Những chú lùn vượt lên chính mình - Kỳ 1: Không ai tẻ nhạt trên đời

15/01/2009 10:50 GMT+7

Không có ai tẻ nhạt trên đời. Đó là tâm sự chung của những người có thân hình nhỏ bé, với chiều cao chỉ trên dưới một mét mà chúng tôi đã gặp. Họ nói họ chỉ nhỏ về vóc dáng chứ không nhỏ về năng lực, trí tuệ.

Vượt qua những khó khăn về hình thể, họ đã nỗ lực để lao động, học tập như người bình thường. Thậm chí có người còn làm những việc mà không phải ai cũng làm được: gia nhập tổ chức từ thiện quốc tế, leo lên đỉnh Phanxipăng, làm giám đốc công ty lớn...

Gần 5 giờ sáng, anh Thiện (ngụ hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM) đã bắt đầu đẩy chiếc xe ba bánh chở đồ nghề sửa xe ra góc ngã tư Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Thị Minh Khai để bắt đầu một ngày làm việc mới. 44 tuổi, anh Thiện (cao 1,13m) đã có 30 năm gắn bó với nghề sửa xe, lo cho bản thân và nuôi mẹ già bệnh tật.

Con còn là mẹ còn

Ông Nguyễn Hồng Anh ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) dẫn chúng tôi tới gặp người anh em của ông và bảo: “Nó còn lùn hơn tôi nhé, tôi còn cao được 1,18m đó!”. Vừa gặp nhau hai người đã ồ lên chào hỏi, cười nói như cả năm không gặp. Anh Thiện giải thích: “Bận làm nên tuy anh đầu đường, em cuối đường mà hiếm khi gặp nhau lắm!”. Vừa nói chuyện, hai người vừa lôi chiếc xe ba bánh nhỏ đựng đồ nghề sửa xe của anh Thiện ra lục tung lên để bàn về cách sửa chiếc xe của khách hàng nào đó. Mấy anh thợ điện đang nghỉ trưa ở gần vỉa hè thấy hai người tíu tít nói chuyện rôm rả về chuyện sửa xe cũng góp chuyện.

Anh Thiện vui vẻ khoe ngôi nhà mới cất: “Mới xây nhà được gần một năm. Gom góp được ít tiền đi làm dành dụm nhiều năm, họ hàng cũng giúp thêm mới xây được. Trước đây nhà chỉ là một mái lều tranh thôi!”. Mái lều tranh mà anh Thiện nói là ngôi nhà lá mà anh và người mẹ già đã sống ở đó từ lúc anh mới sinh ra.

Bà Nguyễn Thị Ký, mẹ anh Thiện, kể: “Lúc sinh ra nhỏ Thiện cũng bình thường như anh trai. Đến 2 tháng tuổi thì bị bệnh, bác sĩ nói nếu không rút tủy xương sống thì chỉ có chết. Rút tủy rồi thằng nhỏ không cao lên được nữa. Năm nhỏ Thiện được 18 tuổi, không biết trên phường nhầm lẫn thế nào mà kêu nó đi nghĩa vụ quân sự đến hai lần. Thằng nhỏ phải lóc cóc đi bộ khám sức khỏe. Lần nào đi về cũng khóc sưng cả mắt! Nhưng chỉ hai lần đó thôi, thằng nhỏ ngoan và cứng rắn lắm. Nó bảo con tuy lùn, sức khỏe không như người ta nhưng con còn là mẹ còn!”.

Ba Thiện mất khi anh mới 6 tuổi. 15 tuổi Thiện chỉ cao gần 1m, nhưng đã quyết tâm đi học nghề sửa xe sau khi học hết lớp 6. Kiếm được tiền từ nghề sửa xe, anh Thiện nói mẹ ở nhà vì sức khỏe bà đã yếu. Bà Ký kể: “Chưa một lần nào nó tỏ ý hờn trách hay tủi phận. Lúc nào cũng nói những chuyện vui để tôi mau hết bệnh”.

