Những 'cô giáo' ở xóm trọ

Như Quỳnh
Như Quỳnh
18/08/2019 10:27 GMT+7

Gần hai tháng nay, cứ vào cuối tuần, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thành, chủ khu lưu trú văn hóa số 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) rộn rã tiếng cười nói, đọc bài của học sinh, tiếng giảng bài của các gia sư tình nguyện.

Phần đông các em ở đây là con của các gia đình công nhân, lao động ngoại tỉnh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em không có điều kiện đi học thêm hay tham gia các hoạt động hè. Các gia sư tình nguyện đã tổ chức lớp học phụ đạo cho các em trong độ tuổi tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) tại nhà bà Nguyễn Thị Thành.

Nhiều cảm xúc và trải nghiệm

Lần đầu tiên tham gia chương trình Gia sư áo xanh, Lê Thị Trâm Em, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết đã trải qua nhiều cảm xúc và có những trải nghiệm thú vị với lần đầu dạy học. “Ở buổi dạy đầu tiên, chỉ có một em nên mình và nhiều thành viên phải tới nhà vận động các em đi học. Sau vài buổi đầu bỡ ngỡ, các em đi học rất đều đặn và siêng năng. Điều đó tiếp thêm động lực cho mình nhiều lắm”, Trâm Em chia sẻ.
Năng lực học tập và khả năng tiếp thu của các em ở đây không đồng đều. Vì vậy, với mỗi trường hợp cụ thể, các gia sư tình nguyện có những phương pháp phụ đạo khác nhau. “Với những em tiếp thu tốt, một buổi có thể giao cho làm 2 - 3 bài, sau đó cho ôn lại. Với những em có lực học yếu, phải kèm cặp kỹ hơn, chú trọng vào những nội dung các bé còn chậm”, Trâm Em cho biết.
Mặc dù phải đi học trong thời gian hè, nhưng Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian đến dạy cho các em.
Việc dạy học không hề đơn giản, đặc biệt là đối với những em ở độ tuổi tiểu học. Có nhiều em hiếu động, ham chơi, lơ là việc học, các gia sư phải trực tiếp đến nhà gọi đi học và nhờ phụ huynh nhắc nhở.
Ngoài là cô giáo, các gia sư tình nguyện còn là những người bạn, hiểu và chia sẻ những thiệt thòi của các em. “Với các em học yếu, mình tự bỏ tiền mua thêm sách cho các em làm bài để nhanh tiến bộ. Có nhiều lúc phải hiểu ý, dỗ ngọt các em. Nếu không khéo, có khi các em giận cô và bỏ buổi học luôn”, Thanh Hương nói.

"Con thích cô vì cô giống cô giáo"

Nguyễn Thanh Nghĩa (10 tuổi) và Nguyễn Thanh Vy (7 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt ở lớp học của gia sư tình nguyện. Nghĩa và Vy là anh em ruột trong gia đình có 3 anh em. Từ ngày ba mất, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, người anh đầu phải nghỉ học từ năm lớp 3. Nghĩa vì thế cũng không được đi học. Trong 3 anh em, chỉ có Vy đang được đến trường.
Khi được hỏi về việc đi học, ánh mắt Nghĩa đượm buồn: “Con muốn được đến trường giống các bạn. Được đến lớp học con vui lắm. Con được các cô dạy đọc, viết, làm toán. Giờ con đã làm được hết các phép cộng trừ rồi. Còn Vy thì đặc biệt quý mến các gia sư tình nguyện. Vy kể: “Con được mấy cô dạy toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Mấy cô hiền lắm, còn vui tính nữa. Con thích cô vì cô giống cô giáo ở trường con”.
“Gia sư áo xanh” là hoạt động tình nguyện do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp với Ban Công nhân lao động Thành đoàn, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức. Chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực quận huyện ngoại thành. Trong năm 2019, đã có 14 khu lưu trú công nhân đăng ký, 52 lớp học được lập, 10 khu lưu trú mở lớp tập trung cho gia sư và học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.