Những chiến công thầm lặng

23/08/2009 00:14 GMT+7

Họ buộc thủ phạm đưa tay vào còng, buộc xác chết phải lên tiếng... và hầu hết các chuyên án lớn đều có hình bóng của họ. Đó là các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM.

Đòi công lý cho người chết

Rạng sáng 16.8.2009, người dân ở hẻm đường Lê Văn Khương (Q.12) nhốn nháo khi phát hiện một xác chết nam nằm sấp, đầu nằm trên bãi đất trống, chân trên mặt đường hẻm. Phía trước tử thi có 1 trụ điện; xe gắn máy của nạn nhân ngả nghiêng bên phải, đầu xe vỡ nát. Với những chứng cứ ban đầu tại hiện trường, nhiều người dân nơi đây, thậm chí cả cơ quan chức năng địa phương đều cho rằng nạn nhân tự tông vào trụ điện chết. Đây là con hẻm rộng khoảng 4m, xe cộ qua lại ít, chỉ có một vài xe tải của Công ty H.C.T thỉnh thoảng ra vào.

Nhận được tin báo, ngay trong đêm khuya, tổ trực ban của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) đã có mặt tại hiện trường, trắng đêm mày mò ghi nhận từ lớp bụi, mảnh vỡ của xe cho mãi đến sáng mới xong. Qua ghi nhận ban đầu, PC21 đưa ra nhận định trái ngược hoàn toàn với nhiều người khác. Nạn nhân không phải tông vào trụ điện mà tông vào phương tiện khác. Bởi vì bánh xe trước không bị hư hỏng nặng, xương gò má trái bị vỡ nát, xương trên thái dương trái bị vỡ phức tạp trên diện rộng... không có hiện tượng chấn thương sọ não. Nói vậy nhưng không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh vì lúc xảy ra tai nạn con hẻm không có bóng người; chỉ có một nhân chứng duy nhất có nghe tiếng va chạm mạnh, chạy ra xem thì thấy nạn nhân nằm bất động. Thế là lực lượng PC21 mày mò tìm chứng cứ với hy vọng mỏng manh. PC21 xin được làm việc với 2 tài xế của 2 ô tô đang đậu trong Công ty H.C.T nhưng cả hai đều “không biết, không nghe, không thấy...”. Song các cán bộ, chiến sĩ của PC21 vẫn kiên nhẫn kiểm tra kỹ 2 ô tô đáng ngờ đang đậu trong khuôn viên của Công ty H.C.T. Sự kiên nhẫn đã được đền đáp khi họ phát hiện một trong 2 ô tô này có nhiều dấu vết bụi dạng quẹt ở mặt ngoài khung gầm xe phía sau bên trái. Từ những chứng cứ mỏng manh này, các chiến sĩ tiếp tục phát hiện thêm trên khu vực dấu vết trên có dính 1 mảnh kính vỡ. Nhưng cũng chưa đủ cơ sở. Lại một thời gian khá lâu mới phát hiện mặt ngoài phía dưới bản lề thùng xe phía sau cùng bên trái có dính thịt, da, tóc (cơ thể người)... Với đầy đủ chứng cứ như trên, tài xế ô tô Công ty H.C.T đã phải thừa nhận: khi ô tô đang vào công ty đậu, phần đầu đã vào bên trong khuôn viên của công ty, phần đuôi còn nằm ở đường hẻm; do nạn nhân điều khiển mô tô không làm chủ được tốc độ đã tông vào.

Thủ phạm “tâm phục khẩu phục”

Giữa tháng 10.2008, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an TP.HCM triệt phá được băng cướp tiệm vàng Anh Sang (H.Nhà Bè) do Nguyễn Văn Quang (25 tuổi, quê Trà Vinh) cầm đầu, thu được cả súng ngắn đã làm nức lòng người dân thành phố... Các đối tượng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và khai nhận khẩu súng thu giữ được chính là khẩu súng gây án. Tưởng chừng vụ việc đã xong nhưng đến phút cuối PC21 phát hiện súng thu giữ được không phải là súng gây án tại tiệm vàng Anh Sang. Với những chứng cứ giám định đầy thuyết phục, PC21 gián tiếp “giúp” PC14 buộc bọn chúng phải khai ra thêm 1 khẩu súng Colt 45 - trực tiếp gây án được chôn giấu ở H.Củ Chi. Nhờ sự nhận định chính xác này, PC21 đã giúp cơ quan CSĐT nhanh chóng kết luận điều tra và điều quan trọng hơn cả là không để lọt người, lọt tội.

Trên đây chỉ là một số vụ điển hình mà PC21 đã góp công phá án. Có thể kể ra đây hàng loạt những vụ điển hình khác trong thời gian gần đây: vụ chặt khúc người yêu, mang đi vứt nhiều nơi ở Q.6, Q.11, Q.Tân Phú những ngày cuối tháng 5 – đầu tháng 6.2009; vụ án chị Nguyễn Thị Thiên Trang (40 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận bị giết thảm cướp tài sản vào đêm 3 - rạng sáng 4.6.2008), nghi phạm chối phăng nhưng với dấu chân dính máu để lại trên nền nhà, PC21 đã buộc tên tội phạm giết người cướp tài sản phải đưa tay vào còng... Những đóng góp nói trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm vụ án mà tập thể cán bộ chiến sĩ PC21 ngày đêm thầm lặng cống hiến.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng PC21, chia sẻ: “Có nhiều lúc các chiến sĩ đang bị bệnh cũng phải lao vào công việc không kể ngày đêm vì thiếu người. Họ biết tiếp xúc với các hóa chất độc hại (khi thực hiện công đoạn giám định tang vật, mẫu vật, ma túy...), nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì họ nghĩ rằng đã là chiến sĩ công an nhân dân phải “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nên dốc hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ được giao”. 

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.