Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Lễ mừng tứ tuần đại khánh vua Khải Định

14/09/2021 08:00 GMT+7

Ngày 1.6.1923, Cơ mật viện chuyển qua tòa Khâm sứ Huế một bản sao tờ sớ tấu về lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định để xin ý kiến.

Trong thư phúc đáp, Khâm sứ Pasquier tỏ ý tán thành việc tổ chức lễ, nhưng cũng nhắc khéo với Cơ mật viện những lời lẽ của vua Khải Định muốn cho buổi lễ diễn ra trong sự giản dị và trang trọng, phù hợp nghi thức của tổ tiên xưa.
Vua Khải Định sinh năm 1885, tính đến năm 1924 là đủ 40 tuổi ta. Song trước đó một năm, triều đình đã chuẩn bị dần lễ mừng tứ tuần đại khánh của ông.
Ngày 17.5.1923, các thành viên Phủ Tôn nhơn cùng văn võ đại thần dâng lên nhà vua một sớ tấu nhắc lại những đại lễ tứ tuần khánh tiết (mừng 40 tuổi) được tổ chức trọng thể vào các đời vua Minh Mạng (năm 1830), Thiệu Trị (năm 1846), Tự Đức (năm 1868) và ân cần “lưu ý” nhà vua rằng ông đang ở tuổi 39, còn một năm nữa để tổ chức lễ mừng 40 tuổi.
Tất nhiên là tờ tấu này được nhà vua hoan hỷ chấp nhận. Ông ban hành một chỉ dụ nêu lên sự cần thiết phải thực hiện việc này vì từ 50 năm qua, chưa từng có một lễ tứ tuần đại khánh nào được tổ chức (các vua sau vua Tự Đức đều qua đời hoặc bị phế truất trước tuổi 40). Tuy nhiên, nhà vua cũng lưu ý là ngân quỹ năm 1924 không dồi dào như trước (do Pháp khống chế kinh phí), mặt khác nhiều lăng miếu đang xuống cấp, cần tiền tu sửa nên phải tiết kiệm kinh phí trong buổi lễ (BAVH - tạp chí hàng đầu Đông Dương chuyên nghiên cứu Huế và VN - No2/1925 - tr.47- 49).

Công sở và nhà dân thắp đèn suốt 5 ngày

Tháng 6 âm lịch năm 1924, Bộ Lại và Bộ Binh dâng lên nhà vua danh sách các Tổng đốc, Tuần vũ, Đề đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Quản đạo tại tất cả các tỉnh. Nhà vua áp dấu son lên tên những người được đại diện các tỉnh về dự lễ, thông thường mỗi tỉnh ông chọn một người.
Mặt khác, Bộ Lễ chỉ thị cho tỉnh Thừa Thiên mời các quan văn võ đã nghỉ hưu hay đang nghỉ phép có phẩm trật từ hàng ngũ phẩm trở lên, cùng những bô lão từ 70 tuổi trở lên dự buổi lễ diễn ra trong vòng 10 ngày cuối tháng 8 âm lịch năm 1924. Ở các tỉnh, những thành phần trên đi theo các quan tỉnh đến vọng cung chúc thọ vua. Phủ Tôn nhơn lập danh sách các hoàng thân, tôn tước, công tử, công tôn và tôn thất tham dự buổi lễ.
Trước đó, Bộ Lễ cũng đã thông tri cho quan lại thuộc các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, yêu cầu chọn những người có khả năng ca hát và tổ chức các trò chơi truyền thống, báo về bộ để tấu trình nhà vua biết.
Năm ngày trước chính lễ, Bộ Lễ hướng dẫn những người này đến Duyệt Thị đường (nhà hát cung đình) để tổng dượt trước sự chứng kiến của nhà vua. Tháng 8 âm lịch, Bộ Lễ ra thông báo cho các tòa án bản xứ biết là không được tuyên án trong 15 ngày - gồm 10 ngày trước lễ, ngày lễ chính và 4 ngày sau lễ. Các công sở và nhà dân treo cờ và thắp đèn suốt 5 ngày kể từ hai ngày trước buổi lễ.
Cuối cùng thì buổi lễ cũng đã diễn ra long trọng tại điện Thái Hòa. Nhân dịp này, vua Khải Định ban các ân chiếu phong thưởng những người có công và mở tiệc khoản đãi Toàn quyền Đông Dương Henri Merlin, Khâm sứ Huế Pasquier cùng các viên chức Pháp khác. Tối đến, vua Khải Định cùng các hoàng thân và văn võ đại thần ra Ngọ môn xem các trò chơi và đốt pháo bông. 
Tham dự bữa tiệc ở điện Cần Chánh có các hoàng thân, văn võ đại thần cùng tôn tước có phẩm trật từ tam phẩm trở lên. Các cung phi đời trước, cung phi tại triều, vợ và con gái các hoàng thân, vợ các đại thần dự yến phía sau điện Cần Chánh. Buổi chiều, tiệc lại được dọn ra ở Duyệt Thị đường dành cho các tôn tước từ tứ phẩm trở xuống, các công tôn, công tử, tôn thất, thích lý và quan lại làm việc tại Huế có phẩm trật từ tứ phẩm đến thất phẩm, cùng các quan đã về hưu từ ngũ phẩm trở lên. Ba ngày sau buổi lễ, các bô lão từ 70 tuổi trở lên được mời dự tiệc tại Thừa Thiên phủ.
Cũng cần nhắc lại khoảng nửa năm trước cuộc lễ, Khâm sứ Huế Pasquier đã gửi cho Cơ mật viện một văn thư loan báo việc Toàn quyền Đông Dương Merlin quyết định gửi tặng vua Khải Định một con bạch tượng (voi trắng) do các thợ săn bắt được ở Darlac.
Tại buổi lễ chính, Toàn quyền Merlin đích thân tham dự, hai bên trao đổi với nhau những bài diễn văn đầy tính ngoại giao. Trong sớ tấu, chỉ dụ về buổi lễ, người ta nói nhiều đến sự giản dị, tiết kiệm, song nếu những gì thật sự diễn ra đúng với chương trình đã vạch thì kinh phí bỏ ra không phải nhỏ. (Còn tiếp) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.