Những chiêu lừa tiền tỉ: Thế chấp nhà của người khác

05/02/2010 00:09 GMT+7

Từ hợp tác làm ăn đến trong phút chốc chủ sở hữu trở thành kẻ trắng tay, hoặc tự dưng trở thành người “nắm đằng lưỡi”, khả năng thu hồi tài sản là rất thấp.

Trắng tay vì nhờ đứng tên giùm

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Thanh Niên, bà Hiền (Việt kiều đã nhập quốc tịch Úc) cho biết, trong một lần về nước bà có ý định mua nhà ở Việt Nam, theo quy định bà chưa được đứng tên nên nhờ người cháu đứng tên giùm một miếng đất ở P.8, TP Vũng Tàu.

Khoảng cuối tháng 10.2007 bà Hiền gặp vợ chồng bà Ngọc. Hai bên bàn nhau hợp tác xây khách sạn và kinh doanh bò sữa với thỏa thuận “bên có đất bên có tiền”.

Ngay từ đầu, bà Ngọc thuyết phục bà Hiền chuyển quyền sở hữu miếng đất trên sang cho bà Ngọc đứng tên chủ sở hữu để “dễ dàng trong giao dịch”. Để bà Hiền yên tâm, bà Ngọc viết giấy tay thỏa thuận “phía bà Ngọc không được tự ý chuyển nhượng hoặc đem bán miếng đất này”. Khi hợp đồng được lập tại phòng công chứng xong, bà Ngọc mang thế chấp vay 2 tỉ đồng. Tiếp đó đầu năm 2008, bà Ngọc mang khách sạn đã xây dựng xong bán luôn lấy 4 tỉ đồng.

“Nhưng như thế chưa “đau” bằng việc mất căn nhà khác trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM vào tay bà Ngọc”, bà Hiền kể.

Trước khi xảy ra sự kiện bán khách sạn nêu trên, thời điểm này bà Ngọc làm ăn rất uy tín trong việc hợp tác kinh doanh khách sạn nên bà Hiền rất tin tưởng. Bà Ngọc thuyết phục bà Hiền chuyển căn nhà ở Lê Thánh Tôn, Q.1 cho công ty đứng tên thì mới thế chấp được cho ngân hàng lấy tiền đi mua đất ở Củ Chi để kinh doanh bò sữa như hai bên thỏa thuận trước đó. Không nghi ngờ gì, bà Hiền kêu đứa cháu ra phòng công chứng ủy quyền cho bà Ngọc “toàn quyền sử dụng, định đoạt”. Thủ tục vừa xong, bà Ngọc mang nhà đến ngân hàng thế chấp vay 3 tỉ đồng.

Khi số tiền mang đi mua đất hết, bà Ngọc tiến thêm một bước, nói: “Hiện đang có nhiều con nợ phát hiện ra căn nhà mà bà Ngọc mới thế chấp cho ngân hàng. Nếu không vay nóng tiền để chuộc lại sổ thì ngân hàng sẽ thu hồi nợ để trả cho chủ nợ của bà Ngọc”. Tá hỏa, bà Hiền đành chấp nhận phương án sang tên “hờ” cho bà Loan (là bạn bà Ngọc) để giữ lại nhà. Khi căn nhà này sang tên cho bà Loan, lập tức bà Loan “rao” bán luôn.

Bà Dương nhờ một văn phòng luật sư tư vấn về mặt pháp lý tìm cách lấy lại nhà. Tại văn phòng luật sư, bà Loan cam kết nếu bà Hiền chịu “chi” 3 tỉ đồng sẽ trả lại nhà. Biên bản được ký kết nhưng khi bà Hiền mang đủ tiền đến giao thì bà Loan lại không đến nhận tiền.

 Khi bên lừa đảo lập mưu

Trong quá trình xác minh các vụ việc lừa đảo, PV Thanh Niên còn nhận được rất nhiều đơn tố cáo của những nạn nhân bị sập bẫy. Thủ đoạn thì muôn hình vạn trạng, trong đó có rất nhiều chiêu “độc” đến khi phát hiện ra, nạn nhân chỉ biết kêu trời.

