Những chuyên gia "chân đất" - Kỳ 8: Đó là những người tiên phong

24/08/2011 00:17 GMT+7

Loạt bài về những nông dân - chuyên gia” chân đất” trên Thanh Niên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Nhiều chuyên gia - những người sâu sát với từng nông dân, từng chân ruộng, nói gì về họ?

 >> Kỳ 7: Đối thoại với đặc phái viên Mỹ


 Chân dung một số chuyên gia “chân đất” - Ảnh: nhiều tác giả

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: Bà con mình thông minh lắm

Chúng tôi rất trân trọng những nông dân đã cố gắng mày mò, nghiên cứu và thực tế đã có nhiều nông dân đạt được thành quả tốt, rất đáng biểu dương. Họ đã phát huy được khả năng của mình, không chỉ trong lĩnh vực giống cây trồng mà còn nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi trân trọng những nông dân này còn vì phần nhiều họ chưa qua đào tạo chuyên môn, trình độ học vấn hạn chế, không có bài bản nhưng đã nỗ lực để có những thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ thiết thực cho nhiều nông dân khác.

Có những cái những người làm công tác khoa học chưa nghĩ ra thì nông dân đã nghĩ ra

TS Lê Văn Bảnh
Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL

Trong thực tiễn, nhiều nông dân đã đi tiên phong từ những kinh nghiệm, những đúc kết của mình. Bà con mình thông minh lắm. Có những cái những người làm công tác khoa học (KH) chưa nghĩ ra thì họ đã nghĩ ra…

Đi nhiều quốc gia, ông có sự so sánh nào về trình độ sản xuất giữa nông dân các nước với nông dân VN?

 Đi nhiều nước, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, chúng tôi quan sát thấy trình độ tiếp thu, sự nhanh nhạy đưa tiến bộ KH kỹ thuật vào sản xuất của nông dân mình là số một. Đơn cử như nông dân ở nhiều nước, khi thấy giống lúa nào tốt thì họ trồng mãi giống đó. Còn ở mình, mỗi khi viện lúa triển khai giống mới, mời các địa phương, nhiều nông dân háo hức không đợi được, đã tới trước một, hai ngày mong sớm được tiếp cận với giống lúa mới. Trong công tác nhân giống, nhiều nước sử dụng giống đã được xác nhận cũng chỉ khoảng 10%. Còn nông dân mình khi thấy được hiệu quả thì bà con “xã hội hóa”, “nhân giống cộng đồng” ngay.

Sự liên kết, phối hợp giữa những người làm KH với những nông dân này thế nào, thưa ông?

Ở Viện lúa ĐBSCL, chúng tôi cũng đã nhận được sự hợp tác tốt của chính quyền, đoàn thể và người dân các nơi. Đơn cử như khi chúng tôi làm ra một loại giống, nhiều nông dân đã rất nhiệt thành trồng thử và phản hồi về. Chúng tôi làm KH mà không có họ thì sẽ không nhân rộng được những thành tựu.

Tuy nhiên, cũng rất cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các nhà KH để những sáng kiến của người dân phát huy được hiệu quả tốt nhất. Các nhà KH có thể giúp người dân đi đúng hướng, rút ngắn được quãng đường tìm tòi, nghiên cứu của mình; giúp nhiều nông dân tránh được rủi ro. Và ngược lại, người nông dân có thể giúp nhà KH những ý tưởng sản sinh từ nhu cầu thực tế.

TS Huỳnh Quang Tín - Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Nhà khoa học cũng cần học ở nông dân

Nguồn nhân lực “nông dân tri thức” là rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. Nông dân từ chỗ chưa biết làm thế nào cho hạt giống tốt hơn, năng suất cao hơn thì ngày nay nhiều người đã biết lựa chọn từ những giống lộn xộn thành giống thuần rặt mà không phải tốn nhiều tiền của để mua giống. Nông dân đã biết ứng dụng các kỹ thuật, mô hình canh tác tốt nhất cho năng suất lúa cao và ổn định, chất lượng hạt lúa được đảm bảo…Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ để đội ngũ nông dân tri thức này phát huy được khả năng của mình.

Ông nhận xét thế nào về những thành tựu mà những chuyên gia “chân đất” đạt được?

Nông dân là nhà KH, họ có thể tạo ra các giống lúa mới từ quần thể còn phân ly; có thể tự lai tạo, chọn giống như một nhà chọn giống. Điển hình là có giống lúa được chọn lọc từ nông dân đã được công nhận giống quốc gia (giống HĐ1), điều có lẽ trên thế giới chưa hề có.

Từ năm 1996 đến nay, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở cộng đồng (CBDC) với lực lượng nông dân tham gia trên 10.000 người. Họ đã được huấn luyện rất tốt về kiến thức và kỹ năng chọn giống và sản xuất lúa giống. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng hạt giống. Nhờ có những nông dân tri thức, nền nông nghiệp sẽ phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, viện đã tạo được mạng lưới nông dân rộng khắp. Với 358 tổ giống, họ đã và đang hỗ trợ những nông dân khác về kỹ thuật canh tác, tạo sự tiếp cận hạt giống dễ dàng, hiệu quả, đóng góp vai trò lớn trong an ninh nguồn giống và chuyển giao KH kỹ thuật như mạng lưới khuyến nông cơ sở.

Vai trò của các tổ chức, các cơ quan chức năng đối với những nông dân tri thức này như thế nào?

Theo tôi, các địa phương, các bộ ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo để huấn luyện, tăng cường năng lực cho nông dân trong nghiên cứu khoa học. Nên tăng cường liên kết giữa nhà KH và nông dân trên mặt trận KH nông nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Theo tôi, không chỉ nông dân học nhà KH mà nhà KH cũng cần học ở nông dân.

Tuy nhiên, theo tôi, quyền lợi của những nông dân trên là chưa rõ ràng, nếu không nói họ không được lợi gì về vật chất. Thậm chí họ còn hao công, tốn của để làm công việc của một nhà KH. Cái họ có là sự sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến cho KH, cho nông nghiệp, cho phát triển đất nước. Chưa nói họ đã giúp cho Nhà nước giảm ngân sách đầu tư nghiên cứu chọn giống.

Những nông dân chọn giống, họ xứng đáng gọi bằng tên cao quý hơn, chính xác hơn là “nhà khoa học chân đất”, để xứng đáng với những đóng góp lớn lao của họ.

Tiến Trình (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.