Đến hẻm 18A, chỉ cần hỏi thăm nhà anh Thiện “lùn” thì bà con khu phố ai cũng biết. Họ còn kể vanh vách về anh chàng “tí hon” rất thương mẹ. Mỗi ngày sửa xe được bao nhiêu tiền là về đưa hết cho mẹ chi tiêu trong nhà. Có lần, khi bà Ký còn làm thợ hồ, bà bị ngã từ trên lầu xuống, anh Thiện đang sửa xe nghe tin báo đã bỏ cả đồ nghề vừa khóc vừa chạy về. Lần đó, hàng xóm ai cũng thương “thằng nhỏ” cứ chạy bộ cả ngày từ bệnh viện về chỗ làm để vừa sửa xe kiếm tiền vừa chăm mẹ nằm viện.

Anh Thiện kể về “bí mật” của mình: “Tối vẫn ngủ gần giường của mẹ”. Anh nói: “Tôi cũng mơ có một người vợ bên mình, nhưng bây giờ còn mẹ già, tiền sửa xe hằng ngày chỉ đủ xài cho hai mẹ con, có cô nào dám lấy đâu!”. Nhưng bà Ký bảo: “Nó vui tính nói vậy thôi chứ ít khi than thở lắm”.

Chỉ nhỏ vóc dáng

 

Anh Hà giao báo cho khách - Ảnh: L.Vân

Anh Phan Văn Hà, ở TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), chỉ cao 1,23m, năm nay 37 tuổi. Cứ 4g30 sáng, dù trời nắng ấm hay rét đậm anh lại dậy lấy báo ở sạp rồi đạp xe đi bán báo dạo khắp thành phố. Không quán cà phê, quán ăn nào trong TP mà anh không biết. Anh Hà đi tới đâu giao báo, bán báo cũng được mọi người hỏi chuyện. Có duyên ăn nói lại hay pha trò, có khi chỉ một người mua báo mà mấy người khác cũng xúm lại nghe anh kể chuyện.

Anh Hà ở phố Tân An, gia đình làm nghề buôn bán. Mẹ anh đưa anh đi học nghề sửa chữa điện tử, mua đồ nghề về để anh làm tại nhà. Làm được một thời gian, khi nghề sửa tivi nội địa không đắt khách như những năm 1990, mẹ anh sắm cho anh tủ chè khô để bán ngay trước nhà. Bà bảo anh làm cho vui thôi chứ bươn chải làm gì cho vất vả. Nhưng anh nói với mẹ: “Con còn tay, còn chân, còn nuôi được bản thân”. Vậy là nhờ một người quen giới thiệu, anh vừa bán chè khô ở nhà vừa đi giao báo cho một sạp báo lớn trong thành phố. Trung bình mỗi ngày anh bán được cả trăm tờ báo. Với khoản tiền kiếm được, anh vừa tự lo cho bản thân, vừa đóng góp tiền cùng mấy anh em trong nhà lo cho mẹ. Cuộc sống của anh nhờ đó cũng đỡ phần vất vả.

Dẫn chúng tôi vào phòng riêng, anh cười lém lỉnh: “Đấy, tivi, dàn loa, máy điều hòa, giường tủ đủ cả. Chỉ thiếu mỗi một phu nhân của chú lùn nữa là đủ bộ rồi!”. Anh khoe: “Đồ đạc tôi tự sắm hết đấy, ở một mình nên mua về tối nằm nghe cho vui. Mà có khi cả ngày đi làm mệt nên cũng ngủ luôn, đồ đạc kê nhiều cho ấm cúng!”. Ở nhà anh Hà có người em trai làm nghề rửa xe, những lúc rảnh anh cũng lăng xăng giúp em. Hàng xóm trong khu phố thấy “chàng lùn” loay hoay rửa chiếc ôtô bự chảng ai cũng ngạc nhiên, thêm điệu bộ pha trò láu lỉnh, mỗi lúc anh Hà xuất hiện trước nhà, khu phố lại vui vẻ hẳn lên.

“Không có ai tẻ nhạt ở trên đời”, anh Hà lấy câu thơ của nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko để nói về hoàn cảnh của mình. Anh bảo anh chẳng thấy buồn, thậm chí còn rất vui, tự hào khi người ta gọi mình là “người lùn”, người “tí hon” vì những người như anh chỉ nhỏ vóc dáng chứ không nhỏ nghị lực, trí tuệ. Anh và những người cùng cảnh đang hòa mình vào cuộc mưu sinh, sống có ích, không để thua kém những người bình thường khác vì vóc dáng nhỏ bé của mình.

Theo Lê Vân (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.