Những chuyên gia “chân đất” - Kỳ 7: Đối thoại với đặc phái viên Mỹ

22/08/2011 23:41 GMT+7

Gần cả cuộc đời gắn với nghề nuôi cá, quanh quẩn với chuyện cá nên khi con cá gặp chuyện, nông dân Nguyễn Hữu Nguyên (An Giang) không ngại ngần đại diện cho người nuôi cá ĐBSCL đối thoại trực tiếp với các đặc phái viên Mỹ về vụ áp thuế chống bán phá giá cá ba sa, cá tra của VN .

>> Kỳ 6: Nông dân bán bản quyền

 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên kể về cuộc đối thoại với đặc phái viên Mỹ - ảnh: C.N

Năm nay đã 62 tuổi, đồng hành với con cá tra qua tất cả những thăng trầm biến cố nhưng kỷ niệm ông Nguyên nhớ nhất là ngày Mỹ áp thuế chống bán phá giá với cá tra, ba sa VN năm 2003.

Trưởng đoàn đàm phán

Trước hoàn cảnh đó, những người nuôi cá tập hợp lại và viết “Kháng thư” gửi đến Chính phủ Mỹ để phản đối phán quyết trên. Là người có nhiều năm gắn bó với nghề, giao tiếp trôi chảy nên Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) đã cử ông Nguyên làm trưởng đoàn, cùng 2 người nuôi cá khác tham gia đối thoại với đặc phái viên của Chính phủ Mỹ là các chuyên gia kinh tế của Bộ Thương mại (DOC).

Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, ông Nguyên và 2 thành viên của đoàn đã tích cực thu thập ý kiến của những người nuôi cá và bàn cách viết “Kháng thư”. “Chúng tôi dự định viết Kháng thư xong sẽ gom góp tiền bay sang Mỹ gặp Bộ Thương mại và đại diện chính phủ, để đòi quyền lợi cho người nuôi cá. Nhưng phía Mỹ đã sắp xếp gặp mặt với chúng tôi ngay tại lãnh sự quán của họ tại TP.HCM”, ông Nguyên kể.

Buổi đối thoại diễn ra giữa 3 nông dân ĐBSCL và 4 chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ đã kéo dài từ 8 giờ sáng đến 12 giờ 30 bằng tiếng Việt.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Đóng góp ít người làm được

“Anh Nguyễn Hữu Nguyên là người luôn hết lòng, hết sức vì sự phát triển của con cá tra. Đặc biệt trong vụ áp thuế chống bán phá giá của Mỹ, cuộc đối thoại ít nhất cũng làm cho người Mỹ hiểu một cách toàn diện hơn về nghề nuôi cá tra, ba sa VN. Những đóng góp của anh Nguyên đối với ngành cá là rất quan trọng mà ít người làm được. Trong suốt những năm vừa qua, anh Nguyên đã giúp người nuôi cá nói lên tiếng nói của mình”, ông Phan Văn Danh, nguyên Phó chủ tịch AFA, đánh giá.

Tại cuộc đối thoại này, ông Nguyên mở đầu bằng việc giới thiệu những thế mạnh cũng như khó khăn của người nuôi cá tra VN. Ông phân tích việc người nuôi cá đã tận dụng những lợi thế sẵn có để giảm chi phí, khiến con cá tra VN khi vào thị trường Mỹ có giá thấp. Cụ thể như nuôi cá bằng lồng bè trên sông, sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Bên cạnh đó, người nuôi cá không cho cá ăn thức ăn công nghiệp như cá nheo Mỹ mà chỉ cho ăn cá vụn, cám, tấm... nên chi phí thấp. Môi trường nuôi tốt làm cá ít bị bệnh và mau lớn...

Nhưng phía Mỹ cho rằng, những người nuôi cá tra không hề nghèo, vì nghèo thì không có vốn để nuôi cá. Nếu tận dụng tất cả những lợi thế về điều kiện tự nhiên thì giá thành sản xuất cá tra cũng không thể thấp như vậy. “Ở VN các anh có thị trường không, anh Nguyên?”, một chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi. “Có chứ”, ông Nguyên khẳng định. Rồi ông dẫn chứng ngay: “Chẳng hạn như tôi nuôi cá thì cần có cám, tấm để làm thức ăn. Mà giá những nguyên liệu đầu vào này luôn thay đổi theo quy luật cung cầu; đến khi bán cá cũng vậy, không có mức giá cố định mà tùy thuộc theo thời điểm đó người nuôi bán nhiều hay ít, nhà máy thu mua thế nào. Như vậy thì chúng tôi cũng có thị trường chứ”.

Những chuyên gia Mỹ một lần nữa lại không đồng tình “cái đó là kiểu thị trường của mấy anh thôi, anh Nguyên”. Rồi họ giải thích khái niệm thị trường kiểu Mỹ. Kế đến họ hỏi: “Chính phủ VN có hỗ trợ gì cho những người nuôi cá như các anh không?”. “Không. Chúng tôi hoàn toàn tự bơi thôi”. Những chuyên gia Mỹ tiếp tục phủ nhận, họ cho rằng Chính phủ VN có hỗ trợ, nhưng những khoản hỗ trợ đó không đến được với nông dân mà vào túi doanh nghiệp...

“Chúng tôi trao đổi thẳng thắn với nhau từng khía cạnh của nghề nuôi cá. Nhưng tiếc rằng cả 2 phía không tìm được tiếng nói chung và luôn đứng trên lập trường của mình để phủ định ý kiến của đối phương”, ông Nguyên nhớ lại.

Kinh nghiệm xương máu

Buổi đối thoại - nỗ lực cuối cùng của những người nuôi cá ĐBSCL không được như mong đợi. Song, bản thân ông Nguyên và những người nuôi cá, doanh nghiệp VN... đã rút ra được nhiều bài học quý. Đầu tiên là phải tiến hành làm thương hiệu cho con cá tra VN. Hay nói một cách khác, khi tham gia vào sân chơi thế giới chúng ta cần phải “chơi” theo luật chung.

“Xì-căng-đan trên vô tình thành cơ hội quảng bá cho con cá tra, nhờ vậy mà nó đã “bơi” đi khắp thế giới”, ông Nguyên nhận xét. Từ đó, số liệu xuất khẩu cá tra năm sau luôn cao hơn năm trước. Người nuôi cá nhờ vậy cũng được hưởng lợi ít nhiều.

Giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm của nghề, người ta vẫn thấy một ông Nguyễn Hữu Nguyên sôi nổi, tháo vát, nhiệt tình như ngày nào. Mỗi khi có họp, hội thảo, hội nghị gì về con cá tra mà có thành phần là người nuôi cá thì ông Nguyên đều có mặt. Trong những lần như vậy, ông Nguyên lúc nào cũng là người phát biểu hăng say và đầy tâm huyết. “Người nuôi cá chịu rất nhiều thiệt thòi, nhưng đa phần họ không biết cách, biết nơi để bày tỏ. Tôi làm những việc này là muốn nói tiếng nói của họ ở những nơi cần thiết”, ông Nguyên tâm sự.

 

Ông Nguyên muốn giúp những người nuôi cá bằng cách nói tiếng nói của họ ở những nơi cần thiết 

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.