Tuy nhiên, giữa Huyền Trang lịch sử và Đường Tam Tạng tiểu thuyết đã trải qua nhiều bước trung gian. Thậm chí, có thể nói đến những con đường thỉnh kinh hoàn toàn khác nhau của những nhóm người thỉnh kinh khác nhau nhưng có chung nhân vật trung tâm là Huyền Trang - Đường Tam Tạng.
Bức Đường Tăng thủ kinh đồ ở chùa Dược Sư tại Nara (Nhật Bản) |
TƯ LIỆU CỦA TRẦN HOÀNG VŨ |
Từ sự thực lịch sử đến họa phẩm
Sau khi về đến Trường An, thể theo đề nghị của Đường Thái Tông, nhà sư Huyền Trang đã biên soạn Đại Đường Tây Vực ký. Tác phẩm này chủ yếu là một quyển địa chí về các nước ở Trung Á và Nam Á thời kỳ đó. Hành trình sang Tây phương của Huyền Trang được một người đương thời là Tuệ Lập biên soạn. Tuệ Lập xuất gia vào đúng năm Huyền Trang trốn khỏi nhà Đường để đi sang Ấn Độ - tức năm Trinh Quán thứ 3 (692). Tuệ Lập cũng là người đã hỗ trợ Huyền Trang trong việc phiên dịch các kinh điển được mang về nước. Chính vì “trông thấy học hạnh của Tam Tạng, quen thuộc hình dáng của Tam Tạng, khen thưởng ngưỡng mộ” nên Tuệ Lập mới soạn ra bộ tiểu sử của Huyền Trang. Về sau, sách này được nhà sư Ngạn Tông tu bổ, chia thành 10 quyển, gọi là Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện. Hành trình cầu pháp của Huyền Trang nằm trong 5 quyển đầu và một phần đầu quyển thứ 6 (tả đoạn Huyền Trang về đến nước nhà và diện kiến Đường Thái Tông).
Tương truyền, Phiên Kinh viện ở Tây Kinh từng đem những chỗ Huyền Trang đi qua vẽ thành tranh để lưu trữ. Đời Tống, Đổng Du có nhìn thấy một tác phẩm Huyền Trang thủ kinh đồ và nghi là bộ tranh của Phiên Kinh viện. Có điều, những gì mô tả trong bộ tranh ấy so với một số lời truyền miệng về hành trình của Huyền Trang lại có chỗ khác nhau. Cụ thể là truyền thuyết về lời hẹn khi nào cây bách trỏ về đông thì Huyền Trang trở về. Cố sự này chưa hề thấy trong bộ sách của Tuệ Lập và Ngạn Tông, vì thế chắc chắn nó đã được hình thành vào một thời điểm nào đó giữa hai triều Đường, Tống.
Huyền Trang thủ kinh đồ mà Đổng Du nhìn thấy gồm bao nhiêu bức, cụ thể vẽ những gì, ngày nay chúng ta không biết rõ. Đời nhà Thanh, học giả Lương Chương Cự (1755 - 1849) có tìm thấy một bộ tranh mang tên Đường Tăng thủ kinh đồ sách. Bộ tranh gồm 32 bức, chia 2 quyển thượng, hạ và được lưu hành ở Nhật Bản. Quyển thượng có dòng lạc khoản đề chữ “Cô Vân xử sĩ”. Đây là tên hiệu mà vua Nguyên Nhân Tông đã ban tặng cho họa gia Vương Chấn Bằng (1280? - 1329?). Điểm đáng nói ở đây là giữa tựa đề tranh và nội dung tranh trong toàn bộ sách này có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Nhiều khả năng tựa tranh và nội dung tranh bắt nguồn từ hai nguồn khác nhau, thể hiện hai hành trình thỉnh kinh khác nhau. Hai hành trình ấy có thành phần đoàn thỉnh kinh không giống nhau và tình tiết cũng có nhiều điểm khác biệt. Đoàn thỉnh kinh trong tranh chỉ gồm Đường Tăng, một thị giả (người chưa xuất gia nhưng phục vụ cho tăng lữ) theo hầu. Chỉ một trong số 32 bức ấy có vẽ một người mặt khỉ đứng bên cạnh Đường Tăng và thị giả. Ngược lại, tiêu đề tranh cho thấy ngoài Đường Tăng có lẽ còn có Sách hành giả, Sa hòa thượng và Trư Bát Giới.
Sự xuất hiện của Tôn Ngộ Không trong chuyện kể Tây du
Hình người mặt khỉ xuất hiện trong bộ tranh của Vương Chấn Bằng thời Nguyên để lại một nghi án hết sức lớn. Liệu Tôn Ngộ Không có là một thành viên trong đoàn thỉnh kinh hay không? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bộ sách này giữa tranh và tiêu đề hầu như không khớp nhau. Nếu gạt bỏ tiêu đề mà chỉ nghiên cứu nội dung tranh thì phải sắp xếp lại thứ tự; mà nếu làm như vậy thì lại hé lộ một số sự tích Tây du hoàn toàn khác. Ở chùa Dược Sư tại Nara (Nhật Bản) cũng lưu trữ một bức Đường Tăng thủ kinh đồ vẽ Đường Tăng cưỡi ngựa, có vòng hào quang trên đầu. Đi bên cạnh là thị giả giống như người trong bộ tranh của Vương Chấn Bằng, và một nhân vật mình người đầu rồng đang bưng một bộ sách tượng trưng cho chân kinh. Nếu như bức tranh này là bức cuối cùng, hoặc phỏng họa theo bức cuối cùng, trong bộ tranh của Vương Chấn Bằng thì đoàn thỉnh kinh không hề có Tôn Ngộ Không, thậm chí không có cả Trư Bát Giới lẫn Sa hòa thượng.
Kỳ thực, khoảng thời nhà Tống, một nhân vật có vai trò như Tôn Ngộ Không đã xuất hiện trong chuyện kể Tây du. Cụ thể là bộ Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại. Sách kể về hành trình của Đường Tăng cùng 6 đồ đệ vô danh theo hầu. Sách chia thành 3 quyển, 17 tiết. Tiết đầu đã bị mất. Tiết thứ hai tả cảnh đoàn người tới xứ của Hầu Hành Giả. Hầu Hành Giả tự xưng là vương của 8 vạn 4 ngàn con mi hầu đầu đồng trán sắt ở động Tử Vân, núi Hoa Quả. Hầu Hành Giả tình nguyện theo bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh. Đó là nhân vật thần thông quảng đại duy nhất đi theo Đường Tăng. Không hề có ngựa Bạch Long, Sa hòa thượng hay Trư Bát Giới. Chỉ có nhân vật tiền thân của Sa hòa thượng là thần Thâm Sa - một chướng ngại trên con đường thỉnh kinh của Đường Tăng từ nhiều kiếp trước.
(còn tiếp)
Bình luận (0)