Đây là những chắt lọc kỷ niệm, tình cảm trong 60 năm cuộc đời của một con người hết sức nhạy cảm thể hiện qua vần điệu của những con chữ.
Hãy nghe tự bạch của tác giả: “Chẳng óng mượt như tơ, chẳng mịn màng như lụa, chỉ là những câu thơ mộc như hơi thở từng ngày. Ta chắt từ câu ví dặm của cha, lời ru hời của mẹ, mặn vị mồ hôi chan bát cơm đầy. Mồ hôi thấm nhòe trang giấy, câu thơ thẳng ngay rạn vỡ đường cày...”
|
Câu thơ như hơi thở! Tôi tin điều này khi đọc thơ ông. 18 tuổi cậu sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội gác bút nghiên nhập ngũ và đi thẳng vào chiến trường Quảng Trị, nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến lúc bấy giờ. Trong bài thơ Thụ ơi viết tháng 12.1972 (tức sau 7 tháng mặc áo lính) có đoạn: Biển Cửa Việt gầm vang sóng dội/ Tiểu đội bốn người trước họng súng xe tăng/ Pháo giặc đen ngòm/ Bắn thẳng vào anh/ Nhìn máu thịt nát tan mà tim tôi nhức nhối/ Thôi vĩnh biệt rồi/ Người đồng đội thân yêu!... Những câu thơ tả thực khốc liệt đến rùng mình. Thời gian mặc áo lính không dài (sau ngày thống nhất đất nước Nguyễn Đình Thắng quay lại giảng đường đại học) nhưng đã để lại dấu ấn trong khá nhiều bài thơ của ông như: Đất lửa hồi sinh, Nhớ quê em Gio Hải, Em là thanh niên xung phong, Huế giải phóng... hầu hết được viết với văn phong giản dị: Đất ở chốt rất gần, trời ở chốt rất xa/ Ít ai hiểu thời gian dài nhất… Hay: Nơi con sông chảy mềm như lụa/ Nhớ những ngày qua máu nhuộm hồng! … như nhắc nhở chúng ta sự hy sinh của những người lính một thời trận mạc.
Mặc áo lính đã lãng mạn thì trở lại đời thường cái lãng mạn ấy càng tăng lên. Hãy nghe ông nói với tình yêu: Đừng cho anh gặp em/ Để ngày khuất bóng nắng/ Cho đêm không sao sáng… Bởi vì anh gặp em/ Là tình thương ùa tới… (Đừng cho anh gặp em). Cái khéo của người làm thơ ở đây thay vì tỏ tình lại vờ vĩnh đừng cho anh gặp em mà thật ra trong lòng lại mong ngóng từng phút, từng giờ.
Xa quê từ khi còn quá trẻ, hình ảnh người mẹ già, con sông nhỏ đầu làng, gié lúa khô, cái nắng ngày giáp hạt vẫn đau đáu trong thơ ông, như muốn thay ông thét lên rằng “Nhớ quê!”: Cây mạ non sớm vật lộn với đời/ Lo sương muối, lo mùa đông rét giá… Dù ở nơi đâu cũng hướng về đất mẹ/ Nhớ quả trám, quả tro, thèm chút mặn, chua cà/ Vẫn bồi hồi câu ví dặm, tiếng đò đưa… (Quê mẹ Thanh Chương).
Như một món quà tự tặng mình ngày “lục thập”, tác giả Nguyễn Đình Thắng đã ghi lại trong tập thơ tất cả những cảm xúc, ghi nhận, trăn trở của cuộc đời mình. Đó là nỗi nhớ quê hương, đồng đội; là sự rung động của con tim trước tà áo dài thướt tha, sóng mắt long lanh; là sự băn khoăn sai, đúng trong cơn bão thị thường… Và dù viết về đề tài gì ta cũng bắt gặp sự chân thành trong từng dấu phẩy, từng cái xuống dòng.
Nguyễn Trung Nguyên
Bình luận (0)