Người dân Bình Định truyền miệng nhiều câu chuyện kỳ lạ về 'hòn đá voi giẫm' ở chùa Hương Quang (thôn Bính Đức, xã Tây Vinh, H.Tây Sơn).
Ông Phạm Thứng bên cạnh “hòn đá bí ẩn” trong chùa Hương Quang - Ảnh: Hoàng Trọng |
Oan hồn ẩn trong đá ?
Theo cụ Phạm Thứng (80 tuổi, ở thôn Bính Đức), hòn đá được mang về chùa Hương Quang từ năm 2006. Lúc đó, mỗi khi nhắc đến hòn đá này nhiều người phải rùng mình khiếp sợ, còn lại gần thì chẳng mấy người dám. Nhiều người kể rằng hòn đá này là nơi ẩn thân của 5 cô gái từ đời vua Gia Long đến nay, có khả năng hít bàn tay người chạm vào nó y như điện giật và nếu ai mạo phạm sẽ bị “vật đến sùi bọt mép”...
Tương truyền rằng, sau khi đánh chiếm được thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh liền dụ những người trong hoàng tộc, tướng sĩ nhà Tây Sơn ra đầu thú với lời hứa sẽ không trả thù, ai phạm trọng tội thì đày vào miền Nam khai khẩn đất hoang, ai có tài được trọng dụng... Nhiều người trong hoàng tộc và tướng sĩ nhà Tây Sơn tin lời dụ ra đầu thú. Nhưng Nguyễn Ánh không giữ lời mà ra lệnh đem những người này ra hành hình.
Quân triều Nguyễn đem về thành Hoàng Đế (lúc này nhà Nguyễn đã gọi là thành Bình Định, nay thuộc xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn) 6 hòn đá vuông vức, đặt ở pháp trường. Tù binh nhà Tây Sơn lần lượt được dắt đến, hoặc kê đầu xuống những hòn đá để đao phủ chém hoặc đặt lên hòn đá cho voi giẫm. Mỗi hòn đá ở pháp trường thấm đẫm máu của rất nhiều người. Trong đó, hòn đá chém có oán khí rất nặng, âm hồn không siêu thoát gây ra rất nhiều chuyện ma quái. Một vị cao tăng ở chùa Thập Tháp (TX.An Nhơn) mang hòn đá chém về đặt trong chùa nhưng phải qua rất nhiều đời trụ trì mới giải hết oán hờn.
Hòn đá cho voi giẫm nằm khuất lấp trong bụi rậm ở gần thành Hoàng Đế hàng trăm năm qua. Dù không “kêu khóc đòi mạng” nhưng hòn đá này cũng bao phen khiến người dân ở gần phải hoảng sợ, không dám xâm phạm. Cứ đến đêm ngày 14, ngày rằm, ngày 30 và mùng 1 âm lịch thì những người dân sống gần hòn đá thấy có 5 cô gái từ hòn đá bước ra đi lững thững hoặc thấy 5 luồng ánh sáng rực rỡ từ hòn đá bay lên.
Sau những năm chiến tranh, có một người tự xưng là thầy pháp ở Nhơn Hậu cho rằng mình có khả năng điều khiển âm binh, đã thuê người đưa hòn đá về nhà mình. Một thời gian sau, nhiều chuyện ma quái xảy ra trong nhà và người con trai lớn bất ngờ lăn ra chết khiến thầy pháp hoảng sợ, thuê người khiêng hòn đá bỏ ra ngọn đồi ở gần ga Vân Sơn (xã Nhơn Hậu). Từ đó, tin đồn ma quái về hòn đá voi giẫm xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân trong vùng lo sợ.
Theo lời kể của cụ Thứng, năm 2006, hòa thượng Thích Hồng Phương, trụ trì chùa Hương Quang, xuống Nhơn Hậu chơi, có nghe một hòa thượng khác kể chuyện về hòn đá voi giẫm này. Sau khi về chùa Hương Quang, hòa thượng Thích Hồng Phương gọi Ban hộ tự chùa đến họp bàn rồi quyết định cử cụ Thứng (khi đó đang là Trưởng ban hộ tự) đi rước hòn đá. Lúc đó, hòa thượng Thích Hồng Phương nói các linh hồn bị hành hình trên hòn đá đều đã siêu thoát, chỉ còn 5 oan hồn là các trinh nữ vẫn ngụ trong hòn đá. Nếu ra tay cứu độ, giúp các linh hồn siêu thoát sẽ là một việc làm ân đức.
Hòa thượng Thích Hồng Phương chọn ngày giờ, dặn dò cụ Thứng đi xem hòn đá. Đến ngày, cụ Thứng gọi người em vợ chở xuống ga Vân Sơn. Theo lời dặn của sư thầy, đúng 4 giờ 30, cụ Thứng đặt tay vào hòn đá thì có cảm giác như bị điện giật, hòn đá hít mạnh không nhấc tay lên được. Cụ Thứng hoảng sợ khấn Phật, khấn âm hồn 5 cô gái về ý định siêu thoát của nhà chùa thì mới rút bàn tay rời khỏi hòn đá.
Sau đó, cụ Thứng thuê xe chở hòn đá về chùa Hương Quang. Trưa 18 tháng chạp năm 2006, hòn đá voi giẫm được chở về chùa Hương Quang. Ngày 20 tháng chạp, chùa tổ chức lễ cúng rất to, cầu siêu cho 5 linh hồn ở trong hòn đá.
Sự thật lịch sử
Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, chính sử không ghi chép chuyện Nguyễn Ánh thực hiện cuộc tàn sát nào ở Bình Định.
Theo sách Đại Nam thực lục (bộ chính sử của triều Nguyễn), sau khi chiếm Phú Xuân (nay thuộc Thừa Thiên- Huế), tháng 11.1802, Nguyễn Ánh sai phá hủy mộ của hoàng đế Quang Trung và có 31 người là con gái, con trai, họ hàng, tướng hiệu đều bị lăng trì cắt nát thây tại Phú Xuân. Còn tại Bình Định, tháng 3.1802, sau khi lấy được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh có chỉ dụ tha tội cho những người theo Tây Sơn, sử dụng các hàng tướng, yên ủi để dân được yên tâm. Sau khi thống nhất được đất nước, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh cũng tiến hành một cuộc hành hình những người trong hoàng tộc, tướng sĩ nhà Tây Sơn tại Huế vào cuối năm 1802.
Như thế, những câu chuyện về hòn đá chém, hòn đá voi giẫm ở Bình Định chỉ là những chuyện hoang đường truyền tụng trong dân gian.
Bình luận (0)