Điển hình như vụ lừa 1 tỉ đồng ở quận 7 mà nạn nhân là vợ chồng anh S. Theo anh S., anh được một “cò” giới thiệu mua gần 1 ngàn mét vuông đất ở Nhà Bè. Sau khi “cò” cùng người có tên trong sổ đỏ dẫn vợ chồng anh xem đất, thấy vị trí đẹp anh đồng ý mua.

Nhưng khi sang tên công chứng đầy đủ anh tiến hành làm một số thủ tục để xin phép cơ quan chức năng chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới té ngửa lô đất mình mua nằm trong quy hoạch và theo giá đền bù đất nông nghiệp thì chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng, lô đất này không phải lô đất mà vợ chồng anh S. được dẫn đi xem trước đó. Tức tốc đi tìm “cò” hỏi thì anh S. nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Thuận mua vừa bán rồi còn thắc mắc gì nữa?”...

Một thủ đoạn lừa đảo khác khá mới là “thế chấp giấy biên nhận”. Theo đơn của bà Trần T.K, đầu năm 2007 bà N. là giám đốc một công ty tư nhân ở Gò Vấp cho biết: “Công ty bà N. đang san lấp mặt bằng cho một công trình, theo hợp đồng giá 40 ngàn đồng/m3. Hai bên thỏa thuận cứ san lấp đủ 10 ngàn m3 cát bà N. sẽ được thanh toán tiền một lần. Bà N. đổ được 9 ngàn m3 thì gặp khó khăn tài chính nên đặt vấn đề nhờ bà K. giúp đỡ cho mượn tiền để thực hiện tiếp hợp đồng”. Để làm tin, bà N. thế chấp cho bà K. toàn bộ biên nhận của công trình đã san lấp được 9 ngàn m3 cát.

Nhìn thấy tập giấy biên nhận, bà K. yên tâm giao gần 1 tỉ đồng và ký hợp đồng mình là bên cung ứng tài chính để bên bà N. tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng thời giữ giấy biên nhận. “Đúng hẹn, tôi cầm xấp giấy biên nhận đến công trình để lấy tiền thì chủ công trình cho hay công ty bà N. đã cho người xuống lấy hết tiền san lấp công trình trước đó 2 ngày”, bà K. kể.

Tìm hiểu thêm, bà K. mới phát hiện, trước đó bà N. yêu cầu chủ công trình làm hai giấy biên nhận. Vì vậy, bên bà N. đã mang giấy biên nhận đến lấy hết tiền theo hợp đồng mà không trở ngại gì.

Cay đắng bà K. làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an, nhưng sau một năm vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ” vì công an hướng dẫn khởi kiện ra tòa dân sự.

"Về phía người dân, khi tiến hành các giao dịch liên quan đến bất động sản như ủy quyền, chuyển dịch cần phải hiểu sâu sắc nội dung thực hiện cũng như việc lập hoặc xem xét các giấy tờ có giá trị pháp lý một cách chính xác để ngăn ngừa các âm mưu đã dự liệu nhằm chiếm đoạt tài sản của mình. Đối với giao dịch ủy quyền liên quan đến bất động sản cần biết rõ quyền hạn pháp lý của nội dung ủy quyền. Quyền định đoạt là 1 trong 3 quyền cấu thành quyền sở hữu và là quyền quan trọng nhất. Chỉ người chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền định đoạt mới được quyền chuyển dịch (bán, tặng cho, góp vốn...). Nên khi trao quyền định đoạt bằng ủy quyền hay đã chuyển dịch cho người khác thì phải trù liệu tài sản của mình có thể chuyển cho người khác trong thời hạn ủy quyền. Lúc đó dù có ký các loại giấy tay cam kết thì nguy cơ rủi ro là vô cùng lớn. Trường hợp ủy quyền không có thu phí thì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt ủy quyền nhưng phải thông báo cho các bên có liên quan trong thời gian hợp lý. Nếu ủy quyền không ghi thời hạn, theo luật, thời hạn tối đa là một năm.

Trường hợp mua bất động sản cũng cần phải hiểu chính xác đối tượng mua bán. Khi không thể xác định hoặc nghi ngờ về tính xác thực của bất động sản đó, cần nhờ những người có chuyên môn hoặc các cơ quan có thẩm quyền xác định chứ không nên tự quyết mà hậu họa khôn lường".

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM)

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.