Những chuyện kỳ bí - Kỳ 5: Đất 'Thạch Sanh' lấy hết lại đầy

02/10/2015 06:19 GMT+7

Mấy trăm năm nay người Chăm đã khai thác vài héc ta đất bên bờ sông Quao ở Ninh Thuận để làm gốm mà đất không những không lõm xuống theo quy luật tự nhiên mà trái lại nó còn “trồi” lên.

Mấy trăm năm nay người Chăm đã khai thác vài héc ta đất bên bờ sông Quao ở Ninh Thuận để làm gốm mà đất không những không lõm xuống theo quy luật tự nhiên mà trái lại nó còn “trồi” lên.

Đất sét lấy từ cánh đồng QuaoĐất sét lấy từ cánh đồng Quao
Người Chăm vẫn gọi làng gốm của mình ở Bàu Trúc (TT.Phước Dân, H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bằng cái tên Chăm: Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng có cánh đồng lồi. Còn anh Vạn Phú Đoan, đứa con của dân tộc Chăm, người đã đưa cả container gốm Chăm đi Mỹ hôm tết vừa rồi thì Việt hóa thành tên: Đất “Thạch Sanh”.
Làng gốm Bàu Trúc
Sông Quao chỉ có nước vào mùa mưa, làm mỗi chức năng là thoát lũ ra sông Dinh. Cạnh nó có cánh đồng chuyên cung cấp nguyên liệu để người Chăm làm gốm. Làng gốm Paley Hamu Trok, nay được gọi là Bàu Trúc, đã thành một trong những làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á, đã lấy đất từ cánh đồng này suốt mấy trăm năm qua.
Người Chăm làng Bàu Trúc luôn tự nhận họ là con cháu của Pô Klong Chanh, một quan cận thần của vua Pô Klong Garai (1151 - 1205), người được vua Shihavaman (Chế Mân) đặt tên cho một cụm tháp Chăm đồ sộ còn lại hiện nay tại Ninh Thuận. Theo dân làng Bàu Trúc, chính Pô Klong Chanh đã đưa tổ tiên họ đến định cư ở cánh đồng Mamu Trok và dạy dân đào đất sét làm gốm để thoát khỏi cảnh cơ hàn.
Theo lời kể của anh Vạn Phú Đoan thì làng gốm Paley Hamu Trok, nơi có cánh đồng chuyên cung cấp nguyên liệu đất ấy nằm bên bờ sông Quao, cách làng gốm Bàu Trúc hiện nay chừng 4 cây số. Tổ tiên của người Chăm ở Bàu Trúc hiện đã định cư tại Paley Hamu Trok hàng trăm năm trước đó, cho đến khi có trận lụt năm Giáp Thìn (1964), lũ tràn sông Quao, chực cuốn phăng dân làng ra biển. Bấy giờ có ông quận trưởng quận An Phước (tên H.Ninh Phước trước năm 1975) thấy các làng nằm phía tây đường tàu lửa thì nước ngập lút nóc nhà, nhưng phía đông đường tàu thì quá an toàn nên ông vận động người dân chuyển làng Paley Hamu Trok về làng mới phía đông đường tàu, nơi có cái bàu khá rộng với những khóm trúc mọc đầy trên bờ. Làng gốm cổ xưa bắt đầu mang tên Bàu Trúc từ dạo đó.
Dù phải đi khỏi nơi đã từng gắn bó với mình hàng trăm năm, song dân Bàu Trúc vẫn không quên chốn cũ. Họ vẫn trở lại nơi triền sông Quao ấy sau mỗi vụ gặt, không phải để cho “đỡ nhớ làng” như lối suy diễn của các nhà thơ mà là để lấy đất về làm gốm.
Cánh đồng kỳ lạ
Chịu tiếng là làng chuyên làm đồ gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng, song số gia đình người Chăm ở Bàu Trúc sống bằng nghề nông khá nhiều. Họ vẫn bám vào cánh đồng bên bờ sông Quao để canh tác. Những năm đầu vào hợp tác xã nông nghiệp, khi những hộ bốc thăm trúng 2 ha đất nằm ở chân ruộng cao thuộc cánh đồng này, nước khó tới được nên năng suất lúa thấp, ai cũng ngao ngán, than trách cho số phận kém may.
Thế rồi đến một ngày nghề làm gốm ở Bàu Trúc không còn tự sản tự tiêu như nhiều chục năm trước nữa, lượng khách du lịch đổ về làng ngày một đông, số lượng gốm mỹ nghệ bắt đầu tiêu thụ tốt, nghề gốm hồi sinh. 2 ha đất bên bờ sông Quao cũng “hồi sinh” theo nghề gốm. Chủ nhân của 2 ha đất nói trên, không còn ai than thân trách phận kém may nữa vì vừa canh tác được lúa, vừa bán được đất sét trong lòng ruộng mà ruộng thì vẫn không thành ao đầm. Đó là hiện tượng kỳ lạ nhất chung quanh câu chuyện về nghề gốm ở Bàu Trúc này.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm lẫn các nhà địa chất vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng “đất lấy mãi mà vẫn còn nguyên” ở triền sông Quao. Trong số vài ba chục héc ta đất ở cánh đồng bên sông Quao thì chỉ có 2 ha nằm ở chân ruộng cao mới cung cấp nguyên liệu đất để làm gốm. Còn lấy đất sét ở bất cứ nơi nào tại cánh đồng Quao hoặc những chỗ khác của Ninh Thuận thì cũng không thể làm nên các sản phẩm gốm. Quy trình lấy đất sét ở đây cũng đơn giản như lấy đất làm gạch. Cào đất trên bề mặt ruộng bỏ qua một bên, đào lấy đất sét bên dưới, sau đó lấp lại như cũ. Sau vụ gặt, các chủ lò gốm tới mua đất sét của chủ ruộng với giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/xe bò và đào theo quy trình kể trên. Đào mãi hàng trăm năm nay mà chỗ lấy đất ấy vẫn không có dấu hiệu lõm xuống chút nào. “Có cảm giác như nó lồi lên sau mỗi lần đào lấy đất chỗ ấy vậy”, anh Đoan nói.
Bà Đàng Thị Phan, một nghệ nhân gốm nổi tiếng của Bàu Trúc nói rằng, cái độc đáo của nghề làm gốm ở đây là không có bàn xoay mà toàn bộ làm bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng lẻ, không giống nhau. Chỉ có đất ở cánh đồng sông Quao thì mới làm các sản phẩm gốm bằng tay, còn đất chỗ khác thì không được. Bà kể rằng cách đây mấy năm, bà ra Hà Nội để làm các sản phẩm gốm cùng với các nghệ nhân khác ở Phù Lãng, Bát Tràng.
Tất cả đều có bàn xoay, riêng bà thì không. Vì khi đưa loại đất sét đồng Quao vào làm bằng bàn xoay là nó hỏng hết. Rồi bà sang Nhật Bản, người ta cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà sử dụng đất sét đồng Quao mà không cần dùng bàn xoay để làm ra sản phẩm. “Tôi lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Rồi tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì nó sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2 m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”, bà Phan nói với vẻ tự hào về nghề gốm độc đáo của làng mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.