉ một từ thôi mà diễn được bao nhiêu tình cảm, làm hàng ngàn con tim đập rộn ràng, lay chuyển, lật đổ các ý tưởng, các quan niệm vốn đã ăn sâu vào lòng người”.
Đó là những suy tư của cựu Tổng đốc Hồ Đắc Điềm trong bài viết bằng tiếng Pháp Vài kỷ niệm về cuộc kháng chiến đăng trên tạp chí Le Courrier du Vietnam năm 1962.
Người họ Hồ về Thành nhà Hồ
Trước Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, nhiều con đường mở ra trước mắt Hồ Đắc Điềm. Ông quyết định theo Mặt trận Việt Minh làm nghĩa vụ công dân với Tổ quốc.
Nhưng đi theo Việt Minh không phải dễ dàng. Ông muốn đi theo một người em ruột. Nhưng, “Tu vas ton chemin. Toi mandarin toi...” (Tổng đốc Hà Đông. Anh đi với tôi thế nào được!). Rồi có người bạn là bác sĩ thú y Đông Dương họ Phạm đã bảo lãnh để gia đình ông đi cùng gia đình họ. Tạm xa Đông Đô để về với Tây Đô, người họ Hồ lại về Thành nhà Hồ...
Trong hồi ức, ông Hồ Đắc Điềm luôn nhớ: “Chín năm kháng chiến là những năm giàu có, sung mãn nhất trong đời tôi, vì thế mỗi khi nhớ lại lòng tôi lại tràn đầy xúc cảm. Buồn hay vui, ngộ nghĩnh hay bi đát, những kỷ niệm xa xưa ấy đều khơi dậy trong tôi một nỗi nhớ nhung mơ hồ và nét quyến rũ lạ kỳ, mới mẻ”.
Bỏ lại sau lưng bao điều quyến rũ của sức mạnh vật chất. Điều ấy được ông thẳng thắn nhìn nhận: “Chắc chắn không phải dễ dàng gì từ bỏ ngay tức thì một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, đảm bảo, bỏ một gia tài kha khá lớn để đi theo kháng chiến, thiếu thốn đủ mọi tiện nghi, sống những ngày đầy bất trắc”.
Khi đang ở Thanh Hóa có hai vị khách đường đột tới thăm. Một người là đặc phái viên của Chính phủ, ông Hoàng Văn Hoan, còn người kia là ông Hồ Tùng Mậu, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4. Ông Hồ Tùng Mậu cho biết thừa hành lệnh trên đến mời ông Hồ Đắc Điềm tham gia công tác ở liên khu. “Chính phủ đã chọn mặt gửi vàng, mời ông tham gia đúng công, đúng việc. Xin đừng phân vân”, đặc phái viên họ Hoàng tiếp lời.
Từ đây, Hồ Đắc Điềm làm Chủ tịch Hội đồng tu luật Liên khu 4, Ủy viên BCH Hội Liên Việt Liên khu 4 (1947 - 1954), Chánh án Tòa án nhân dân Liên khu 4 (1951).
Danh gia vọng tộc cũng chỉ là nô lệ
Hồ Đắc Điềm (1899 - 1986) xuất thân trong gia đình dòng dõi quý tộc nổi tiếng ở kinh đô Huế. Thân sinh là Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, Thượng thư Bộ Học, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần, tứ trụ đại thần triều đình thời vua Duy Tân và Khải Định. Người anh là cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải, Thượng thư Bộ Hộ. Chị gái Hồ Thị Chỉ là vợ chính thất (Ân Phi) của vua Khải Định. Ba người em trai là bác sĩ Hồ Đắc Di, kỹ sư Hồ Đắc Liên và tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân.
Vợ ông, con nhà dòng dõi từng 2 đời làm Tổng đốc Hà Đông, thậm chí Phó vương Bắc kỳ. Đó là bà Hoàng Thị Lý - con gái Võ hiển điện Đại học sĩ Hoàng Trọng Phu, hàm Thái tử thiếu bảo là phẩm hàm cao nhất của triều Nguyễn.
“Anh có thể nào tưởng tượng nổi rằng một gia đình có đầy đủ công, hầu, bá tước như vậy mà vẫn bị phân biệt không thể ngang hàng trên một khoang tàu thủy với người Pháp thì ông cụ tôi bất bình thế nào?”, bà giáo Hồ Thị Thể Tần, con gái cố Tổng đốc Hồ Đắc Điềm, kể. Nước mất thì dẫu có làm vua cũng chỉ là thân phận kẻ nô lệ.
Sang đến nước Pháp, Hồ Đắc Điềm thấy rõ có sự khác biệt hoàn toàn giữa người Pháp chính quốc với tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” và người Pháp thực dân. Ông quyết tâm theo ngành luật để đấu tranh cho công bằng xã hội.
Đỗ tiến sĩ luật, khi đang làm luật sư bên Pháp, gia đình gọi ông về nước làm Tham tri Bộ Hình ở Huế. Năm 1941, Hồ Đắc Điềm về làm Tổng đốc Hà Đông để tiếp tục sự nghiệp chấn hưng công thương nghiệp của bố vợ bị gián đoạn. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp đã mời ông làm Khâm sai Bắc Bộ Phủ, nhưng ông từ chối.
Những ngày tháng 8.1945 thay trời đổi đất, bà Hồ Thị Thể Tần nhớ lại. Nước lụt. Đê Liên Mạc có nguy cơ vỡ. Tổng đốc Hồ Đắc Điềm lên ô tô của giám đốc công chính đi hộ đê giữa trời giông bão. Cùng thời gian đó, ngày 21.8, quần chúng kéo về dinh tổng đốc, trại bảo an binh. Trước đoàn biểu tình sát khí đằng đằng đang xông vào dinh, Quản Dưỡng, người chỉ huy bảo an binh, đã hạ lệnh bắn. Nhiều người thương vong. Đoàn người chững lại, nhốn nháo. Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Đông Đặng Kim Giang đi tìm Tổng đốc Hồ Đắc Điềm. Nghe tin, tổng đốc đã vào tận trại bảo an binh ra lệnh cho Quản Dưỡng hạ vũ khí.
Có cuộc sống vật chất đầy đủ, biệt thự tại 72 phố Nguyễn Du (Hà Nội), hai biệt thự nghỉ mát ở Tam Đảo, trang trại hàng nghìn mẫu ở đồn điền ấp Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (nay là Hải Phòng)..., nhưng khi theo cách mạng, Hồ Đắc Điềm hiến toàn bộ số thóc trong kho để nuôi dân quân, du kích, chỉ yêu cầu giữ lại khoảng 500 thúng, phòng khi gặp khó khăn trong kháng chiến sẽ phải dùng đến. Cả một tài sản và cơ nghiệp lớn là 5 ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi, cụ rũ tay ra đi không hề luyến tiếc.
Về thủ đô (1954), suốt 30 năm cuối đời, cụ Hồ Đắc Điềm dành toàn bộ công sức vào công cuộc xóa mù chữ: Trưởng ban Chỉ đạo xóa mù chữ, bổ túc văn hóa thành phố, Trưởng tiểu ban Bổ túc văn hóa của HĐND thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.