Những chiêu lừa tiền tỉ: Sập bẫy "công ty"

04/02/2010 01:41 GMT+7

Bỏ cả trăm triệu mua xe rồi mất trắng; hùn vốn để làm đại lý rồi bị “quỵt” tiền... Cứ thế, những người làm ăn chân chính dễ dàng sập bẫy bất cứ lúc nào.

Mua phải ô tô... thuê

Đầu năm 2008, thấy Công ty TNHH Đ.A ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi rao bán gấp một số xe tải đang sử dụng, lập tức anh Trịnh Thanh Mai (sinh năm 1970, ở Q.12, TP.HCM) liên hệ để mua xe. Công ty Đ.A cam kết sang tên đầy đủ nên anh Mai chấp nhận mua chiếc xe tải hiệu KIA biển số 54V-16... với giá 158 triệu đồng, đưa trước 148 triệu đồng, số còn lại sẽ giao đủ khi nhận giấy tờ xe.

Anh Mai đem xe về chưa được nửa tháng thì bất ngờ bị Công ty vận tải T.C (cũng ở Q.12) đòi lại với lý do “xe này của Công ty T.C đang sở hữu, Công ty Đ.A chỉ là đơn vị thuê xe mà thôi”. Vụ việc được đưa ra công an phường nhờ can thiệp, nhưng "tình ngay, lý gian" nên anh Mai đành phải trả lại xe cho Công ty T.C bởi giấy tờ sở hữu rành rành ra đó. Anh Mai đau khổ: “Tui thế chấp căn nhà duy nhất để mua xe chạy kinh doanh nhưng giờ không còn cách nào khác là bán nhà trả nợ và chờ công an vào cuộc”.

Cùng là nạn nhân của Công ty Đ.A là gia đình chị Đặng Thị Mỹ Dung ở Q.6. Anh Hiếu, chồng chị Dung mua chiếc xe tải 1,4 tấn với giá 152 triệu đồng, giao trước 150 triệu đồng và được công ty giao xe cùng giấy tờ (bản chính) đầy đủ, đồng thời cam kết sang tên chủ sở hữu trong thời gian nhanh nhất. Nhưng khi mang xe về chạy được vài chuyến thì cũng bị Công ty T.C giữ xe với lý do "xe của Công ty T.C sở hữu chứ không phải của Đ.A". Khi bị thu hồi xe, gia đình chị Dung mới biết Công ty Đ.A thuê xe rồi đem bán. “Hơn một năm nay, tôi và những người là nạn nhân của Công ty Đ.A gửi đơn đến công an, từ cấp huyện đến thành phố, nhưng đều bặt vô âm tín. Cay đắng nhất là hằng ngày chúng tôi vẫn nhìn thấy kẻ chiếm dụng tiền nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật như thách thức chúng tôi”, anh Hiếu bức xúc.

Để tìm hiểu rõ những chiếc xe mà Công ty Đ.A bán cho chị Dung và anh Mai, chúng tôi tìm đến Công ty T.C và được biết doanh nghiệp này cho Công ty Đ.A thuê tổng cộng 4 chiếc xe tải với giá  4 - 4,7 triệu đồng/tháng/chiếc. Tháng 4.2008, nghe tin Công ty Đ.A vỡ nợ, đại diện Công ty T.C tá hỏa tìm đến hỏi về số phận những chiếc xe thuê thì được bà giám đốc công ty lạnh lùng cho biết “đã bán hết rồi”. Qua giấy bán xe tìm thấy ở trụ sở Công ty Đ.A, Công ty T.C mới biết được địa chỉ và số điện thoại của người mua nên tìm đến đòi lại xe. “Đến nay vẫn còn 2 chiếc họ đã bán cho hai người ở tận Gia Lai thì vẫn chưa lấy lại được. Chúng tôi đã làm đơn tố cáo Giám đốc Công ty Đ.A đến cơ quan công an”, đại diện Công ty T.C nói.

Mất trắng vì chiêu “góp vốn”

Trong quá trình tìm hiểu, xác minh vụ việc, chúng tôi còn gặp nhiều nạn nhân đau khổ khác của Công ty Đ.A. Trong số này có chị Lê Thị L. ở Q.Tân Bình. Tháng 9.2007, chị L. ký hợp đồng làm đại lý bán thức ăn gia súc với Công ty Đ.A. Để đảm bảo, phía chị L. phải ký quỹ 150 triệu đồng. Sau khi đóng đủ tiền, chị L. thuê nhà mở đại lý nhưng Công ty Đ.A chỉ bỏ hàng được đúng một lần rồi “xù” luôn cho đến ngày vỡ nợ. Chị L. nước mắt ngắn dài: “Tiền đặt cọc, tiền thuê nhà kinh doanh coi như mất trắng rồi đó”.

Cũng như chị L., chị Lê Nhật Lan, thường trú ở xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai, kể: Tháng 9.2007, chị được Công ty Đ.A tuyển vào làm quản lý kiêm đại lý phân phối chính thức cám cho các trại heo ở các tỉnh miền Nam và miền Trung. Để được vào làm, công ty yêu cầu chị Lan phải thế chân 200 triệu đồng cho công ty. Thấy viễn cảnh tươi sáng mà bà giám đốc Công ty Đ.A vẽ ra, chị Lan không ngần ngại chạy tiền đóng đủ. “Vào làm việc được 3 ngày, tôi thấy công việc không như hợp đồng trước đó nên làm đơn xin nghỉ và đòi lại tiền thế chân. Bà giám đốc cam kết sẽ trả cả vốn lẫn lời nhưng đến hẹn thì lại được hứa, cho đến khi Công ty Đ.A đóng cửa không hoạt động do vỡ nợ, tôi vẫn không lấy được đồng nào”, chị Lan nói.

Ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, hàng chục nạn nhân bủa nhau đi truy tìm bà giám đốc Công ty Đ.A. Giữa tháng 7.2008 các nạn nhân phát hiện bà giám đốc trên đường Thống Nhất ở quận Gò Vấp nên gọi nhau vây giữ, "điệu" về công an phường. Dù sau đó nạn nhân mỗi lúc đến một đông tố cáo bà giám đốc, nhưng cuối cùng thì công an phường cũng phải “bó tay” vì trước đó bà này dụ các nạn nhân ký vào tờ xác nhận nợ, đồng ý cho bà giám đốc trả nợ dần... 

Lưu ý gì khi giao dịch

Các rủi ro xảy ra như bài viết đã nêu là do các bên khi mua xe ô tô, khi góp vốn đã không tuân thủ các thủ tục mà pháp luật đã quy định. Cụ thể, đối với việc mua bán xe ô tô: chỉ giao dịch mua bán trực tiếp với người đang sở hữu xe hợp pháp bằng cách kiểm tra các giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sở hữu tài sản trước khi đặt cọc (giấy tờ xe, CMND…), khi mua xe phải ra công chứng lập hợp đồng sang nhượng và tiến hành sang tên xe.

Khi góp vốn bằng tiền hoặc bằng tài sản, các bên cần phải thể hiện bằng văn bản, hợp đồng, phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ của bên góp vốn và bên nhận góp vốn, tìm hiểu và yêu cầu cung cấp các giấy tờ pháp lý để chứng minh tài sản của doanh nghiệp để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên theo đúng quy định pháp luật.

(Luật sư Nguyễn Nguyên Thy, Đoàn luật sư TP.HCM)

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.